Triều Tiên nắm quá rõ điểm yếu của Trung Quốc

Triều Tiên quan trọng đến mức Trung Quốc phải bảo vệ bằng mọi giá, bất kể Bình Nhưỡng “ngổ ngáo” cỡ nào?
Vợ chồng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye (trái) tại Bắc Kinh hồi tháng 9-2015. Ảnh: EPA
Vợ chồng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye (trái) tại Bắc Kinh hồi tháng 9-2015. Ảnh: EPA

Không lâu sau khi Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch (bom H) hôm 6-1, ứng viên tổng thống Mỹ bên phía Đảng Cộng hòa Donald Trump lôi Trung Quốc vào cuộc. Phát biểu trên đài CNN, tỉ phú Trump nói ông phát ngán vì Mỹ cứ phải hành động như thể cảnh sát của thế giới.

“Trung Quốc phải giải quyết vấn đề Triều Tiên. Nếu họ không chịu, chúng ta sẽ gây sức ép với họ về thương mại” – ông nói.

Tuy nhiên, theo báo The Wall Street Journal (Mỹ), Triều Tiên đang “trói chân” người láng giềng khổng lồ. Cơn ác mộng của Bắc Kinh là chế độ Bình Nhưỡng sụp đổ, giúp Mỹ đưa quân đến tận cửa nhà Trung Quốc.

Thực tế đó củng cố sự cầm quyền của gia tộc họ Kim tại Triều Tiên. Và vụ thử hạt nhân hôm 6-1 là ví dụ sống động cho việc Triều Tiên lợi dụng rất tốt mối lo âu canh cánh của Trung Quốc. Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un biết rõ nước mình là vùng đệm không thể thiếu – như cách gọi của người Trung Quốc là “như môi với răng”.

Bằng vụ thử mới nhất, ông Kim không chỉ thách thức Mỹ, từ đó đòi hỏi những nhượng bộ về kinh tế và chính trị, mà còn chơi trò tâm lý quen thuộc với Bắc Kinh để đổi lấy thực phẩm, năng lượng cũng như sự tồn tại của chế độ.

Bắc Kinh không dám buông Bình Nhưỡng, bởi làm thế có thể “mất” Đông Á vào tay Washington, kéo theo đó là sự thắng thế của hệ thống đồng minh Mỹ - với “hòn đá tảng” Nhật Bản - tại khu vực. Hơn nữa, nếu không “trị” được Triều Tiên, Trung Quốc có thể bị Hàn Quốc đánh giá thấp lời mời gọi tăng cường hợp tác.

Về mặt công khai, phản ứng chính thức của Trung Quốc về vụ thử hôm 6-1 cho thấy nhà lãnh đạo Kim Jong-un chưa đẩy đồng minh lớn nhất của mình đi xa quá.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói nước bà phản đối hành động của Triều Tiên song bỏ qua câu hỏi về các biện pháp trừng phạt tiềm năng từ phóng viên, thay vào đó là lập luận quen thuộc “cần đàm phán để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”.

Hải Ngọc - Theo Wall Street Journal, CNN, NLĐ