Hai nhà lãnh đạo dự kiến gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại hội nghị thượng đỉnh 3 bên diễn ra ngày 1-11 với hy vọng thúc đẩy hòa bình và ổn định ở Đông Bắc Á.
Kể từ lần gặp cuối giữa nhà lãnh đạo 3 nước vào năm 2012, quan hệ giữa Nhật Bản với Hàn Quốc và Trung Quốc đi xuống vì những tranh cãi về chủ quyền lãnh thổ và lịch sử.
Hãng tin AP nhận định Mỹ đang là một nhân tố quan trọng tác động đến quan hệ Hàn - Nhật - Trung. Washington muốn Tokyo và Seoul cải thiện quan hệ để chống lại ảnh hưởng địa chính trị ngày càng tăng của Bắc Kinh (bao gồm cả ở biển Đông) và tăng cường hợp tác an ninh đối phó Bình Nhưỡng.
Vì thế, tờ The Korea Times (Hàn Quốc) nhận định vấn đề biển Đông có thể phủ bóng lên hội nghị, nơi bà Park dự kiến đối mặt sức ép phải có lập trường cứng rắn hơn đối với hành vi xây đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc ở biển Đông từ ông Abe.
Dù vậy, theo báo Independent (Anh), bà Park nhiều khả năng chỉ dừng lại ở lời kêu gọi các bên kiềm chế.
Về vấn đề biển Đông, Liên minh châu Âu (EU) hôm 30-10 lên tiếng ủng hộ cuộc tuần tra của Mỹ ở gần những đảo nhân tạo nói trên bất chấp những ảnh hưởng có thể có lên cuộc thảo luận giữa EU và Bắc Kinh tại hội nghị các ngoại trưởng Á - Âu vào tuần tới.
Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao EU hoan nghênh Mỹ đang thực thi tự do hàng hải, đồng thời bày tỏ lo ngại trước kế hoạch xây đảo nhân tạo của Bắc Kinh. Biển Đông cũng có thể làm nóng Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) diễn ra tại Malaysia từ ngày 2 đến 5-11 tới.
Theo NLĐ