Tại triển lãm hàng không quốc tế lần thứ 11 AIRSHOW CHINA-2016 ở Chu Hải, Trung Quốc đã lần đầu tiên cho tiêm kích tàng hình thế hệ 5 J-20 bay trình diễn công khai bởi các phi công của đội bay biểu diễn Bát Nhất. Các chuyên gia lập tức nói rằng, J-20 là sự đáp trả của công nghiệp quốc phòng Trung Quốc đối với các công ty Lockheed Martin, Boeing và General Dynamics của Mỹ vốn đã phát triển tiêm kích thế hệ 5 F-22 Raptor.
Theo những người chứng kiến chuyến bay trình diễn, J-20 bề ngoài rất giống tiêm kích thế hệ 5 duy nhất hiện có trong trang bị là F-22. F-22 cất cánh lần đầu vào năm 1997, sản xuất loạt bắt đầu vào năm 2001. Tuy nhiên, Mỹ đã chấm dứt sản xuất F-22 vì giá đắt (411,7 triệu USD/chiếc) sau khi xuất xưởng 187 chiếc.
F-22 đã bộc lộ nhiều vấn đề kỹ thuật. Năm 2010, ở Alaska, Không quân Mỹ mất một máy bay cùng với phi công do xảy ra hiện tượng thiếu oxy trên máy bay khiến phi công bị đói oxy. Sau đó, hiện tượng hypoxia lặp lại nhiều lần và các phi công Mỹ đã từ chối bay trên tiêm kích đắt nhất thế giới này khiến chi phí còn tăng hơn nữa do máy bay phải nằm sân.
Trong khi Mỹ tìm cách khắc phục những nhược điểm này, Trung Quốc đã đẩy nhanh việc phát triển J-20. Năm 2011, J-20 thực hiện chuyến bay đầu và theo dự báo của giới quân sự thì có thể được đưa vào trang bị vào năm 2017-2019.
Giới quân sự Mỹ, cụ thể là Tư lệnh USAF David Goldfein, trước đó đã nói rằng, họ ấn tượng với máy bay mới Trung Quốc, mặc dù ông Goldfein cho rằng, việc so sánh nó với F-22 hay với F-35 là không hoàn toàn xác đáng. Theo ông Goldfein, F-22 và F-35 tiên tiến hơn J-20 cả về công nghệ, cả về vũ khí và cả về hệ thống điều khiển. Tướng Goldfein cho rằng, tiêm kích thế hệ 5 của Trung Quốc đúng hơn là giống với F-117A của Mỹ vốn bay lần đầu vào năm 1980 và hiện đã không được sử dụng nhiều mà dần bị loại khỏi trang bị.
Tuy nhiên, tất cả những so sánh này được thực hiện chủ yếu căn cứ vào các dấu hiệu bên ngoài, bởi vì các tính năng chiến-kỹ thuật chủ yếu của J-20 được bảo mật. Chỉ biết rằng, J-20 có tầm bay dự đoán 5.500 km, bán kính chiến đấu không quá 2.000 km. Tổ lái gồm 1 phi công. Các chuyên gia quân sự Trung Quốc không hé môi về vũ khí của J-20, nhưng theo một số nguồn tin, J-20 dự kiến được trang bị tên lửa không đối không tầm xa và hệ thống radar chủ động siêu hiện đại.
Theo BBC, J-20 cũng sẽ được tăng cường bằng các tên lửa chống hạm để có thể dùng để bảo vệ vùng biển Thái Bình Dương. Yếu tố này cũng khiến Lầu Năm góc rất lo ngại vì các tiêm kích thế hệ 5 vì sắp tới Mỹ và Nhật Bản cũng triển khai đến Thái Bình Dương các tiêm kích thế hệ 5 F-22 Raptor và F-35 Lightning II.
Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, ngoài các máy bay Mỹ, J-20 có khá giống các sản phẩm của Nga. Hơn nữa, nhiều chuyên gia dự đoán, J-20 có thể đang sử dụng động cơ làm nhái AL-31FN của Nga vì một thời gian, Trung Quốc đã mua ồ ạt các mẫu động cơ đã bị loại bỏ này.
Lập tức đập vào mắt là sự giống nhau rõ ràng của J-20 với tiêm kích thế hệ 5 MiG 1.44 của Nga được Viện thiết kế Mikoyan phát triển vào đầu thập kỷ 1990 và được giới thiệu với giới báo chí trên sân bay vào cuối thập kỷ 1990.
Tuy nhiên, máy bay này đã nhanh chóng bị quên lãng. Dự án này bị đình chỉ thực tế là do trò vận động hành lang gian trá của một số quan chức công nghiệp quốc phòng tìm mọi cách để giết chết MiG 1.44 khi làm mất nguồn tài trợ cho dự án để thúc đẩy dự án khác của Viện thiết kế Sukhoi mà chỉ xuất hiện đường nét rõ ràng 10 năm sau đó và cất cánh lần đầu vào năm 2010 với tên gọi PAK FA T-50.
Nhưng theo Tổng giám đốc RSK MiG, ông Sergei Korotkov, Dự án 1.44 đã cho phép thực hiện một bước nhảy vọt lớn theo hướng tiêm kích thế hệ 5. Các công nghệ được áp dụng trong dự án này đang được phát triển thành công cho đến nay không chỉ ở Nga mà cả ở Trung Quốc.
Hồi đó, người ta đã tính lắp cho MiG 1.44 các động cơ điều khiển vector lực kéo AL-41F. Vỏ máy bay áp dụng công nghệ tàng hình, tức là được phủ lớp phủ hấp thụ radar đặc biệt, còn các cánh đứng đuôi được thiết kế sao cho bảo đảm tính tàng hình radar của máy bay. Vị trí của các bộ hút khí được thay đổi, toàn bộ vũ khí dự tính bố trí trong các khoang bên trong. Hiện nay, những gì tốt nhất của những dự định đó đã được các kỹ sư Trung Quốc áp dụng cho J-20.
Các nhà thiết kế Trung Quốc nói chung thường bị người ta cáo buộc trộm cắp công nghệ. Mới đây, gây ồn ào là bài báo đăng trên tạp chí The National Interest, trong đó, tác giả khẳng định Trung Quốc tạo dựng được sức mạnh quân sự như thế hoàn toàn là nhờ gián điệp công nghiệp - “thói quen thâm căn cố đế đánh cắp công nghệ quân sự của Nga và Mỹ”. Tác giả đã nêu ra hàng loạt mẫu vũ khí cụ thể sao chép của Mỹ và Nga, trong đó có cả máy bay thế hệ 5.
Giám đốc Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ, Giám đốc điều hành Liên đoàn các nhà sản xuất vũ khí Nga Ruslan Pukhov kêu gọi đừng đưa ra những kết luận hoảng loạn ở đây. “Người ta chỉ lấy trộm của những người dẫn đầu, chứ không trộm cắp của những người thua kém. Vì thế, sự trộm cắp đó chỉ là sự thừa nhận rằng, cả Mỹ và Nga đang dẫn đầu trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng”, ông Pukhov nhận định.
Theo VND