Báo chí nhà nước Trung Quốc hồi cuối tuần vừa rồi đưa tin, nước này đã hoàn thành xong việc xây dựng hai ngọn hải đăng ở các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Theo Tân Hoa xã, hai ngọn hải đăng ở bãi đá Cuateron (Đá Châu Viên) và bãi đá Johnson South (Việt Nam gọi Đá Gạc Ma) đã chính thức được đưa vào hoạt động.
Trung Quốc đã trắng trợn chiếm đóng Đá Gạc Ma của Việt Nam hồi năm 1988.
Những ngọn hải đăng mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở hai khu vực nói trên cao 50 mét.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc – bà Hua Chunying cho biết trong một tuyên bố được đưea lên mạng rằng, hai ngọn hải đăng mà họ vừa xây dựng trái phép ở Biển Đông sẽ giúp “tăng cường sự an toàn hàng hải” cho các tàu thuyền.
"Tiếp theo, Trung Quốc sẽ tiếp tục xây dựng các cơ sở hải quân khác trên những bãi đá chiếm đóng ở quần đảo Nansha", bà Hua đã trắng trợn cho biết như vậy, sử dụng từ Nansha để nói về quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Chưa dừng lại ở đó, một quan chức quân sự cấp cao của Trung Quốc mới đây còn táo tợn tuyên bố, “còn 209 khu vực chưa bị chiếm đóng ở Biển Đông và chúng tôi có thể chiếm toàn bộ. Và chúng tôi có thể xây dựng các cơ sở ở trên những khu vực đó trong 18 tháng”.
Tất cả những phát biểu trên thể hiện một sự thách thức ngày càng lớn của Trung Quốc đối với dư luận thế giới.
Trung Quốc đang gây ra một làn sóng phản đối dữ dội và quyết liệt chưa từng có của các nước láng giềng trong khu vực cũng như của cộng đồng thế giới vì việc nước này đang tích cực đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng trái phép ở Biển Đông.
Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông với 4 nước láng giềng Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Trung Quốc đang trắng trợn đòi chủ quyền đến 90% Biển Đông - một khu vực biển có những tuyến đường hàng hải chiến lược có tính sống còn đồng thời chứa các nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú.
Trong một bước leo thang mới, Trung Quốc trong những tháng gần đây liên tiếp đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng đảo nhân tạo một cách trái phép ở Biển Đông. Những cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông có thể được dùng cho mục đích quân sự. Tất cả những động thái như này rõ ràng là để phục vụ cho mưu đồ chiếm trọn Biển Đông của Bắc Kinh.
Mỹ cũng không thể khiến Trung Quốc chùn bước?
Những tuyên bố đầy thách thức mới nhất nói trên được giới chức Trung Quốc đưa ra trong bối cảnh Mỹ vừa thể hiện quyết tâm ngăn chặn tham vọng của Bắc Kinh ở Biển Đông. Cụ thể, giới chức Mỹ trong những ngày gần đây liên tục tung tin, nước này sẽ đưa các tàu chiến đến sát các hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông để thách thức đòi hỏi chủ quyền phi lý của cường quốc Châu Á.
Mỹ tuyên bố sẽ bảo vệ đến cùng sự tự do hàng hải và tự do bay qua bầu trời ở khu vực Biển Đông. Đáp lại, Trung Quốc cảnh báo sẽ không dung thứ cho bất kỳ hành động gọi là “xâm phạm chủ quyền” của họ ở Biển Đông.
Những lời qua tiếng lại kiểu như trên giữa Mỹ và Trung Quốc dường như đang đẩy hai nước này tiến lại ngày một gần hơn với một cuộc đối đầu quân sự đáng sợ mà người ta từ lâu đã dự đoán. Điều đáng lo ngại là hai bên dường như đều tự tin rằng họ có thể chiến thắng. Có nguồn tin tiết lộ, giới chức Trung Quốc tỏ ra tự tin thái quá rằng họ có thể chiến thắng trong một cuộc đối đầu với siêu cường số 1 thế giới, ít nhất là ở khu vực xung quanh nước này.
Theo các quan chức Trung Quốc, việc Mỹ triển khai chiến đấu cơ tàng hình tối tân F-22 và tàu sân bay bá chủ đại dương USS Ronald Reagan đến Nhật Bản là hành động gây hấn ở khu vực nhưng “chẳng có gì là Trung Quốc không thể xử lý”.
Mặc dù tự tin thái quá như vậy nhưng Trung Quốc không thể phủ nhận sức mạnh quân sự của họ còn thua xa Mỹ.
Tuy nhiên, theo quan điểm của Trung Quốc, họ thực tế có thể chiến thắng cuộc chiến tranh giành Biển Đông mà không tốn một viên đạn. Bắc Kinh đang hành động nhanh chóng để dần nuốt trọn các đảo nhỏ và bãi đá ở Biển Đông. Âm mưu này của Trung Quốc đã bị các nước nhận ra và vì thế đang có một làn sóng phản đối ngày càng mạnh mẽ hơn trong cộng đồng thế giới nhằm chống lại tham vọng chiếm Biển Đông của Trung Quốc.
Sắp tới, Mỹ có thể đưa tàu chiến vào phạm vi 12 hải lý so với các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông nhằm thách thức Bắc Kinh. Không rõ Bắc Kinh sẽ phản ứng như thế nào. Đây sẽ là phép thử để xem ai có quyết tâm cao hơn và ai sẽ phải chùn bước. Với một Trung Quốc ngày càng táo tợn như vậy, rất cần phải có sự đoàn kết của các nước để bảo vệ hoà bình, sự ổn định, trật tự và pháp luật ở Biển Đông.
Kiệt Linh theo VnMedia