Tờ Người quan sát (Trung Quốc) ngày 13/4 đăng bài viết của phó giáo sư Tôn Hưng Kiệt, Học viện Ngoại giao công chúng, Đại học Cát Lâm, Trung Quốc bàn về vấn đề Triều Tiên và quan hệ tam giác Trung - Mỹ - Nga.
Theo bài viết, sau khi Mỹ phóng vài chục quả tên lửa hành trình Tomahawk tấn công Syria, hiện nay, cụm tấn công tàu sân bay USS Carl Vinson đã thay đổi kế hoạch, quay trở lại vùng biển khu vực bán đảo Triều Tiên. Triều Tiên cảnh cáo đã sẵn sàng tất cả cho chiến tranh.
Mặt khác, sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump từ ngày 6 - 7/4/2017, đặc phái viên ngoại giao Trung Quốc, ông Vũ Đại Vĩ đã đến thăm Hàn Quốc, còn Ngoại trưởng Mỹ có chuyến đi đến Nga...
Với sự chấn động từ cuộc khủng hoảng Syria, bán đảo Triều Tiên, một điểm nóng khác của đại lục Âu - Á tiếp tục bị bao phủ bởi "mây đen". Dư luận đặc biệt chú ý tới cách thức xử lý vấn đề Triều Tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump, thậm chí bắt đầu bàn tán về khả năng xảy ra chiến tranh Triều Tiên lần thứ hai.
Tái thiết
Trong bữa tiệc tối hoan nghênh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lập tức thông báo Mỹ vừa tấn công Syria bằng tên lửa. Trong khi đó, Mỹ không thông báo gì cho các đồng minh quân sự của Mỹ.
Đối với vấn đề này, ông Donald Trump có tính toán riêng, lựa chọn phát động tấn công khi gặp ông Tập Cận Bình ở khu nghĩ dưỡng, và thông báo trước cho phía Trung Quốc. Ở bề ngoài xem ra là tôn trọng Trung Quốc. Nhưng, mặt khác chắc chắn muốn "cắm một chiếc đinh" vào giữa Trung Quốc và Nga.
Quan hệ Trung - Nga là quan hệ đối tác chiến lược, đã có sự thống nhất rất cao trong vấn đề Syria. Sau khi can dự mạnh mẽ vào Syria từ ngày 30/9/2015, Nga thực sự trở thành lực lượng có ảnh hưởng nhất trên chiến trường Syria.
Khi tại Syria xuất hiện sự kiện "tấn công bằng vũ khí hóa học", vượt qua "giới hạn" do Mỹ và phương Tây thiết lập, tạo cớ cho Mỹ tiến hành tấn công quân sự, thì đối với chính phủ Syria và Nga, việc Mỹ tiến hành tấn công Syria trước khi chưa cung cấp chứng cứ đầy đủ là một cách hành xử thô thiển, không thể chấp nhận.
Trung Quốc luôn phản đối vũ khí hóa học, kiên trì đối thoại, hòa giải trong vấn đề Syria. Lần này, Mỹ lôi kéo Trung Quốc về phía mình là để tìm cách ly gián giữa Trung Quốc và Nga.
Quan hệ Trung - Nga sẽ không có sự thay đổi căn bản do một cuộc không kích, nhưng quan hệ tam giác chiến lược Trung - Mỹ - Nga có thể đối mặt với việc "tái thiết".
Tam giác
Quan hệ tam giác tức là bất cứ sự tương tác nào giữa hai bên đều sẽ có ảnh hưởng tới bên thứ ba.
Quan hệ tam giác Trung - Mỹ - Nga luôn tồn tại. Chiến tranh Triều Tiên lần thứ nhất làm cho quan hệ tam giác đã trở thành sự đối lập giữa Trung Quốc, Liên Xô với Mỹ.
Tình hình bán đảo Triều Tiên hiện nay liệu có xuất hiện thế đối đầu 2:1? Từ vị thế quốc tế của Trung Quốc, đã không tồn tại điều kiện hiện thực của đồng minh Trung - Xô trước đây. Bán đảo Triều Tiên tiếp tục bất ổn, việc xảy ra chiến tranh quốc tế hoàn toàn không dễ dàng.
Bởi vì giữa ba nước Trung Quốc, Mỹ và Nga đã hình thành cơ chế trao đổi tương đối thông suốt, sẽ không vì vấn đề của một nước nhỏ mà phá hoại sự cân bằng ảnh hưởng giữa các nước lớn này. Cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Trung - Mỹ vừa qua đề xuất "quản lý, kiểm soát khủng hoảng" đã tiếp tục xác nhận điểm này.
