Tờ Yomiuri Shimbun Nhật Bản ngày 8/12 cho rằng Mỹ và Trung Quốc tiếp tục tiến hành tâm lý chiến về vấn đề kinh tế. Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump thực hiện "chủ nghĩa ưu tiên nước Mỹ", coi trọng bảo đảm việc làm trong nước, nhiều lần đưa ra những phát biểu "khiêu khích" đối với Trung Quốc.
Hiện nay, Trung Quốc chỉ có thể lặng lẽ quan sát tình hình, nhưng nếu các vấn đề chính trị như Đài Loan và Biển Đông ngày càng nghiêm trọng thì có thể sẽ trở thành ngòi nổ cho đối đầu về kinh tế.
Trên Twitter, ông Donald Trump mặc nhiên bày tỏ: "Trung Quốc để tiền tệ của họ phá giá (làm cho sức cạnh tranh của doanh nghiệp Mỹ giảm đi), trưng thu thuế nặng đối với hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ (Mỹ lại không làm như vậy đối với họ), xây dựng các công trình quân sự cỡ lớn ở Biển Đông, trước khi họ làm như vậy họ đã từng hỏi ý kiến của chúng ta chưa? Tôi cho rằng chưa".
Đây là lần đầu tiên ông Donald Trump phê phán công khai đối với Trung Quốc sau khi đắc cử Tổng thống Mỹ.
Trong cuộc bầu cử, ông Donald Trump nhấn mạnh, Trung Quốc đang phá giá đồng nhân dân tệ, ông sẽ tuyên bố Trung Quốc là "nước thao túng tỷ giá hối đoái". Sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, lúc nhiều nhất, đồng nhân dân tệ đã rớt giá 2% so với đồng USD.
Trung Quốc bác bỏ cho rằng bản thân "hoàn toàn không phải là nước thao túng tỷ giá hối đoái", nhưng chính quyền Donald Trump có thể sẽ yêu cầu tăng giá đồng nhân dân tệ.
Ông Donald Trump nhiều lần cho biết muốn "tiến hành đánh thuế 45% đối với hàng hóa Trung Quốc". Có quan điểm cho rằng ông Donald Trump sẽ đề cử ông Dan DiMicco làm Đại diện thương mại Mỹ phụ trách chính sách thương mại.
Dan DiMicco là cựu Giám đốc điều hành Công ty Nucor - doanh nghiệp sắt thép lớn của Mỹ, người từng phê phán mối đe dọa từ doanh nghiệp Trung Quốc. Nếu ông Dan DiMicco làm Đại diện thương mại Mỹ thì dự kiến sẽ triển khai chính sách cứng rắn đối với Trung Quốc.
Hiện nay Chính phủ Trung Quốc đã giữ kiềm chế đối với việc công khai phê phán, kích động ông Donald Trump một cách thái quá. Đối với Trung Quốc, Mỹ là nước đối tượng xuất khẩu lớn nhất, năm 2015 kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ của Trung Quốc trên 400 tỷ USD.
Nếu kích động ông Donald Trump một cách không cần thiết, dẫn đến ông Donald Trump đưa ra chính sách nghiêm khắc trong vấn đề tỷ giá hối đoái và thuế, thì kinh tế Trung Quốc sẽ bị tác động bởi xuất khẩu giảm mạnh, các ngành nghề bị suy yếu.
Nhà phân tích Nishihama Toru, Viện nghiên cứu kinh tế Dai-Ichi Life Nhật Bản cho rằng: "Trong tình hình các biện pháp liên lạc và thông tin liên quan đến ông Donald Trump có hạn, Trung Quốc không muốn tự tìm lấy rắc rối".
Đối với phát biểu của ông Donald Trump trên Twitter, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng ngày 5/12 phản hồi nhẹ nhàng rằng: "Nhiều năm qua, bản chất của quan hệ kinh tế thương mại Trung - Mỹ luôn là cùng có lợi, cùng thắng ở mức cao, nếu không sẽ không thể phát triển đến tình hình như hôm nay. Cần duy trì xu thế phát triển tốt đẹp này, cần hai bên Trung Quốc và Mỹ tiếp tục cùng nỗ lực trên nền tảng kiên trì các nguyên tắc quan trọng của quan hệ hai nước".
Tháng 11/2016, có quan chức cấp cao Chính phủ Trung Quốc cảnh cáo, Trung Quốc có quyền áp dụng các biện pháp để bảo vệ quyền lợi của nước mình. Nếu Mỹ và Trung Quốc xảy ra đối đầu chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến kinh tế thế giới.
Ngày 11/12, Trung Quốc sẽ chào đón thời điểm tròn 15 năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Trung Quốc yêu cầu nhận được "địa vị kinh tế thị trường" như các nước phát triển.
Hàn Quốc và Australia, những nước ngày càng lệ thuộc vào Trung Quốc, đã công nhận địa vị kinh tế thị trường của Trung Quốc. Nhưng, Nhật Bản, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) thống nhất phản đối.
Nếu chính quyền ông Donald Trump tăng cường mạng lưới bao vây đối với Trung Quốc, hầu như sẽ trở thành "xiềng xích" của tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.
Trung Quốc lấy gia nhập WTO năm 2001 làm cơ hội, kim ngạch thương mại và đầu tư đến từ nước ngoài tăng mạnh, phát triển trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên, do là "nền kinh tế phi thị trường", khi bị các nước khác xác định là "phá giá", thì Trung Quốc ở vào thế bất lợi.
Mỹ cho rằng "Trung Quốc đang xuất khẩu vật liệu thép dư thừa ở trong nước với giá cả không chính đáng", thường xuyên trưng thu thuế bán phá giá đối với sắt thép của Trung Quốc. Mỹ sở dĩ không thừa nhận địa vị kinh tế thị trường của Trung Quốc là cho rằng vẫn cần thực hiện biện pháp đối phó.
Trung Quốc chuẩn bị tiến hành đáp trả, đưa ra khiếu nại với WTO. Trong tình hình xu hướng chủ nghĩa bảo hộ toàn cầu lên cao, việc có thừa nhận vấn đề địa vị kinh tế thị trường của Trung Quốc hay không có thể sẽ trở thành một mồi lửa mới.