Những diễn biến mới nhất trong vấn đề Biển Đông đã và đang được bàn thảo tại các hội nghị, diễn đàn khu vực. Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng chính sức nóng trên bàn nghị sự đã cho thấy vấn đề Biển Đông thời gian tới vẫn tiếp tục căng thẳng.
Báo Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Alexander L. Vuving tại Trung tâm Nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương ở Honolulu, Mỹ về những diễn biến và nhận định xoay quanh vấn đề Biển Đông hiện nay.
Thanh Niên: Thưa Giáo sư, ngày 3.6 tới đây Đối thoại Shangri-La sẽ tổ chức tại Singapore, theo ông vấn đề Biển Đông có được đặt là trọng tâm trong diễn đàn an ninh quan trọng này? Theo nhận định của ông, các nước sẽ bày tỏ quan điểm như thế nào về vấn đề này, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc?
Giáo sư Alexander L. Vuving: Biển Đông là một chủ đề nằm trong chương trình nghị sự “cứng” của Đối thoại Shangri-La và chắc chắn sẽ là một chủ đề nóng và căng thẳng ở hội nghị. Quan điểm của Mỹ và Trung Quốc về vấn đề Biển Đông hiện chưa thấy có sự dung hoà.
Mỹ sẽ nhấn mạnh yêu cầu Trung Quốc không quân sự hoá ở Biển Đông, còn Trung Quốc sẽ tố cáo rằng chính Mỹ đang quân sự hoá Biển Đông. Mỹ muốn gây sức ép để Trung Quốc không đưa vũ khí ra các đảo nhân tạo họ đang xây dựng ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Còn Trung Quốc thì lợi dụng việc Mỹ đưa phương tiện vào tuần tra và trinh sát tại khu vực Biển Đông để tố ngược Mỹ. Cả Mỹ và Trung Quốc đều muốn chứng tỏ quyết tâm không từ bỏ mục tiêu của mình tại Biển Đông.
Trong khi đó, nhiều nước trong khu vực vẫn tỏ ra lưỡng lự, đồng thời bản thân Mỹ cũng chưa có công cụ răn đe hữu hiệu đối với các bước đi trong “vùng xám” của Trung Quốc. Diễn đàn sẽ cho thấy vấn đề Biển Đông còn tiếp tục căng thẳng.
Thanh Niên: Tờ South China Morning Post hôm 1.6 dẫn các nguồn tin thân cận với Quân đội Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh đang chuẩn bị lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại Biển Đông. Các nguồn tin này cũng nói rằng sự hiện diện quân sự của Mỹ cùng với mối quan hệ giữa Mỹ với các nước trong khu vực sẽ tác động đến thời điểm Trung Quốc tuyên bố ADIZ. Theo Giáo sư, vấn đề ADIZ có được bàn tại Đối thoại Shangri-La không? Cá nhân ông nhận định thế nào về vấn đề ADIZ của Trung Quốc trên Biển Đông?
Giáo sư Alexander L. Vuving: "Bóng ma" ADIZ của Trung Quốc ở Biển Đông đang rất lớn nên chắc chắn vấn đề ADIZ sẽ được nhắc đến ở đâu đó trong hội nghị, nếu không phải trong tham luận chính thức thì cũng trong phần hỏi đáp hoặc trong các trao đổi bên lề hội nghị.
Tuy nhiên việc Trung Quốc thiết lập ADIZ ở Biển Đông không chỉ là ý muốn chủ quan của Trung Quốc mà còn tuỳ thuộc khá nhiều vào thái độ và phản ứng của các nước khác. Chính vì lo ngại ADIZ sẽ lợi bất cập hại nên Trung Quốc vẫn chưa công bố thiết lập ADIZ ở Biển Đông.
Tất nhiên, cũng không loại trừ khả năng Trung Quốc tính toán rằng cái lợi mà ADIZ đem lại cao hơn cái hại nó có thể gây ra. Chẳng hạn như trước viễn cảnh Toà Trọng tài quốc tế sẽ bác bỏ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc thì Bắc Kinh có thể cho rằng ADIZ là công cụ hữu hiệu để bù lấp khoảng trống pháp lý sau khi “đường lưỡi bò” bị bác bỏ. Khi đó Trung Quốc có thể sẵn sàng trả giá cao để lập ADIZ ở Biển Đông.
Tuy nhiên các nước vẫn có cách để buộc Bắc Kinh phải trả giá cao hơn. Cho nên dù thế nào thì chìa khoá cho vấn đề ADIZ của Trung Quốc ở Biển Đông vẫn nằm trong tay các nước khác.
Theo tôi, nếu Trung Quốc rút tỉa bài học kinh nghiệm từ vụ giàn khoan Hải Dương-981 với Việt Nam năm 2014 thì có lẽ Bắc Kinh sẽ không thiết lập ADIZ. Chính cuộc khủng hoảng giàn khoan Hải Dương-981 đã tạo bước ngoặt rất bất lợi cho Trung Quốc trong quan hệ Việt-Trung, đồng thời đẩy Việt Nam và Mỹ lại gần nhau hơn, trong đó có việc Mỹ dỡ bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam.
Việc Trung Quốc bắn tin đã có kế hoạch lập ADIZ nhưng thời điểm phụ thuộc vào sự hiện diện quân sự và quan hệ của Mỹ với các nước trong khu vực có thể coi là một đòn phép để răn đe đối phương, lấy "bóng ma" ADIZ để ngăn chặn Mỹ và các nước Đông Nam Á quanh Biển Đông gia tăng hợp tác an ninh quốc phòng.
Thanh Niên: Cũng liên quan đến vấn đề Biển Đông, theo dự kiến Tòa trọng tài quốc tế tại Hague (PCA) có thể sẽ ra phán quyết cuối cùng về vụ Philippines kiện Trung Quốc trong tháng 6. Theo Giáo sư, phán quyết này sẽ có giá trị trong thực tế như thế nào?
Giáo sư Alexander L. Vuving: Phán quyết của Toà Trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc sẽ được Mỹ, Nhật Bản, các nước phương Tây chủ chốt như Anh, Pháp, Đức và một số nước khác công nhận. Đa số các nước trên thế giới sẽ không có ý kiến. Tuy nhiên đối với dư luận quốc tế nói chung thì phán quyết đó là ý kiến có thẩm quyền cao nhất về tranh chấp ở Biển Đông. Với thời gian và với sự ủng hộ mạnh mẽ của nhiều nước sử dụng Biển Đông, phán quyết đó có thể trở thành một bộ phận của cấu trúc an ninh trong khu vực.
Nếu Toà bác bỏ “đường lưỡi bò” thì mặc dù Trung Quốc ngay từ đầu đã bác bỏ tư cách của Toà cũng như mọi phán quyết liên quan, Trung Quốc rất có thể sẽ phải đi tìm một cơ sở khác cho yêu sách của mình ở Biển Đông, ví dụ như lập vùng EEZ 200 hải lý xung quanh các đảo mà họ tự cho là của mình ở Biển Đông.
Theo Thanh Niên