Trung Quốc hy vọng gì khi kỷ niệm trọng thể 50 năm chuyến đi “phá băng” của Kissinger tới Bắc Kinh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Vào lúc quan hệ Trung-Mỹ đang ở trong tình trạng xấu chưa từng có, Trung Quốc tổ chức kỷ niệm trọng thể 50 năm chuyến đi bí mật tới Bắc Kinh “phá băng” của Henry Kissinger, Trợ lý An ninh Quốc gia Mỹ...
Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Ủy ban quan hệ Mỹ - Trung tổ chức kỷ niệm trọng thể 50 năm chuyến đi bí mật của Kissinger tới Bắc Kinh (Ảnh: Dwnews).
Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Ủy ban quan hệ Mỹ - Trung tổ chức kỷ niệm trọng thể 50 năm chuyến đi bí mật của Kissinger tới Bắc Kinh (Ảnh: Dwnews).

Trang tin Đa Chiều (Dwnews) ngày 15/7 đăng bài phân tích về sự kiện này. Bài báo viết: ngày 9/7, đúng 50 năm sau khi diễn ra chuyến đi bí mật của ông Kissiner chính phủ Trung Quốc đã tổ chức kỷ niệm trọng thể tại Nhà khách quốc gia Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh với hình thức trực tuyến.

Đại diện cao nhất của Trung Quốc ở đầu cầu Bắc Kinh là ông Vương Kỳ Sơn, Phó Chủ tịch nước. Bên đầu cầu Washington, ông Kissinger, năm nay đã 98 tuổi, cho rằng “quan hệ Mỹ - Trung hiện rất căng thẳng, giờ là lúc cần một “mô thức Nixon" khi xưa (tức Mỹ công nhận một nước Trung Quốc, Đài Loan là một bộ phận của Trung Quốc; Trung Quốc nhìn nhận vấn đề Đài Loan cần được giải quyết trong thời gian rất lâu dài).

Ông Vương Kỳ Sơn phát biểu tại lễ kỉ niệm (Ảnh: Dwnews).

Ông Vương Kỳ Sơn phát biểu tại lễ kỉ niệm (Ảnh: Dwnews).

Mặc dù dư luận chú ý rằng, trong phát biểu của mình, ông Vương Kỳ Sơn đã nghiêm khắc cáo buộc phía Mỹ “lạm dụng an ninh quốc gia, cường điệu bất đồng ý thức hệ, coi Trung Quốc là kẻ thù giả tưởng, dẫn đến phán đoán sai lệch, chiến lược sai lầm, phá hoại quan hệ song phương...”, nhưng có thể thấy từ việc tổ chức cuộc gặp trực tuyến này với sự tham dự của Vương Kỳ Sơn cho thấy Trung Quốc vẫn coi trọng chuyến thăm của Kissinger tới Trung Quốc, hy vọng có thể dùng ký ức đẹp đẽ Trung - Mỹ này để cứu vãn mối quan hệ đã rạn vỡ.

Năm 2018, khi cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ diễn ra không hồi kết, Kissinger, người từng là Trợ lý Các vấn đề An ninh Quốc gia của Tổng thống Mỹ Richard Nixon, người đã bí mật tới dò đường cho chuyến thăm Trung Quốc của Nixon năm 1972, đã được mời đến Bắc Kinh.

Ông Kissinger phát biểu tại lễ kỷ niệm qua truyền hình (Ảnh: Dwnews).

Ông Kissinger phát biểu tại lễ kỷ niệm qua truyền hình (Ảnh: Dwnews).

Trong bữa tối, “người bạn cũ của Trung Quốc” này đã nói trước một đám quan chức quen thuộc của Trung Quốc rằng “quan hệ Trung - Mỹ sẽ không bao giờ trở lại như xưa”. Về mô hình tương lai của quan hệ Trung-Mỹ, Kissinger không đưa ra câu trả lời rõ ràng, ông chỉ nói rằng đây sẽ không phải là tình trạng trước khi Donald Trump lên nắm quyền, cũng sẽ không trở thành một mối quan hệ đối đầu toàn diện kiểu Chiến tranh Lạnh mới.

Trung Quốc và Mỹ rốt cục nên sử dụng mối quan hệ nào để hòa hợp, hoặc một mô hình thế nào có thể cho phép hai nước đạt được đồng thuận, là vấn đề cốt lõi mà hai nước đang phải đối mặt. Ba năm sau, Mỹ bầu ra một tổng thống mới, Joe Biden mà vẫn chưa có đáp án cho câu hỏi này.

Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai tiếp ông Kissinger ngày 10/7/2011 (Ảnh: VCG).

Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai tiếp ông Kissinger ngày 10/7/2011 (Ảnh: VCG).

Năm 2013, Phó Thủ tướng Trung Quốc khi đó là Uông Dương, là đại diện đặc biệt của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Mỹ tham gia Đối thoại Kinh tế Chiến lược Mỹ - Trung Quốc. Ông Uông Dương đã sử dụng phép ẩn dụ “vợ chồng” cho mối quan hệ Trung-Mỹ và nói rằng nếu "ly hôn" sẽ phải trả giá quá đắt. Tuy nhiên, lời cảnh báo này không ngăn được sự suy giảm nhanh chóng của quan hệ Trung - Mỹ 5 năm sau đó, xuống đến mức thấp lịch sử. Mặc dù trong những năm qua, trước sức ép toàn diện của Mỹ, Bắc Kinh dường như không muốn bộc lộ thế yếu của mình, nhưng họ luôn nhấn mạnh rõ ràng rằng họ hy vọng Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể hợp tác và biến xung đột thành hợp tác hữu hảo..

