Trung Quốc mở trường học bất hợp pháp trên đảo của Việt Nam

Chính quyền Bắc Kinh vừa đưa vào sử dụng các trường học mà nước này xây dựng bất hợp pháp trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Các công trình bất hợp pháp do Trung Quốc xây dựng trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam - Ảnh: AFP
Các công trình bất hợp pháp do Trung Quốc xây dựng trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam - Ảnh: AFP

Theo Reuters ngày 15-12, các công trình bao gồm một trường mẫu giáo, trường tiểu học và một trung tâm dạy nghề đã được Bắc Kinh đưa vào sử dụng sau 18 tháng xây dựng.

Còn theo Tân Hoa xã, tổng chi phí xây dựng cho các công trình này là 36 triệu Nhân dân tệ (khoảng 7,9 triệu USD). Ngoài các hạng mục trường học, còn có một tòa nhà lưu trữ và thậm chí cả một trung tâm khảo cổ học đại dương.

Tất cả công trình này đều xây dựng bất hợp pháp trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà phía Trung Quốc gọi là đảo Vĩnh Hưng.

Trước đó, ngày 14-12, Tập đoàn Dầu mỏ và Hóa chất Trung Quốc (Sinopec) cũng thông báo đang xây dựng một trạm tiếp nhiên liệu bất hợp pháp trên đảo Phú Lâm. Công trình sẽ bao gồm các trạm xăng và bể chứa, với thời gian dự kiến hoàn thành là một năm.

Sinopec thậm chí còn ngang ngược tuyên bố khi các công trình này hoàn tất, sẽ đáp ứng được nhu cầu tại các đảo và bãi đá do Trung Quốc kiểm soát bất hợp pháp trên biển Đông.

Theo Thời báo Tài chính (FT) ngày 14-12, Singapore cho biết cảm thấy quan ngại trước kế hoạch đẩy mạnh xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc trên Biển Đông. Đảo quốc này lo ngại hành động của Bắc Kinh có thể đẩy tình hình khu vực rơi vào căng thẳng.

Cũng theo FT đây là lý do khiến Singapore “bật đèn xanh” cho phép Mỹ triển khai máy bay trinh sát P-8 đến nước này.

Trong một diễn biến khác có liên quan ngày 15-12, Washington khẳng định Hải quân Mỹ không có kế hoạch tuần tra nào trong phạm vi 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trái phép tại Biển Đông từ đây đến hết năm 2015.

Bắc Kinh không chỉ tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng trên các đảo chiếm đóng trái phép, mà còn ra sức bồi đắp, cải tạo và biến các bãi đá thành những đảo nhân tạo kiên cố phục vụ cho yêu sách chủ quyền vô lý của họ. Hành động của Trung Quốc đã nhiều lần vấp phải sự phản đối và quan ngại của các nước trong khu vực cũng như cộng đồng quốc tế.

Theo Tuổi trẻ