Theo tờ báo của Nhật Bản, Trung Quốc gần đây đã khiến cho dây thần kinh của một số nước, trong đó có Mỹ phải rung chấn vì các hành động xây dựng và đòi hỏi chủ quyền trái phép ở Biển Đông.
Tờ Thời báo Hoàn Cầu, phiên bản điện tử của tờ Nhân dân Nhật Báo - cơ quan phát ngôn của Đảng Cộng Sản Trung Quốc hôm thứ Sáu tuần trước có bài viết nói rằng Trung Quốc đang tiến gần hơn đến kế hoạch xây dựng các kết cấu hạt nhân và sử dụng nó để hỗ trợ các dự án xây dựng (phi pháp - PV) mà Bắc Kinh đã, đang và sẽ tiến hành với Biển Đông.
Trái với những quan ngại, cáo buộc của nước ngoài và cộng đồng quốc tế, Trung Quốc luôn luôn lấp liếm, nguỵ biện cho rằng những dự án, hành động của nước này trên khu vực Biển Đông đều phục vụ mục đích dân sự và bất chấp thực tế là Trung Quốc không có chủ quyền hợp pháp đối với bất cứ hòn đảo, bãi đá nào ở khu vực bởi tận cùng của Trung Quốc kết thúc ở đảo Hải Nam.
Liu Zhengguo - Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn công nghiệp đóng tàu Trung Quốc được tờ Hoàn Cầu dẫn lời cho rằng cơ quan ông ta đang phụ trách chịu trách nhiệm khâu thiết kế và chế tạo các kết cấu nhà máy vận hành bằng năng lượng hạt nhân.
Theo Liu Zhengguo, Tập đoàn công nghiệp đóng tàu Trung Quốc hiện đang thúc đẩy để tiến hành các dự án tham vọng nói trên. "Việc phát triển các cơ cấu nổi htaj nhân đang được tiến hành. Số lượng chính xác cần được xây dựng sẽ phụ thuộc vào yêu cầu và nhu cầu của chính phủ. Nhu cầu hiện nay là khá lớn" - Liu Zhengguo nói.
Hoàn Cầu Thời báo cũng đã trích dẫn một báo cáo được Tuần báo an ninh Trung Hoa đăng tải hồi tháng 1/2016 vừa qua trong đó nói rằng mẫu kết cấu nhà máy thử nghiệm đầu tiên cho dự án tham vọng của Bắc Kinh sẽ được hoàn thành trước năm 2018 và đưa vào sử dụng 1 năm sau đó.
Về sự kiện này, Lý Kiệt, một chuyên gia hải quân của Trung Quốc nói rằng các kết cấu như vậy có thể giúp Trung Quốc triển khai các ngọn hải đăng cơ động (trái phép) để thực hiện hỗ trợ các công trình phòng thủ (phi pháp - PV) như sân bay, hải cảng ở các đảo đá trên Biển Đông.
Lí Kiệt nói: " Thông thường, Trung Quốc phải sử dụng dầu và than đá để vận hành các ngọn hải đăng hay các kết cấu máy móc lớn. Nhưng với các kết cấu năng lượng hạt nhân thì khó khăn này không còn là vấn đề khi chúng hoạt động ở khu vực cái gọi là "Nam Sa" - tức quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) trên Biển Đông. Khoảng cách giữa cái gọi là Nam Sa và đại lục Trung Quốc là rất lớn nên các kết cấu hạt nhân sẽ có ý nghĩa đáng kể với Trung Quốc".
Trung Quốc lâu nay vẫn một mực đòi hỏi chủ quyền một cách ngang ngược, phi lý đối với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông nơi có tuyến đường vận tải biển thương mại quan trọng nhất nhì thế giới, trị giá mỗi năm 5 ngàn tỉ USD.
Biển Đông cũng được cho là nơi có nguồn lợi thuỷ sản, dầu mỏ, khí đốt cực kỳ phong phú. Trung Quốc những năm gần đây liên tiếp tiến hành các hoạt động san, lấp, xây đảo nhân tạo trái phép trên các bãi đá ngầm, rải san hô trên khu vực quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Trung Quốc nên chấm dứt ý định xây dựng và sử dụng các công trình kết cấu hạt nhân trên khu vực Biển Đông bởi các hành động như vậy vi phạm chủ quyền của Việt Nam, tạo ra mối nguy hại phóng xạ cho toàn bộ khu vực nếu có những biến cố khó lường xảy ra.
Trung Quốc phải tôn trọng chủ quyền chính đáng của nước khác, trả lại quần đảo Hoàng Sa và các đảo đá đã chiếm của Việt Nam trên Biển Đông để xứng đáng, không hổ danh với tầm vóc một cường quốc vốn luôn tự xưng là "trỗi dậy hoà bình", "có trách nhiệm với thế giới".
Lê Dũng