Đương nhiên, sự đồng thuận ngăn chặn tình hình Triều Tiên mất kiểm soát vẫn còn chưa hình thành, điều này thể hiện ở hành động thống nhất đối với Triều Tiên.
Chẳng hạn, trước đây, Nga và Triều Tiên đã ký kết thỏa thuận xuất khẩu lao động để phát triển khu vực Viễn Đông, đây chính là hợp tác kinh tế cũng là lập trường chính trị. Sau khi Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân lần thứ tư, Nga cũng có ý trì hoãn 24 giờ, coi như đem lại một "món nợ ân tình lớn" cho Triều Tiên.
Lần này, cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước Trung - Mỹ đã đạt được những thành quả và đồng thuận to lớn, tạo ra sức ép không nhỏ cho Nga.
Sau khi ông Donald Trump lên nắm quyền, khả năng Mỹ và Nga xích lại gần nhau tuy luôn được thổi phồng, nhưng truyền thông và một bộ phận nội bộ Mỹ luôn giữ cảnh giác với Nga.
Michael Flynn, Cố vấn an ninh quốc gia của ông Donald Trump sau khi nhậm chức được 24 ngày, đã phải ra đi do tình nghi có quan hệ đặc biệt với Nga. Lần này, ông Donald Trump đã tấn công Syria, cũng bị tình nghi là cố tình "làm rõ quan hệ với Nga" trong nội bộ Mỹ.
Nhìn vào ngắn hạn, ông Donald Trump và ông Vladimir Putin không thể bắt tay vui vẻ. Được biết, chuyến thăm Nga lần này của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson là để hối thúc ông Vladimir Putin từ bỏ chính quyền Bashar al-Assad. Có thể nói, quan hệ Mỹ - Nga đã trở thành một khâu yếu nhất trong quan hệ tam giác Trung - Mỹ - Nga.
Đối với bán đảo Triều Tiên, đồng thuận Trung - Mỹ là tiền đề căn bản của ổn định bán đảo Triều Tiên, việc Triều Tiên xích lại gần Nga cũng không nhận được “bảo hộ” nhiều. Đối với Triều Tiên, một sự cảnh báo trước mắt chính là quân chính phủ Syria vẫn bị Mỹ tấn công cho dù đang có sự bảo vệ và chống đỡ của Nga.
Còn đối với Triều Tiên, đây là điều mà Triều Tiên sẽ đứng ngồi không yên sau khi Syria bị tấn công, họ lập tức phê phán Mỹ tiến hành “xâm lược” Syria.
Bao vây
Cụm tấn công tàu sân bay Carl Vinson quay trở lại bán đảo Triều Tiên đã mang theo mùi thuốc súng của chiến tranh. Mỹ tiến hành răn đe Triều Tiên vì Triều Tiên phát triển hạt nhân và tên lửa, chứ không phải là phát động chiến tranh toàn diện đối với Triều Tiên. Tấn công các mục tiêu “hạn chế” là điều hoàn toàn khả thi đối với cụm tấn công tàu sân bay này.
Trên Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rõ, nếu tình hình Triều Tiên không còn tiếp tục được kiểm soát, Mỹ sẽ tự triển khai hành động. Trước hành động răn đe lần này của tàu sân bay Mỹ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bất ngờ giữ kiềm chế. Cộng với tin đồn Trung Quốc đã tập trung quân ở biên giới Trung - Triều, “thỏa thuận ngầm” lờ mờ giữa Trung - Mỹ gây ngạc nhiên cho dư luận.
Tuy nhiên, thông tin Trung Quốc ngầm cho phép Mỹ “động thủ” với Triều Tiên là thông tin mang tính thổi phồng. Trong vấn đề liên quan đến tàu sân bay Mỹ, Trung Quốc không loại trừ mượn thế để gây sức ép với Triều Tiên, nhưng hoàn toàn không có nghĩa là Trung Quốc sẽ cho phép xảy ra chiến tranh Triều Tiên lần thứ hai.
Điều này được tiếp tục xác nhận trong cuộc điện đàm giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa diễn ra vào sáng ngày 12/4: Trung Quốc “chủ trương giải quyết vấn đề bằng phương thức hòa bình”.
Ngoài ra, còn còn thể tìm được “đáp án” từ cuộc gặp thượng đỉnh giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump ở bang Florida, Mỹ từ ngày 6 - 7.4.2017.
Khi đó, ông Tập Cận Bình đã đề xuất hai nước Trung Quốc và Mỹ phải có “quyết đoán chính trị” và “trách nhiệm lịch sử”. Phải hướng vào phát triển quan hệ Trung - Mỹ trong 45 năm tới. Tín hiệu phát đi là rất rõ ràng.
