Tình hình Biển Đông hiện nay tiếp tục diễn biến rất phức tạp. Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc (PCA) sắp đưa ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, được dư luận rất trông đợi, nhất là trông đợi vào sự công bằng của luật pháp quốc tế cho tất cả các nước liên quan.
Để bảo vệ yêu sách bành trướng “đường chín đoạn” hay “đường lưỡi bò” ở Biển Đông, Bắc Kinh đã chạy đôn chạy đáo khắp thế giới để vận động các nước ủng hộ chủ trương phi pháp của mình. Điều này giống như một sự “cầu xin”, là một chiêu trò không đáng có trong thời đại ngày nay.
Thời đại ngày nay, loài người đã phát triển đến một trình độ cao, được phép tiếp cận thông tin từ nhiều chiều và đã thông thái hơn rất nhiều. Pháp trị được đề cao kể cả ở bình diện quốc tế, khu vực hay ở cấp độ quốc gia.
Vấn đề Biển Đông vô cùng phức tạp, có cả tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, có cả tranh chấp các quyền lợi biển, thậm chí nhu cầu bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định ngày càng quan trọng, cấp thiết, đặc biệt trong tình hình Trung Quốc đang trỗi dậy toàn diện, nhất là về quân sự và tìm cách áp đặt yêu sách “đường chín đoạn” vẽ bậy ra trong thế kỷ 20.
Một tranh chấp phức tạp như vậy rõ ràng cần phải sử dụng nhiều con đường và giải pháp khác nhau. Các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế đều nỗ lực để các tranh chấp này được giải quyết bằng các con đường hòa bình.
Thực tiễn giải quyết các tranh chấp quốc tế cho thấy, con đường đối thoại, đàm phán là một con đường hòa bình rất có hiệu quả. Nhưng, con đường này cần phải dựa trên các nguyên tắc trong quan hệ quốc tế cũng như nguyên tắc của luật pháp quốc tế, tức là vẫn phải “thượng tôn pháp luật”, hoặc ít ra hai bên có thể đưa ra những phương án đều chấp nhận được, tức là thỏa hiệp với nhau.
Tuy nhiên, trong thực tiễn giải quyết các tranh chấp quốc tế không phải lúc nào con đường ngoại giao cũng đạt thành công, nhất là khi hai bên không có thiện chí, cứ khăng khăng những đòi hỏi vô lý và phi pháp, giống như Bắc Kinh đòi chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển ở Biển Đông.
Trung Quốc không thể cứ khăng khăng đòi hỏi chủ quyền và quyền lợi biển một cách “quá mức” như vậy. Trong vấn đề Biển Đông, Trung Quốc muốn đối thoại, đàm phán song phương thì phải nhìn thẳng vào sự thật, tôn trọng sự thật, phải có thiện chí thực sự với các nước, nhất là với Việt Nam.
Trong đàm phán, tin rằng, bất cứ nước nào cũng luôn sẵn sàng tiếp nhận các chứng cứ lịch sử, pháp lý mà Trung Quốc một cách cầu thị, nhưng các chứng cứ này phải là sự thật, rõ ràng, khoa học. Đồng thời, Trung Quốc cũng cần có tinh thần đó để tiếp nhận các chứng cứ lịch sử, pháp lý rõ ràng, đầy đủ và khoa học của nước khác.
Trung Quốc luôn cho rằng họ cũng có các chứng cứ rõ ràng khẳng định chủ quyền ở Biển Đông, nhưng họ hầu như không trưng ra được bất cứ chứng cứ nào có sức thuyết phục. Chính vì vậy, người ta có thể hiểu được tại sao họ lại hết sức sợ hãi vụ kiện của Philippines.
Một nước lớn, một nước thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, một nước luôn tuyên bố có đầy đủ chứng cứ lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền và quyền lợi biển (quyền lợi lịch sử) ở Biển Đông… lại không dám tham gia vụ kiện của một “nước nhỏ” như Philippines nghe chừng khá khôi hài.
Dư luận có đủ lý do để nghi ngờ Trung Quốc không có bất cứ bằng chứng nào mang tính thuyết phục, nên họ không dám đứng giữa công đường để chứng minh. Bắc Kinh rõ ràng rất sợ mất mặt nếu họ bị vạch trần giữa cơ quan tư pháp quốc tế.
Nhưng, cho dù họ không tham gia vụ kiện thì phán quyết sắp tới của Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc (PCA) cũng có thể gây bất lợi rất lớn cho Bắc Kinh. Cho dù Bắc Kinh không trực tiếp tiếp nhận kết quả ở PCA, thì phán quyết cũng được PCA công bố với cộng đồng quốc tế. Khi đó, khi đứng trước các đối tác, đứng giữa các hội nghị, các diễn đàn Trung Quốc sẽ hành xử ra sao?!
Nếu Trung Quốc không tuân thủ luật pháp quốc tế, không tuân thủ phán quyết của PCA, không những sẽ gây thiệt hại cho công lý quốc tế, chống lại thành quả văn minh nhân loại, mà còn tác động vô cùng tiêu cực đến hình tượng của Trung Quốc. Khi xử lý quan hệ với Trung Quốc, các nước có khả năng sẽ gia tăng đề phòng, cảnh giác, sự tin cậy sẽ trở nên khó khăn hơn.
“Thượng tôn pháp luật” luôn là một nguyên tắc quan trọng trong ứng xử giữa các nước, nhất là giải quyết các tranh chấp. Hội nghị Trung ương 4 khóa 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thể hiện tinh thần coi trọng “pháp trị” như thế nào thì Bắc Kinh cũng nên đưa tinh thần đó vào trong ứng xử với các quan hệ quốc tế, các tranh chấp liên quan, nhất là tranh chấp Biển Đông.
Công lý luôn luôn đúng và sẽ được tôn trọng, Trung Quốc không nên trông chờ quá nhiều vào việc ra rả tuyên truyền, chỉ nhận đúng về mình như hiện nay.
Các nước mặc dù đều vì lợi ích quốc gia của mình, nhưng chắc chắn đa số các quốc gia văn minh sẽ không vì một số lợi ích kinh tế, vật chất tầm thường mà ủng hộ yêu sách bành trướng “đường lưỡi bò” vô lý, phi pháp của Bắc Kinh.