Trung Quốc quyết đoán trên biển, nhà đầu tư nước ngoài tháo chạy

VietTimes -- Kinh tế Trung Quốc sẽ chịu thiệt hại nặng nề nếu nước này tiếp tục theo đuổi các yêu sách lãnh thổ phi lý. Cứ khi nào Trung Quốc có động thái tăng cường yêu sách chủ quyền trên Biển Đông và Biển Hoa Đông, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nước này lại sụt giảm mạnh, National Interest nhận định.
Hải quân Trung Quốc gần đây liên tục tập trận gây căng thẳng khu vực
Hải quân Trung Quốc gần đây liên tục tập trận gây căng thẳng khu vực

Theo National Interest, nếu như một nền kinh tế mạnh là trụ đỡ cho vị thế cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc, thì những cái đầu nóng ở Bắc Kinh đã phạm sai lầm chiến lược khi từ bỏ hình ảnh “trỗi dậy hòa bình” để củng cố sức mạnh quân sự và theo đuổi các yêu sách lãnh thổ ở Châu Á.

Thái độ diều hâu của quân đội Trung Quốc cùng với đường lối cứng rắn trong tranh chấp lãnh thổ của chính phủ nước này không chỉ đẩy phần còn lại của châu Á xích lại gần Mỹ hơn. Bóng ma của “đế quốc Trung Hoa mới” còn đang len lỏi vào bàn nghị sự của các doanh nghiệp trên toàn thế giới khi họ cân nhắc đầu tư ở Trung Quốc.

Phải nói rằng FDI có tầm quan trọng rất lớn trong sự phát triển và chuyển đổi của kinh tế Trung Quốc. Sau khi Đặng Tiểu Bình khởi xướng chính sách đổi mới vào năm 1978, dòng FDI khổng lồ đổ vào đã biến Trung Quốc thành công xưởng lớn nhất của thế giới và giúp nước này đạt được tăng trưởng GDP hai con số trong hơn 3 thập kỷ qua.

Tuy nhiên, dòng vốn FDI đổ vào Trung Quốc hiện nay dường như đã đạt đỉnh. Trong năm 2015, Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc để trở thành điểm đến FDI đứng đầu thế giới, trong khi FDI vào Trung Quốc vẫn dậm chân tại chỗ kể từ năm 2011.

Đáng buồn hơn cho triển vọng tăng trưởng và việc làm của Trung Quốc, dòng vốn FDI đã chuyển từ khu vực sản xuất sang dịch vụ tài chính. Lý do là các doanh nghiệp nước ngoài hiện nay không còn ngây thơ như trước nữa, và đang cân nhắc lại các rủi ro của việc đặt nhà máy hoặc chuỗi cung ứng của mình ở Trung Quốc.

Trên thực tế, một khi các doanh nghiệp nước ngoài không còn nhìn Trung Quốc qua lăng kính màu hồng nữa, thì họ sẽ trở nên thận trọng hơn rất nhiều. Một mặt, Trung Quốc vẫn là nguồn cung lao động rẻ, có hệ thống luật pháp lỏng lẻo và thị trường tiêu dùng khổng lồ.

Mặt khác, chính phủ Trung Quốc đang áp đặt các quy định ngày càng khắt khe đối với các doanh nghiệp muốn thâm nhập thị trường nước này. Trong số đó có quy định “liên doanh” với đối tác địa phương, chuyển giao công nghệ bắt buộc, và kiểm soát tiền tệ nghiêm ngặt. Ngoài ra, lương nhân công ở Trung Quốc không còn rẻ như trước nữa. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước và không khí cũng đang ngày càng trở nên báo động.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư ở Trung Quốc còn phải đối mặt với một rủi ro lớn khác. Bất cứ công ty nào làm ăn với Trung Quốc đều có nguy cơ bị đánh cắp sở hữu trí tuệ. Nguy cơ này bắt đầu ngay từ khi một giám đốc doanh nghiệp mang laptop hoặc di động qua hải quan Trung Quốc và sau đó dữ liệu của họ bị lột sạch. Hầu hết công ty trong nhóm S&P 500 đều không cho phép các giám đốc của mình mang laptop hoặc di động tới Trung Quốc.

Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất và có ảnh hưởng ngay lập tức vẫn là địa chính trị. Các cuộc bạo động chống Nhật vào năm 2012 ở hơn một trăm thành phố của Trung Quốc là một ví dụ điển hình.

Các cuộc bạo động năm 2012 xảy ra khi Trung Quốc ra yêu sách chủ quyền với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông của Nhật Bản. Mặc dù Nhật Bản đã nắm giữ và quản lý thực tế vùng lãnh thổ này trong hơn 100 năm, Bắc Kinh vẫn đòi chủ quyền với quần đảo này. Thậm chí các thành phần dân tộc chủ nghĩa ở Trung Quốc còn tuyên bố sẵn sàng dùng đến chiến tranh đề đòi lại quần đảo trên.

Máy bay Nhật tuần tra ỏ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư
Máy bay Nhật tuần tra khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư

 Sau khi người dân đốt các nhà máy và cửa hàng của Nhật Bản, xông vào tổng lãnh sự nước này và đập phá ô tô mang thương hiệu Nhật Bản vào năm 2012, giới doanh nghiệp Nhật Bản hiểu rằng đã đến lúc họ phải tìm nơi khác để đầu tư. Sau cuộc bạo động năm 2012, FDI của Nhật Bản vào Trung Quốc đã giảm mạnh, trong khi gia tăng đầu tư ở phần còn lại ở châu Á. FDI của Nhật Bản vào Đông Nam Á đã tăng trong ba năm liên tiếp và xu hướng này sẽ còn tiếp tục tăng tốc trong thời gian tới.

Các doanh nghiệp nước ngoài đã nhận ra rằng sẽ là không không ngoan khi mở nhà máy mới ở một nước sẵn sàng gây chiến để viết lại bản đồ châu Á. Do đó, dòng vốn FDI sẽ tháo chạy ngày càng nhiều khỏi Trung Quốc để tới các điểm đến khác ở châu Á, và đây là lý do tại sao kinh tế Trung Quốc đang tỏ ra trì trệ trong thời gian gần đây.

National Interest kết luận, bài học ở đây với Trung Quốc là: nếu muốn yên ổn làm ăn thì phải tôn trọng hòa bình thay vì tỏ ra hung hăng và theo đuổi những yêu sách lãnh thổ phi lý.