45 năm trước, năm 1972, cái bắt tay giữa Tổng thống Mỹ Richard Nixon và Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông đã kết thúc đối đầu Trung - Mỹ, cuộc đối đầu kéo dài 20 năm kể từ sau chiến tranh Triều Tiên.
Do đó, hướng tới quan hệ Trung - Mỹ 45 năm tới, tức là Trung Quốc và Mỹ sẽ không tiếp tục rơi vào một cuộc đối đầu, càng không xảy ra chiến tranh vì cuộc khủng hoảng bán đảo Triều Tiên.
Bởi vì, Trung Quốc và Mỹ đã đạt được 3 đồng thuận trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên: Thứ nhất là phi hạt nhân hóa, đây là đồng thuận mang tính “áp đảo”, yêu cầu Triều Tiên phải từ bỏ phát triển vũ khí hạt nhân. Còn dùng cách thức nào để thực hiện mục tiêu này là một chuyện khác.
Thứ hai là Trung Quốc và Mỹ hợp tác thực hiện mục tiêu trên, nhất là thông qua Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Nói cách khác, nếu Triều Tiên tiếp tục tiến hành phát triển hạt nhân và tên lửa thì gia tăng trừng phạt là điều tất yếu.
Thứ ba là Trung Quốc và Mỹ đều ý thức được tính nguy hiểm của tình hình bán đảo Triều Tiên. Vấn đề hạt nhân Triều Tiên rơi vào bế tắc, Trung Quốc và Mỹ không để mất cơ hội, tiến hành thúc đẩy hợp tác, chủ động phá vỡ cục diện này.
“Cây gậy lớn ở trong tay, lời nói ôn hòa ở cửa miệng”. Một sự chuyển hướng đáng chú ý khác là, khi thăm Trung Quốc gần đây, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói rằng mục tiêu của Mỹ là thực hiện phi hạt nhân hóa, chứ không phải là lật đổ chính quyền Triều Tiên.
Ông Rex Tillerson đã chia tách vũ khí hạt nhân với chính quyền Triều Tiên ra, ám chỉ đem lại một cơ hội xuống thang cho nhà lãnh đạo Triều Tiêm Kim Jong-ul, kết thúc phát triển hạt nhân để “đổi lấy chính quyền”.
So với thái độ cứng rắn “lật đổ chính quyền Triều Tiên” của chính phủ Mỹ trước đây, thái độ của ông Rex Tillerson có thể thấy rõ được khả năng hòa giải của Trung Quốc.
Hơn nữa, trong chuyến thăm Hàn Quốc vừa qua của ông Vũ Đại Vĩ, Trưởng đoàn đàm phán Trung Quốc về vấn đề hạt nhân Triều Tiên, hai nước Trung Quốc và Hàn Quốc đã đạt được đồng thuận, đó là nếu Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân lần thứ sáu hoặc phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thì sẽ gia tăng các biện pháp trừng phạt có hiệu quả.
Trước sau cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ vừa qua, Trung Quốc, Hàn Quốc và Mỹ thông qua “hành động tập trung”, đã vạch ra một “giới hạn đỏ” thống nhất cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên, hình thành thế bao vây.
Như vậy, Triều Tiên phản ứng ra sao? Ngoài tiếp tục tuyên bố mạnh mẽ về sẵn sàng cho chiến tranh, trong kỳ họp lần thứ 5 của Hội nghị nhân dân tối cao khóa 13 tổ chức ngày 11/4, Triều Tiên bất ngờ quyết định khôi phục Ủy ban Đối ngoại, do ông Ri Su-yong làm chủ tịch.
Khi bóng đen “không chiến” bao trùm trên bán đảo Triều Tiên, tín hiệu từ việc lập lại Ủy ban Đối ngoại của Triều Tiên không cần nói cũng biết.
Đối với ông Ri Su-yong, vai trò “Chủ tịch” ủy ban này không hề dễ làm. Nhưng đối với tình hình bán đảo, ông Ri Su-yong được trọng dụng cũng là việc tốt. Quan chức ngoại giao còn làm việc thì binh sĩ chưa cần ra chiến trường.
Chắc chắn, Chủ tịch Ri Su-yong sẽ triển khai các hoạt động ngoại giao, ngoài Trung Quốc và Nga, khâu đột phá sẽ có thể là các nước Đông Nam Á. Vài ngày trước, Triều Tiên đã viết thư cho Ban Thư ký ASEAN để “cứu viện”, nhưng ASEAN không phải là “bên đương sự” của vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Một người biết sợ sẽ đưa ra hành động thỏa hiệp để tự bảo vệ mình. Lần này, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-ul có thể đã thực sự sợ hãi – nhà nghiên cứu Tôn Hưng Kiệt kết luận.