Theo các chuyên gia quân sự nước ngoài, vụ phóng thử tên lửa này là sự thay đổi trong chính sách hạt nhân của Trung Quốc hay nói đúng hơn là nỗ lực nhằm gây áp lực lên chính quyền Trump nhằm ngăn chặn những chính sách mà ông chủ mới của Nhà Trắng có thể tiến hành.
Theo tin từ biên tập viên tờ Washington Free Beacon Bill Gertz, dẫn nguồn tin từ bộ quốc phòng Mỹ, trong lần phóng thử nghiệm tên lửa Đông Phong DF-5C, được thực hiện vào tháng 01.2017, tên lửa được phóng đi từ sân bay vũ trụ Thái Nguyên thuộc miền trung Trung Quốc và rơi trên khu vực phía tây sa mạc Taklamakan.
Tên lửa Đông Phong -5 (DF– 5C) là tên lửa đạn đạo liên lục địa có thể tấn công nhiều mục tiêu riêng biệt (MIRV), trong khoang vận tải của đầu đạn tên lửa có chứa 10 đầu đạn hạt nhân thứ cấp, mỗi đầu đạn hạt nhân có thể tấn công một mục tiêu hoàn toàn riêng biệt. Phiên bản DF-5 trước đây chỉ có hoặc một đầu đạn đơn hoặc từ 6 đến 8 đầu đạn thứ cấp theo dự đoán và không có khả năng tấn công độc lập các mục tiêu khác nhau.
Biên tập viên Gertz cho rằng, sự phát triển mới về phương tiện mang có thể chỉ ra một sự thay đổi trong chính sách răn đe hạt nhân của Trung Quốc, nhằm hiện đại hóa các tên lửa đẩy cũ với đầu đạn mới, nhưng cũng có thể có nghĩa là Trung Quốc dự định hoặc đã tăng số lượng đầu đạn hạt nhân trong kho vũ khí của mình. Thông tín chính thức của Bắc Kinh là lực lượng răn đe hạt nhân Trung Quốc có 250 đầu đạn.
Động thái này sẽ buộc Nhà Trắng phải xem xét lại chiến lược răn đe hạt nhân Mỹ để duy trì cán cân lực lượng khi năng lực tấn công hạt nhân ngày càng tăng của Trung Quốc nhưng vẫn phải giữ cam kết hạn chế hạt nhân của Mỹ đối với Nga.
Một giả thuyết khác có thể: thử nghiệm này là một phần trong sự phát triển tải trọng mang của tên lửa đẩy và các đầu đạn thứ cấp độc lập tấn công nhiều mục tiêu, những thành quả đạt được sẽ được sử dụng trên các tên lửa liên lục địa DF-41 tiên tiến hơn. Trung Quốc đã thử nghiệm thành công tên lửa DF-41 tháng 04.2016, Thời báo Hoàn Cầu cho rằng một số hệ thống phóng tên lửa này được triển khai trong tháng 01.2017 trên địa phận tỉnh Hắc Long Giang, phía bắc Trung Quốc, giáp biên giới Nga.
Giả thiết này có vẻ không thuận vì trên thực tế, với tiềm lực công nghiệp quốc phòng, Bắc Kinh có thể tiến hành phóng thử nghiệm chính tên lửa DF-41 với đầu đạn nâng cấp đa mục tiêu. Kết quả đạt được có thể được sử dụng để tiếp tục phát triển DF-41 đủ sức xuyên qua bất kỳ lá chắn tên lửa nào.
Các chuyên gia quân sự nước ngoài dự kiến Trung Quốc có khoảng 20 tên lửa liên lục địa DF-5 hai tầng phóng, phạm vi tấn công đến 12.000 km. Nhược điểm của thiết kế tên lửa nhiên liệu lỏng là phải mất đến hai giờ để nạp nhiên liệu và chuẩn bị phóng. Nhưng vậy, giả thiết Trung Quốc có thể đã xây dựng đến 3.000 km đường hầm Vạn lý Trường thành ngầm, thì việc chuẩn bị phóng các tên lửa này không phải là vấn đề thời gian. Như vậy số đầu đạn hạt nhân mà Trung Quốc sở hữu có thể rất khó ước định.
Vụ thử nghiệm tên lửa này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng bắt đầu gia tăng trong mối quan hệ Trung - Mỹ. Tổng thống thứ 45 của Mỹ Donald Trump đã đe dọa sẽ phản ứng cứng rắn với Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực, từ việc quân sự hóa các đảo nhân tạo bồi đắp phi pháp trên Biển Đông đến đến chính sách tiền tệ của Bắc Kinh. Ông thậm chí đã đưa ra tuyên bố không chắc chắn sẽ duy trì cam kết lâu dài của Washington về "chính sách Trung Quốc", coi Đài Loan là một phần không thể tách rời với Trung Hoa đại lục, được Bắc Kinh đề xuất như một nền tảng quan trọng trong quan hệ của 2 cường quốc.
Các quan chức cao cấp ở Bắc Kinh cảnh báo, những tuyên bố mà tổng thống Donald Trump đưa ra có thể dẫn đến một cuộc đối đầu mới, một số phương tiện truyền thông Trung Quốc đăng tải các thông tin kêu gọi tăng cường sức mạnh quân sự nhằm đối phó với nguy cơ gia tăng đe dọa từ phía Mỹ.
Không giống như Trung Quốc, Mỹ không cam kết không sử dụng vũ khí hạt nhân trong đòn tấn công phủ đầu. Theo học thuyết quân sự Mỹ tùy chọn hạt nhân được dành riêng cho trường hợp đặc biệt nghiêm trọng.
QA