Theo một bài viết trên trang tin The Intercept của Mỹ hôm thứ Tư (4/8), việc đăng tải các bài viết về các lĩnh vực nghiên cứu gene di truyền trên người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác liên quan đến hồ sơ DNA, nhận dạng khuôn mặt và cấy ghép nội tạng đã gây ra rất nhiều tranh cãi trên nhiều tạp chí học thuật trên thế giới; nhưng đây là lần đầu tiên có phản ứng mạnh mẽ như vậy xuất hiện trong tòa soạn của tạp chí học thuật có uy tín của Mỹ Molecular Genetics and Genomic Medicine (Di truyền phân tử và y học bộ gene) khi 8 thành viên ban biên tập đồng loạt xin từ chức để phản đối việc Tổng biên tập cho đăng nhiều bài báo liên quan vấn đề này của các nhà nghiên cứu Trung Quốc.
Tạp chí khoa học Molecular Genetics and Genomic Medicine (Ảnh: Wiley.com) |
Tạp chí khoa học ra hàng tuần này là của Công ty xuất bản thế giới Wiley, có trụ sở chính tại New Jersey xuất bản. Ban biên tập tạp chí Molecular Genetics and Genomic Medicine có 25 thành viên, việc tập thể 8 người chiếm gần một phần ba ban biên tập đồng loạt xin từ chức đã gây xôn xao dư luận giới xuất bản.
The Intercept là một trang web chuyên đăng các báo cáo điều tra. Bài báo của họ cho biết Yves Moreau, một nhà thông tin sinh học tại Đại học Leuven ở Bỉ, đã theo dõi loại nghiên cứu này trong một thời gian dài, đặc biệt là nghiên cứu di truyền của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Hành động của chính quyền Khu tự trị Tân Cương đối với người Duy Ngô Nhĩ đã gây nên sự chú ý của toàn thế giới trong hai năm qua. Yves Moreau lo ngại về phương pháp thu thập mẫu ADN của người Duy Ngô Nhĩ của chính quyền Tân Cương. Bài báo cho biết vào đầu năm nay, Moreau đã tìm thấy 18 bài báo về lĩnh vực này đăng trên tạp chí về di truyền học phân tử và gene Molecular Genetics and Genomic Medicine của Mỹ.
Ông Yves Moreau (Ảnh: Leuvenuniv). |
Ông cho rằng nếu nghiên cứu như vậy không được dừng lại, khoa học và công nghệ trí tuệ nhân tạo sẽ được sử dụng để củng cố địa vị của chính phủ Trung Quốc.
The Intercept dẫn lời Yves Moreau nói rằng công nghệ này có vẻ rất thú vị, nhưng "khi bạn đọc kỹ lịch sử của công nghệ, bạn sẽ thấy rằng nó luôn là một nút thắt của quyền lực ít nhất đã có 2000 năm".
Moreau cho rằng những người nắm quyền trên toàn thế giới đều sẽ sử dụng các công nghệ mới (chẳng hạn như các xét nghiệm DNA có sẵn) để đạt được lợi ích chính trị.
Theo bản tin của The Intercept, một số bài viết mà ông Yves Moreau tìm thấy nghiên cứu sự khác biệt về gene giữa các nhóm dân tộc. Cảnh sát có thể sử dụng loại nghiên cứu này để so sánh ngân hàng gene dân số khổng lồ để tìm ra nghi phạm. Một số giấy tờ sử dụng mẫu gene thu được mà không có sự đồng ý của các bên. Chính phủ Trung Quốc đã thu thập DNA của nam giới thuộc tất cả các nhóm sắc tộc ở Trung Quốc để xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin di truyền quốc gia của 700 triệu nam giới. The Intercept còn chỉ trích cảnh sát Trung Quốc cũng cưỡng chế thu thập DNA của một số nhóm nhất định, chẳng hạn như công nhân thời vụ và những người bị cho là “bất đồng chính kiến” với chính quyền.
Bà Susan Hart, Tổng biên tập của tạp chí khoa học Molecular Genetics and Genomic Medicine (Ảnh: Wiley.com) |
Kể từ tháng 3 năm nay, ông Yves Moreau đã nhiều lần phản ánh các vấn đề liên quan lên bà Susan Hart, Tổng biên tập của tạp chí khoa học Molecular Genetics and Genomic Medicine. Nhưng bà Hart đã không phản hồi tích cực về điều này. Vào tháng 6 năm nay, Moreau đã viết một email dài giải thích cách cảnh sát Trung Quốc sử dụng gene di truyền để đối phó với người dân tộc thiểu số và những người “bất đồng chính kiến”. Ông đã gửi email này đến tất cả các thành viên trong ban biên tập và nhận được phản hồi của họ. Thái độ tiêu cực của bà Susan Hart trong việc giải quyết vấn đề này đã làm dấy lên sự phẫn nộ của các biên tập viên và 8 người đã đồng loạt xin từ chức.
