Theo đó, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sẽ chào bán cả lô hơn 46 triệu cổ phiếu của CTCP FPT (FPT). Việc SCIC thoái vốn tại FPT đã được lên kế hoạch cách đây 3 năm.
Với giá khởi điểm 49.400 đồng/cổ phần, nếu phiên đấu giá thành công, SCIC dự kiến sẽ thu về tối thiểu 2.273 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, buổi đấu giá sẽ được tổ chức vào ngày 7/8/2020 tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE). Thời gian đăng ký và nộp tiền cọc từ ngày 31/7/2020 đến 16h00 6/8/2020, thời gian nộp phiếu tham dự đấu giá từ 9h00 đến 14h00 ngày 7/8/2020.
Tính theo giá đóng cửa ngày 13/7 của cổ phiếu FPT là 48.650 đồng/cp, quy mô vốn hóa thị trường của doanh nghiệp dẫn đầu về công nghệ tại Việt Nam đạt hơn 38.000 tỷ đồng.
Thành lập từ năm 1988, FPT tiền thân là Công ty Công nghệ Thực phẩm. Năm 2002, công ty cổ phần hóa với tên gọi CTCP Phát triển Đầu tư Công nghệ FPT. Năm 2006, doanh nghiệp này chính thức niêm yết trên sàn HoSE. Hiện nay, doanh nghiệp này chủ yếu kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ, giáo dục và viễn thông.
Về cơ cấu cổ đông của FPT, SCIC hiện đang là cổ đông lớn với tỷ lệ sở hữu 5,87%. Ông Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT FPT – sở hữu 7,08% vốn điều lệ. Bên cạnh đó, FPT đã kín “room” ngoại khi nhóm nhà đầu tư nước ngoài hiện sở hữu hơn 384 triệu cổ phần, tương đương tỷ lệ sở hữu 49%.
Tính đến ngày 31/3/2020, tổng tài sản của FPT đạt 34.416 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 17.627 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh, 5 tháng đầu năm 2020, doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế của FPT lần lượt đạt 11.199 tỷ đồng và 1.993 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng trưởng 12,4% và 16% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành lần lượt 34,5% và 36% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.655 tỷ đồng, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Năm 2020, FPT dự kiến chi trả cổ tức bằng tiền mặt và cổ phiếu năm 2019 lần lượt là 20% và 15%. Đồng thời, FPT đặt kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2020 là 20%./.