Theo hãng tin KCNA Triều Tiên, đêm ngày 28/7, Triều Tiên đã phóng thử lần thứ hai tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-14. Quả tên lửa này đã bay trong thời gian 46 phút 12 giây, bay được 998 km, “bắn trúng vùng biển mục tiêu”, độ cao bay lớn nhất là 3.724,9 km.
Trong khi đó, quân đội Hàn Quốc cho biết khoảng cách bay của tên lửa này khoảng 1.000 km, độ cao lớn nhất khoảng 3.700 km. Mỹ và Hàn Quốc đều khẳng định đây là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Theo các nhà quan sát quốc tế, trước đó, có người dự đoán Triều Tiên có thể phóng tên lửa vào trước sau ngày 27/7, bởi ngày này là ngày kỷ niệm tròn 64 năm ký kết Hiệp định đình chiến hai miền Triều Tiên.
Tuy nhiên, việc Triều Tiên phóng tên lửa ở tỉnh Chagang là lần đầu tiên và lựa chọn phóng vào ban đêm là điều rất hiếm thấy. Điều này cho thấy Triều Tiên đang khẳng định họ có khả năng phóng tên lửa bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu, đồng thời cho thấy chính quyền Triều Tiên không khuất phục sự trừng phạt của cộng đồng quốc tế, kiên trì phát triển vũ khí hạt nhân.
Cộng đồng quốc tế đồng loạt phản đối
Đến nay, phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đã trở thành đồng thuận của cộng đồng quốc tế, nhất là những nước liên quan ở khu vực Đông Bắc Á hay các nước lớn và là thành viên Hội đồng bảo an Liên hợp quốc như Trung Quốc, Mỹ, Nga. Chính vì vậy, khi Triều Tiên tiếp tục phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa lần này, cộng đồng quốc tế đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ.
Ngày 29/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuyên bố Trung Quốc phản đối Triều Tiên tiến hành phóng tên lửa vi phạm nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, yêu cầu Triều Tiên chấm dứt các hành động làm leo thang căng thẳng bán đảo Triều Tiên.
Ngoài ra, Trung Quốc kêu gọi các bên thận trọng hành động, ngăn chặn tình hình tiếp tục leo thang, cùng bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực.
Trong khi đó, Mỹ và đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc phản ứng dữ dội hơn. Khoảng 1 giờ sáng ngày 29/7, tại Hội nghị An ninh quốc gia ở Phủ Tổng thống Hàn Quốc, Tổng thống Moon Jae-in hạ lệnh sẽ lập tức cùng Mỹ phối hợp phương án tăng cường khả năng ngăn chặn chiến lược giữa Mỹ - Hàn, bao gồm triển khai thêm 4 xe phóng còn lại của hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao đoạn cuối (THAAD).
Bộ phận phóng tên lửa của hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD gồm 6 xe phóng, ngoài ra còn có các trang bị khác như hệ thống radar. Ngày 6/3/2017, đã có 2 xe phóng THAAD được vận chuyển đến Hàn Quốc. Sau đó 4 xe phóng khác cũng được bí mật đưa vào Hàn Quốc và bị cho là thủ tục không minh bạch.
Việc Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa lần thứ hai trong thời gian chưa đầy 1 tháng qua đã thúc đẩy tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in quyết định triển khai toàn bộ hệ thống THAAD để đảm bảo an ninh cho Hàn Quốc. Điều này rất phù hợp với mong muốn của Mỹ, nhưng lại bị Trung Quốc phản đối mạnh mẽ.
Ngày 28/7 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố phê phán Triều Tiên tiếp tục phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, cho biết Mỹ sẽ thực hiện tất cả những bước đi cần thiết để đảm bảo an ninh lãnh thổ Mỹ và bảo vệ đồng minh ở khu vực này.
Nhà Trắng ngày 28/7 cho rằng vụ phóng lần này là hành vi nguy hiểm mới nhất của Triều Tiên. Mỹ phê phán vụ thử lần này, bác bỏ quan điểm của Triều Tiên cho rằng những vụ thử và những vũ khí này là để bảo đảm an ninh của Triều Tiên.
Mỹ cho rằng những vũ khí và vụ thử này của Triều Tiên đe dọa toàn thế giới, sẽ chỉ làm cho Triều Tiên bị cô lập hơn, đồng thời làm suy yếu kinh tế, tước bỏ quyền lợi của nhân dân Triều Tiên.
Ngoài ra, vào lúc 2 giờ 15 phút ngày 29/7, Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc Lee Sun-jin và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Joseph Dunford đã điện đàm 15 phút để thảo luận phương án ứng phó với việc Triều Tiên phóng tên lửa. Hai bên khẳng định nếu Triều Tiên tiếp tục tiến hành khiêu khích, hai bên sẽ ứng phó mạnh mẽ.
