Trung Quốc đặt 16 giàn khoan gần vùng tranh chấp Nhật Bản

Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố có quyền “phản ứng cần thiết” sau khi Nhật Bản kêu gọi nước này ngừng khai thác dầu khí gần khu vực tranh chấp ở biển Hoa Đông.
Giàn khoan trên biển của Trung Quốc. Ảnh: Asia Times
Giàn khoan trên biển của Trung Quốc. Ảnh: Asia Times

Cơ quan này hôm 21-7 cho rằng: “Hành động của Nhật Bản thể hiện bản chất hai mặt trong chính sách ngoại giao và làm ảnh hưởng tiêu cực đến hòa bình và ổn định khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố sẽ đánh giá sách trắng quốc phòng Nhật Bản và đưa ra phản ứng cần thiết tùy thuộc vào tình hình.

Trước đó, Nhật Bản đã công bố những bức ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy hoạt động thăm dò dầu khí của các giàn khoan Trung Quốc trong khu vực, cáo buộc Bắc Kinh có hành động đơn phương và miễn cưỡng thực hiện thỏa thuận chung vào năm 2008 trong việc phát triển nguồn tài nguyên.

Yoshihide Suga, chánh văn phòng nội các Nhật Bản, nói rằng: “Không có dấu hiệu cho thấy các hoạt động phát triển của Trung Quốc ở biển Hoa Đông đã dừng lại. Do lo ngại Trung Quốc cố thay đổi hiện trạng trong khu vực, chúng tôi đã quyết định ban hành những điều cần thiết”.

Theo ông Suga, Trung Quốc đã đặt 12 giàn khoan trên biển Hoa Đông kể từ tháng 6-2013. Tổng số giàn khoan ở gần vùng biển tranh chấp giữa 2 nước hiện nay đã lên đến 16.

Quan chức này cho rằng việc Trung Quốc đơn phương khai thác tài nguyên khi tranh chấp biên giới biển còn chưa được giải quyết là rất đáng chỉ trích. Trái lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lu Kang cho rằng các hoạt động hàng hải của Trung Quốc được thực hiện đều dựa theo luật quốc tế.

Theo Reuters/NLĐ