Giới quan sát nhận định cả Saudi Arabia và Iran đều có ý đồ leo thang căng thẳng để phục vụ các mục tiêu chính trị - quân sự riêng. Nhưng cuộc đối đầu đó sẽ khiến Trung Đông thêm rối ren và cơ hội hòa bình ở Syria thêm mù mịt.
Theo tạp chí Slate, một số quan chức Mỹ tại Trung Đông tiết lộ chính quyền Saudi Arabia biết rõ Iran sẽ phản ứng dữ dội với vụ giáo sĩ Hồi giáo Shiite Nimr al-Nimr bị hành quyết vì tội khủng bố, nhưng vẫn quyết định ra tay. Có hai nguyên nhân khiến hoàng tộc Al-Saud quyết đối đầu Iran. Đó là đối nội và đối ngoại.
Vì mục tiêu, lợi ích riêng
Về đối nội, hoàng tộc Al-Saud muốn tận dụng vụ hành quyết giáo sĩ Nimr để hợp thức hóa chiến dịch trấn áp cực đoan Sunni trong nước. Trong số 46 phạm nhân bị tử hình cùng giáo sĩ Nimr có hàng loạt kẻ khủng bố Al-Qaeda. Và không ít trong số đó xuất thân từ các bộ tộc danh giá tại Saudi.
Hơn một năm qua, nền kinh tế Saudi lao đao vì giá dầu sụt giảm và chi phí chiến tranh ở Yemen leo thang. Ngân sách năm 2016 bị cắt giảm 14%, chính quyền Saudi phải cắt giảm trợ giá nhiên liệu. Do đó, hoàng tộc Al-Saud muốn bắn đi thông điệp rằng quyết định chống khủng bố và không nương tay với bất kỳ sự chống đối nào trong nước.
“Saudi chủ yếu đối phó với dư luận trong nước. Việc tử hình giáo sĩ Nimr sẽ được nhiều người Sunni cực đoan ủng hộ” - Bloomberg dẫn lời chuyên gia Toby Matthiesen, tác giả cuốn The other Saudi (Một Saudi khác), nhận định. Do đó, làn sóng chống đối việc tử hình các tội phạm khủng bố người Sunni sẽ giảm nhiệt đi, vị thế của hoàng tộc Al-Saud sẽ được giữ vững.
Về đối ngoại, Saudi đang ở thế bị động trong cuộc chiến Yemen, nơi quân nổi dậy Houthi được sự hậu thuẫn của Iran. Hoàng tộc Al-Saud cũng lo ngại cuộc đàm phán quốc tế để tìm giải pháp hòa bình cho Syria sẽ tạo cơ hội cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad giữ vững chiếc ghế quyền lực.
Các chuyên gia cho rằng hoàng tộc Al-Saud lo ngại Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng chấp nhận phương án này. Sự lo ngại càng lớn khi Iran đạt thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc. Nhiều nhà phân tích khẳng định hoàng tộc Al-Saud sẵn sàng phá thỏa thuận hạt nhân Iran và đàm phán hòa bình Syria nếu Mỹ một lần nữa đứng chung chiến tuyến với Saudi để chống Iran.
“Nhiều người Saudi nhìn nhận hoàng tộc Al-Saud quá nhút nhát trước Iran. Họ đánh giá Iran là kẻ bắt nạt và Saudi cần đưa ra đòn trả đũa mạnh mẽ” - báo Wall Street Journal dẫn lời nhà phân tích Saudi Faisal Bin Farhan. Do đó, để kích động sự ủng hộ của dư luận trong nước, hoàng tộc Al-Saud sẵn sàng đối đầu với Iran.
Đối với Iran, giới chuyên gia nhận định lực lượng bảo thủ ở Tehran cũng rất lo ngại với việc Tổng thống Hassan Rouhani đạt được những bước tiến mới trong quan hệ với phương Tây, đặc biệt là thỏa thuận hạt nhân. Bởi phe bảo thủ Iran không muốn quốc gia Hồi giáo này xích lại gần phương Tây.
Trung Đông không có ngày yên
Các nguồn tin từ Tehran cho biết vụ người biểu tình Iran đốt phá Đại sứ quán Saudi là hành vi có tổ chức với sự làm ngơ của cảnh sát. Hôm đó, cảnh sát ngoại giao Iran canh gác chặt chẽ trước cửa Đại sứ quán Saudi, nhưng sau đó rút đi gần hết, tạo điều kiện cho người biểu tình tấn công. Mạng xã hội ở Iran dẫn lời một sĩ quan thừa nhận: “Chúng tôi được lệnh không cản trở người biểu tình”.
Chuyên gia Ali Vaez thuộc Tổ chức Khủng hoảng quốc tế (ICG) cảnh báo căng thẳng Saudi - Iran sẽ càng làm khu vực Trung Đông thêm rối loạn. Hai nước không thể trực tiếp đụng độ quân sự bởi biên giới cách xa nhau, nhưng nhiều khả năng sẽ tiếp tục leo thang các cuộc đối đầu gián tiếp ở Syria và Yemen. Tại Yemen, liên quân Sunni do Saudi lãnh đạo vẫn đang không kích quân nổi dậy Houthi được Iran chống lưng.
Và cuộc đối đầu này sẽ khiến cơ hội thành công của cuộc đàm phán hòa bình Syria trở nên rất mong manh. Bởi bất cứ một giải pháp nào về Syria cũng đòi hỏi sự hợp tác của Saudi và Iran. Bởi Iran hỗ trợ cho chính quyền Tổng thống Syria Assad, còn Saudi tiếp vốn và vũ khí cho các nhóm nổi dậy.
Chuyên gia Vaez cho rằng đối tượng hưởng lợi lớn nhất trong cuộc xung đột Saudi - Iran là nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) dù cả Saudi và Iran đều muốn chống IS. Bởi IS từng thề sẽ lật đổ hoàng tộc Al-Saud và coi người Shiite (chiếm đa số ở Iran) là bọn ngoại đạo. Nhưng nếu Saudi và Iran tiếp tục đối đầu, cơ hội hòa bình ở Syria sẽ đổ vỡ và IS sẽ tiếp tục hùng bá.
Chưa hết, căng thẳng giữa hai nước có thể khiến bạo lực giáo phái tại Iraq leo thang. Những ngày qua đã xảy ra hai vụ người Shiite tấn công thánh đường Hồi giáo của người Sunni ở Iraq. Đối đầu Shiite - Sunni ở Iraq luôn đẫm máu kể từ sau khi Mỹ lật đổ chính quyền Saddam Hussein năm 2003, và có thể sẽ tiếp tục tồi tệ thêm.
Nếu Saudi và Iran vẫn cứ đổ dầu vào lửa căng thẳng vì mục đích riêng, hai cuộc khủng hoảng quân sự - nhân đạo tồi tệ ở Trung Đông là Syria và Yemen có thể sẽ ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Và Trung Đông sẽ không có ngày yên bình.
Theo Tuổi trẻ