Tháng Năm vừa qua, ông Scott Swift được phong hàm Đô đốc và chính thức nhậm chức Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, thay thế vị trí của ông Harry Harris.
Trong một động thái mới nhất sau hai tháng giữ cương vị mới, ngày 18/7, ông Swift đã thân chinh tham gia chuyến bay thị sát kéo dài 7 tiếng đồng hồ bằng chiếc máy bay trinh sát P-8A Poseidon trên Biển Đông. Đây là một phần trong chuyến công du Philippines, nước đồng minh thân cận của Mỹ.
Vị Đô đốc gọi chuyến bay thị sát lần này mang tính “thường kỳ”, mặc dù không cho biết thêm chi tiết.
“Biến lời nói thành hành động”
Đây là lần thứ hai một chiếc Boeing P-8 Poseidon của Mỹ bay thị sát khu vực Biển Đông nằm trong tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực. Trước đó ngày 20/5, chiếc máy bay trinh sát của Không lực Mỹ đã bay qua vùng biển gần quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam - PV). Hải quân Trung Quốc đã 8 lần phát đi cảnh báo yêu cầu phi công Mỹ chuyển hướng máy bay khỏi khu vực.
Phóng viên CNN trực tiếp tham gia chuyến bay không đưa tin về diễn biến phần sau của vụ việc. Tuy nhiên một nguồn thạo tin cho biết Mỹ đang xem xét khả năng đưa máy bay trinh sát tiếp cận gần hơn khu vực quần đảo. Khả năng đưa tàu chiến đi qua tuyến chỉ cách quần đảo vài km cũng được Mỹ để ngỏ.
Theo đánh giá của Sputniknews, Mỹ đã biến lời nói thành hành động. Chỉ nguyên việc người đứng đầu Hạm đội Thái Bình Dương gọi chuyến bay thị sát là một “hoạt động thường kỳ” phát đi tín hiệu cho thấy sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông đã tiến lên một nấc mới.
“Đối với Trung Quốc, những hành động này chỉ mang một ý nghĩa duy nhất: Nếu Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với khu vực tranh chấp và tìm cách giải quyết vấn đề bằng vũ lực, Mỹ sẽ điều động quân đội chống lại Trung Quốc”, tờ báo dẫn lời ông Konstantin Sivkov, Phó chủ tịch Viện các vấn đề địa-chính trị tại Moscow.
Đô đốcSwift trên máy bay trinh sát P-8A Poseidon.
Theo ông, giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ cẩn trọng xem xét thiệt hơn với mọi quyết định. Bắc Kinh sẽ không mạo hiểm vi phạm luật quốc tế, hay thậm chí “đánh tiếng” về khả năng bắn rơi máy bay trong vùng lãnh hải tranh chấp.
“Mỹ sẽ luôn luôn sẵn sàng quy chụp đây là hành động gây hấn từ phía Trung Quốc”, ông nói.
“Giữ lời hứa”
Động thái này từ phía chính quyền Wahington đã khiến giới quan chức Trung Quốc nổi cơn giận dữ. Trong một tuyên bố gửi cho Thời báo Hoàn Cầu, một ấn bản của Nhân dân Nhật báo, Cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộngsản Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc lớn lối phản đối:
“Việc máy bay quân sự của Mỹ tiến hành các chuyến bay trinh sát Trung Quốc ở cự li gần, trên diện rộng với tần suất thường xuyên đã phá hoại nghiêm trọng sự tin tưởng song phương, phương hại lợi ích về an ninh của Trung Quốc”.
Ông này còn kêu gọi Mỹ nên “có các hành động ủng hộ ổn định và hòa bình trong khu vực, chứ không phải điều ngược lại”.
“Chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ giữ lời hứa về việc không kết bè phái đối với vấn đề Biển Đông”.
Ông Wang Xiaopeng, một nhà nghiên cứu của Học viện khoa học xã hội, nhận xét chuyến bay là một tín hiệu cho thấy Mỹ đang thực hiện chiến lược xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương, minh chứng bằng sự can thiệp sâu hơn vào vấn đề Biển Đông.
Ngoài ra, ông Wang võ đoán cho rằng Mỹ đang chuyển sang dựa dẫm vào các đồng minh trong khu vực vì không đủ nguồn đầu tư về tài chính và chiến lược.
Cũng trên tờ Thời báo Hoàn Cầu, ông Wu Shicun, Chủ tịch Viện quốc gia về nghiên cứu Biển Đông, hùng hồn khẳng định:
“Việc Trung Quốc bị ‘thổi phồng’ thành một mối đe dọa trên Biển Đông sẽ giúp các bộ luật mới được nhanh chóng thông qua tại Nhật Bản và Philippines, giúp bọn họ tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ. Từ đó, mở đường cho Mỹ hoàn thiện chiến lược ngăn chặn Trung Quốc”.
THẢO MAI theo BizLive