Triều Tiên thử bom nhiệt hạch nhằm mục đích gì?

Triều Tiên tuyên bố đã tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ tư vào ngày 6.1. Vậy ý đồ của việc này là gì và tại sao lại diễn ra vào lúc này?
Vụ thử bom có thể giúp lãnh đạo Kim Jong-un khẳng định quyền lực - Ảnh: Reuters
Vụ thử bom có thể giúp lãnh đạo Kim Jong-un khẳng định quyền lực - Ảnh: Reuters


Mục đích: Thể hiện quyền lực trong và ngoài nước

Vụ thử hạt nhân lần thứ tư này của Triều Tiên giải đáp được nhiều vấn đề. Ý định của các lãnh đạo Triều Tiên, một trong những nước khép kín nhất thế giới, luôn rất khó đoán đối với thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, tờL’Express (Pháp) ngày 6.1 dẫn lời bà Francoise Nicolas, giám đốc Trung tâm châu Á thuộc Viện quan hệ quốc tế Pháp (IFRI), cho rằng hành động này có thể chứng minh sự hợp nhất quyền lực của lãnh đạo Kim Jong-un trong nội bộ. Kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 4.2012 thay cha là Kim Jong-il, lãnh đạo trẻ của Triều Tiên đã thực hiện nhiều cuộc thanh trừng để chứng minh rằng ông là người nắm quyền.

Mặt khác, vụ thử hạt nhân còn chứng tỏ được uy tín của Triều Tiên đối với bên ngoài. Bà Valerie Niquet,  chuyên gia châu Á tại Quỹ nghiên cứu chiến lược (FRS- trụ sở Paris, Pháp), nói: “Theo cách mà truyền thông tuyên bố về vụ thử bom, Triều Tiên cho rằng đang đứng trong hàng ngũ những cường quốc hạt nhân tiên tiến”.

Theo bà Niquet, hành động lần này của Triều Tiên cũng chứng tỏ sự vô ích của các biện pháp trừng phạt khi không thể ngăn chặn các vụ thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân liên tiếp. Chuyên gia này nhận định rằng mục đích của vụ thử hạt nhân lần này còn nhằm tạo ra sức răn đe để đạt được lợi thế trong các cuộc đàm phán và khẳng định với Trung Quốc về khả năng tự lập của Triều Tiên.

Triều Tiên thử bom nhiệt hạch nhằm mục đích gì? ảnh 1

Việc thử bom nhiệt hạch còn làm gia tăng tiếng nói trong các cuộc đàm phán hạt nhân của Triều Tiên - Ảnh: Reuter


Thời điểm tiến hành là có tính toán

Vụ thử bom được thực hiện 2 ngày trước sinh nhật của ông Kim Jong-un và mở đầu một năm mới, một thời điểm mang tính biểu tượng cao để đánh dấu sức mạnh của Triều Tiên và lãnh đạo nước này, theo bà Niquet.

Đây cũng là một cột mốc trong chiến lược phát triển khả năng hạt nhân dài hạn của Triều Tiên như lời ông Kim Jong-un đã tuyên bố vài tuần trước đó, rằng nước này sở hữu bom nhiệt hạch.

Vụ thử hạt nhân lần này cũng xảy ra giữa lúc 2 miền Triều Tiên đang có dấu hiệu hạ nhiệt. Hồi tháng 12.2015, bộ trưởng 2 nước đã có cuộc gặp gỡ tại Triều Tiên sau thoả thuận đạt được vào tháng 8 nhằm xoa dịu căng thẳng có nguy cơ trở thành xung đột trước đó.

Việc thách thức cộng đồng quốc tế gồm cả Trung Quốc chứng tỏ Triều Tiên không sợ các lệnh trừng phạt. Tình hình kinh tế của nước này thật ra đã bớt tồi tệ hơn cách đây 3 - 4 năm, theo L’Express. Và theo bà Niquet, sự tồn tại của Triều Tiên mặc cho khủng hoảng trầm trọng là bằng chứng cho chiến lược tồn tại của nước này. Khi đã có được năng lực hạt nhân thì cũng sẽ có được năng lực gây thiệt hại.

Nước nào đã giúp đỡ Triều Tiên?

Nhiều nước trước đây, trong đó có Pakistan, từng hợp tác với chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng đã khẳng định sự tự lập và từ những năm 1990 đã phát triển những khả năng cần thiết cho chương trình hạt nhân của mình. Cho đến nay, Triều Tiên vẫn tiếp tục nghiên cứu, nhưng theo bà Valerie Niquet, không có cường quốc hạt nhân nào ủng hộ chương trình của Triều Tiên. Tờ Le Monde hồi tháng 5.2015 dẫn lời nhà nghiên cứu Lee Chun-keun của Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên đã mua lại của Trung Quốc những trang thiết bị phân hạch để giúp tăng cường khả năng về vũ khí hạt nhân và có thể chế tạo một quả bom khinh khí.

Triều Tiên thử bom nhiệt hạch nhằm mục đích gì? ảnh 2

Triều Tiên thử bom nhiệt hạch cho thấy các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc chẳng tác động gì với nước này

Trung Quốc có khả năng gây áp lực với Triều Tiên?

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên đã căng thẳng trong vài năm gần đây. Ngày 6.1, Trung Quốc cũng tuyên bố phản đối mạnh mẽ vụ thử bom nhiệt hạch và triệu tập đại sứ Triều Tiên về việc này.

Tuy nhiên Trung Quốc vẫn giữ một khoảng cách nhất định với Triều Tiên. Mặc dù nền kinh tế Triều Tiên phụ thuộc phần lớn vào sự giao thương với Trung Quốc, nhưng theo giám đốc IFRI Francoise Nicolas, chính người Trung Quốc cũng đang phải cho rằng họ vay mượn sự ảnh hưởng của Triều Tiên nhiều hơn là khả năng tự có.

Trung Quốc dù đang nhìn một cách đầy lo ngại Triều Tiên như một sức mạnh hạt nhân mới bất kham đang nổi lên sát biên giới, nhưng Bắc Kinh chưa sẵn sàng buông rơi chế độ Bình Nhưỡng, cũng không quan tâm đến tình hình bất ổn của 2 miền Triều Tiên. Bởi vì Triều Tiên là vùng đệm giữa Trung Quốc với Hàn Quốc, đồng minh của Mỹ (Mỹ hiện có gần 30.000 lính tại Hàn Quốc). Hơn nữa, nếu như Triều Tiên sụp đổ, có thể kéo theo một làn sóng di cư về phía lãnh thổ Trung Quốc.

Theo Thanh Niên