Trong khi đó, Tập đoàn quân số 8 Mỹ tuyên bố Hàn Quốc và Mỹ đã tiến hành tập trận để phản ứng với vụ phóng tên lửa lần này của Triều Tiên. Cuộc tập trận này tiếp tục sử dụng tên lửa đạn đạo Hyunmoo-2 của quân đội Hàn Quốc và tên lửa chiến thuật của lục quân Mỹ. Hai loại vũ khí này đã từng sử dụng trong cuộc tập trận chung ở Hàn Quốc vào ngày 5/7/2017.
Việc Triều Tiên phóng tên lửa cũng gây cảnh giác cao cho Nhật Bản. Nhật Bản tuyên bố tên lửa Triều Tiên có thể đã bắn vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản, hiện chưa có thông tin thiệt hại.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ra chỉ thị: Một là tập trung thu thập, phân tích tình báo. Hai là nhanh chóng cung cấp thông tin chính xác cho nhân dân. Ba là làm rõ an toàn của các máy bay và tàu thuyền, triển khai mọi biện pháp để phòng ngừa những tình huống bất trắc. Chính phủ Nhật Bản đã thiết lập trung tâm quản lý khủng hoảng, thu thập tình báo, tiến hành ứng phó.
Ông Shinzo Abe cho biết đây là hành vi đe dọa nghiêm trọng các máy bay và tàu thuyền, vi phạm nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, Nhật Bản tiến hành lên án và phản đối mạnh mẽ nhất.
Ngoài ra, Nhật Bản còn tổ chức một hội nghị an ninh khẩn cấp tại dinh thự Thủ tướng với sự tham dự của Thủ tướng Shinzo Abe, Chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga, Ngoại trưởng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Fumio Kishida.
Ngày 28/7, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng thông qua người phát ngôn ra tuyên bố phê phán mạnh mẽ Triều Tiên tiếp tục phóng tên lửa đạn đạo, đồng thời tiếp tục kêu gọi nhà lãnh đạo Triều Tiên phản hồi sáng kiến tái khởi động đối thoại mà phía Hàn Quốc đưa ra gần đây, bao gồm tái khởi động đối thoại quân sự.
Trung Quốc tiếp tục phủ nhận trách nhiệm
Trong thời gian qua, Mỹ luôn hối thúc Trung Quốc hỗ trợ giải quyết vấn đề hạt nhân và tên lửa Triều Tiên. Thực chất là yêu cầu Trung Quốc gây sức ép lớn với với Triều Tiên về kinh tế để Triều Tiên không thể tiếp tục chương trình vũ khí của họ.
Tuy nhiên, tờ Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 29/7 đăng bài xã luận cho rằng sự lựa chọn của Trung Quốc là “có hạn”. Trung Quốc vừa không thể ngăn chặn chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, vừa không thể làm thay đổi chính sách tìm mọi cách gây sức ép của Mỹ, không thể ngăn chặn Mỹ và Hàn Quốc triển khai THAAD.
Bài báo cho biết Trung Quốc không từ bỏ mục tiêu phi hạt nhân bán đảo Triều Tiên, vì nó liên quan đến lợi ích an ninh quốc gia của nước này, nhất là lo ngại khả năng chương trình hạt nhân của Triều Tiên có thể gây ra “ô nhiễm” cho khu vực đông bắc Trung Quốc.
Theo Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc hiện nay và trong tương lai đều sẽ không chấp nhận việc Mỹ triển khai hệ thống THAAD ở Hàn Quốc. Bài báo kêu gọi Trung Quốc “đẩy nhanh phát triển lực lượng tấn công hạt nhân chiến lược, triển khai lực lượng phá hủy hệ thống THAAD trong thời chiến”. Nếu THAAD tiếp tục triển khai thì sẽ thúc đẩy Trung Quốc tiến hành nâng cấp lực lượng hạt nhân chiến lược, từ đó có khả năng giành chiến thắng cao hơn trước đối thủ.
Ngoài ra, Thời báo Hoàn Cầu cho hay Trung Quốc “kiên quyết phản đối ý định thay đổi bản đồ chính trị bán đảo Triều Tiên”, “không cho phép có sự thay đổi bất ngờ ở bán đảo Triều Tiên”.
Đánh giá về vai trò của Trung Quốc hiện nay trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên, báo chí Anh ngày 29/7 cho rằng, mặc dù Mỹ luôn hối thúc Trung Quốc phát huy vai trò lớn hơn trong giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên, nhưng thực ra Mỹ biết vai trò của Trung Quốc có hạn, bởi vì quan hệ Trung - Triều hiện đã không tốt, hơn nữa Triều Tiên quyết tâm phát triển vũ khí hạt nhân.
Vai trò hiện nay của Trung Quốc giống như hội đàm 6 bên đã bị thất bại trước đây, thậm chí vai trò của Trung Quốc còn giảm đi. Triều Tiên hiện nay đã giảm lòng tin vào Trung Quốc, Trung Quốc càng khó phát huy được vai trò. Những đề xuất quay trở lại đàm phán của Trung Quốc không được Triều Tiên chấp nhận.