Là một chính trị gia từng góp phần làm tan băng và đóng vai trò trung tâm trong quá trình xoay chuyển quan hệ Trung-Mỹ, ông Kissinger đã duy trì sự liên lạc ổn định với nhiều thế hệ lãnh đạo Trung Quốc. Trong thời gian đóng băng quan hệ Trung-Mỹ vài năm qua, các quan chức Trung Quốc đã nhiều lần thảo luận với Kissinger về lối thoát cho Trung Quốc và Mỹ. Nhưng khi chính Kissinger than thở rằng “quan hệ Trung - Mỹ không thể quay trở lại được nữa”, thì việc Trung Quốc vẫn tiến cử Kissinger liệu có còn ý nghĩa không?

Ông Tập Cận Bình tiếp Kissinger tới Trung Quốc ngày 11/8/2018 (Ảnh: THX).

Ông Tập Cận Bình tiếp Kissinger tới Trung Quốc ngày 11/8/2018 (Ảnh: THX).

Nếu chuyến đi bí mật tới Trung Quốc của Kissinger cách đây 50 năm dựa trên những cân nhắc chiến lược của liên minh Trung-Mỹ chống Liên Xô lúc bấy giờ và nhận được tín hiệu liên lạc từ Trung Quốc, thì tình hình ngày nay đã hoàn toàn khác. Giờ đây, Kissinger, người từ lâu đã rút lui khỏi trung tâm chính trường Mỹ và trở thành một nhân vật ngoài lề, gần như không có ảnh hưởng gì đến chính sách Trung Quốc của Nhà Trắng. Điều quan trọng hơn, mô hình tiếp xúc với Trung Quốc mà ông đại diện đã trở thành một quan điểm không chính thống trong nền chính trị Mỹ, và thậm chí còn bị coi là đã lỗi thời.

Nhìn về phía Bắc Kinh, mặc dù Trung Quốc đã nhiều lần tiến cử Kissinger, nhưng thực sự họ cũng biết rõ giữa Trung Quốc và Mỹ không chỉ tồn tại vấn đề về ý muốn, mà còn cần tìm ra một điểm đột phá thực sự có thể phá vỡ thế bế tắc và giải pháp cho những đòi hỏi cốt lõi của nhau. Trước đó, hai bên chỉ có thể rơi vào trạng thái thăm dò và giằng co.

Ông Vương Kỳ Sơn tiếp Kissinger tại Điếu Ngư Đài tháng 11/2018 (Ảnh: THX)

Ông Vương Kỳ Sơn tiếp Kissinger tại Điếu Ngư Đài tháng 11/2018 (Ảnh: THX)

Xét từ góc độ này, ý nghĩa chuyến thăm Trung Quốc của Kissinger 50 năm trước không phải là lỗi thời, mà như chính ông ta đã nói, "còn quan trọng hơn năm 1971". 50 năm trước, Kissinger đóng vai trò là người mở ra cục diện, và 50 năm sau, ý nghĩa của sự “tiếp xúc” này là nền tảng.

Kể từ khi ông Joe Biden nhậm chức, Trung Quốc và Mỹ chỉ có các cuộc tiếp xúc khá hạn chế về cấp độ bảo vệ môi trường. Cuộc tiếp xúc giữa ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Bộ Chính trị phụ trách đối ngoại của ĐCSTQ và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, với nhóm của Mỹ do Ngoại trưởng Antony Blinken đại diện là ý muốn chủ đạo của giới lãnh đạo chính trị Mỹ và Trung Quốc hiện nay; cũng tức là, mức độ tiếp xúc này “giáp lá cà” và là mặt trận đàm phán căng thẳng liên quan lợi ích của hai nước. Nếu có thể tìm được sự đồng thuận và chấm dứt tranh chấp qua cuộc đàm phán này, quan hệ Trung-Mỹ sẽ mở ra một bước ngoặt, nếu không, rất có thể sẽ rơi vào bế tắc, thậm chí khiến mối quan hệ Trung – Mỹ tồi tệ thêm.

Bài báo của Đa Chiều kết luận: đối với hai cường quốc có ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới hiện nay, mối quan hệ tiếp xúc nguy hiểm này rõ ràng là không ổn định. Vì vậy, cuộc đối thoại giữa Vương Kỳ Sơn và Kissinger có thể coi là một lối đi thay thế cho cuộc đàm phán không kết quả giữa Dương Khiết Trì và Antony Blinken. Tất nhiên, lối đi này sẽ không thực dụng như những gì Dương Khiết Trì và Antony Blinken đã nói, nhưng hiện nó là một đường dây liên lạc cấp cao duy nhất còn lại có thể phát huy tác dụng làm nền cho sự đồng thuận giữa Trung - Mỹ.