Từ năm ngoái, truyền thông Trung Quốc đã đưa tin nhiều tỉnh ở nước này đang thu thập mẫu máu của nam giới để xây dựng bản đồ gen dân số của khoảng 700 triệu đàn ông. Các học giả Australia cho rằng mục đích của việc thu thập mẫu máu từ người dân là để giám sát toàn diện người dân.
Ngân hàng gene Quốc gia Trung Quốc (Ảnh: Thepaper). |
Viện Chính sách Chiến lược Australia (Australian Strategic Policy Institute,ASPI) vào ngày 17/6/2020 đã phát hành một bài báo nghiên cứu, nói rằng cơ quan công an Trung Quốc đã tiến hành thu thập các mẫu máu của nam giới nước này trên quy mô lớn kể từ nửa cuối năm 2017, kể cả các cậu bé tuổi mẫu giáo. Hiện không có thông tin nào cho thấy bất kỳ công dân Trung Quốc nào có thể từ chối hành động lấy máu do cảnh sát thực hiện này.
Nghiên cứu của ASPI chỉ ra rằng cảnh sát Trung Quốc đã thu thập một loại gene gọi là "Y-STR", giữa những người đàn ông cùng dòng dõi có rất ít sự khác biệt về phả đồ Y-STR. Tức là, thông qua việc phân tích phả đồ Y-STR, chỉ cần nhận ra phả đồ gene này của những người thân của người đàn ông chưa biết, có thể liên kết được với phả hệ gia tộc theo dòng cha đã biết.
Ngân hàng gene Quốc gia Trung Quốc lớn nhất thế giới ở Thâm Quyến (Ảnh; Thepaper). |
Theo ASPI, về lý do tại sao thu thập DNA của nam giới? Chính phủ Trung Quốc tuyên bố rằng theo thống kê quốc gia, nam giới có xu hướng phạm tội hơn. Tuy nhiên các tổ chức nhân quyền ở nước ngoài cảnh báo rằng "cơ sở dữ liệu DNA quốc gia" không chỉ vi phạm quyền riêng tư mà còn giúp chính phủ đàn áp những người “bất đồng chính kiến”.
Được biết Trung Quốc đã sử dụng thuốc thử gene Y-STR của các công ty công nghệ sinh học AGCU và Thermo Fisher để thực hiện kế hoạch. Tiến sĩ Chang Chang, nhà nghiên cứu khoa học của Thermo Fisher, từng tiết lộ rằng ngoài việc thu thập mẫu máu của công dân, Bộ Công an Trung Quốc còn sử dụng một bộ công nghệ khác để thu thập thông tin di truyền của các dân tộc thiểu số Trung Quốc, bao gồm người Duy Ngô Nhĩ và người Tây Tạng.
Về vấn đề này, báo cáo nghiên cứu của ASPI kêu gọi các công ty đa quốc gia và chính phủ tăng cường quy định về công nghệ sinh học được bán cho chính quyền và công ty Trung Quốc để đảm bảo rằng công nghệ DNA của họ sẽ “không được sử dụng cho các mục đích vi phạm quyền con người và quyền công dân của Trung Quốc”.
Theo trang tin Trung Quốc The Paper, Ngân hàng gene quốc gia đầu tiên của Trung Quốc đã công bố chính thức hoạt động từ ngày 22/9/2016. Đây là ngân hàng gene quốc gia thứ 4 được xây dựng trên thế giới sau Mỹ, Nhật Bản và Liên minh Châu Âu, đồng thời nó cũng là ngân hàng gene lớn nhất thế giới cho đến nay.
Các nhân viên kỹ thuật làm việc trong Ngân hàng gene quốc gia Trung Quốc (Ảnh: Thepaper). |
Ngân hàng gene quốc gia sẽ dựa vào tài nguyên sinh vật để xây dựng kho gene bao phủ toàn diện từ tài nguyên đến nghiên cứu khoa học... Các hướng ứng dụng bao gồm sức khỏe con người, nông nghiệp mới, đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường sinh thái... Trong tương lai, Ngân hàng gene quốc gia sẽ mở các mẫu và nguồn dữ liệu theo các quy tắc liên quan và trở thành một nền tảng dịch vụ công cộng đóng vai trò quan trọng trong việc xác định trình tự gene và tạo giống gene.
Ngân hàng gene quốc gia Trung Quốc hiện là ngân hàng gene lớn nhất thế giới, được xây dựng ở chân núi Quan Âm, quận Đại Bằng, Thâm Quyến, trên diện tích hơn 50.000m2, tổng diện tích xây dựng là 116.000m2.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu