Ấn Độ: kiên quyết giữ vững hiện trạng biên giới, tìm kiếm giải pháp hòa bình
Trang tin Hoa ngữ Creaders ngày 27/5 đưa tin, sau các cuộc ẩu đả, ném đá quy mô lớn giữa các lực lượng Ấn Độ và Trung Quốc vào ngày 5 và 9/5 tại hồ Bangong và đường kiểm soát thực tế (LAC) ở khu vực Sikkim, cuộc đàm phán giữa hai bên đã tan vỡ và Trung Quốc đưa thêm 5.000 quân đến 4 - 5 điểm đối đầu xung đột ở hồ Pangong Ladakh, Dimjoko và Gallewan Valley.
Do căng thẳng ở biên giới Trung-Ấn, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, hôm 26/5 đã triệu tập Cố vấn an ninh quốc gia Ajit Doval, Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh và Tham mưu trưởng quân đội Bipin Rawat, tổ chức Hội nghị an ninh quốc gia cấp cao để thảo luận về tình hình kiểm soát thực tế trên biên giới Trung Quốc-Ấn Độ.
Theo Google Map, thung lũng Gallowan hai bên đang tranh chấp nằm trong lãnh thổ Ấn Độ (Ảnh: Đa Chiều)
|
Tại hội nghị, những người tham gia đã xác nhận quân đội Trung Quốc đã xâm nhập sâu từ 3 đến 5 km lãnh thổ do Ấn Độ xác định. Ấn Độ kiên quyết bảo vệ lợi ích của mình, từ chối thay đổi hiện trạng do PLA áp đặt và sẽ đối mặt với những thách thức của Trung Quốc với sức mạnh và sự tự kiềm chế, giao Cố vấn An ninh Quốc gia Doval và Bộ trưởng Quốc phòng Singh theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình.
Ngoài ra, để đối phó với các lực lượng Trung Quốc, Quân đội Ấn Độ cũng đã triển khai ba trung đoàn bộ binh đóng tại Ladakh (mỗi trung đoàn bộ binh có khoảng 1.000 đến 1.200 quân) để ố trí tại các điểm xảy ra xung đột.
Tuy nhiên, các quan chức Ấn Độ nhấn mạnh rằng Ấn Độ đang tìm kiếm giải quyết cuộc khủng hoảng qua con đường chính trị và ngoại giao.
Do Trung Quốc đang diễn ra kỳ họp thứ 3 của Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) lần thứ 13, nên dự kiến các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và Ấn Độ thông qua kênh ngoại giao sẽ phải chờ đến sau khi phiên họp kết thúc.
Hồ Bangong nơi hai bên đang xảy ra tranh chấp gay gắt (Ảnh: Đa Chiều)
|
Các quan chức an ninh Ấn Độ nói, hành động chủ yếu của PLA là ngăn Ấn Độ hoàn thành việc xây dựng con đường ở Ladakh Dabuk đến Taubedi; trong đó quan trọng nhất là Ấn Độ đang xây dựng một cây cầu ở Taubedi; Với việc hoàn thành cơ sở hạ tầng cầu đường nói trên, Ấn Độ sẽ có lợi thế.
Sau khi bùng nổ cuộc xung đột biên giới quân đội Trung-Ấn, Ấn Độ đã tuyên bố rõ, họ sẽ không dừng thi công bất kỳ công trình nào hiện đang tiến hành nằm bên phía Ấn Độ của đường kiểm soát thực tế (LAC).
Trung Quốc: tăng quân, chuẩn bị tình huống chiến tranh
Trong khi đó, ngày 27/5 khi được hỏi về thông tin Trung Quốc và Ấn Độ đã tăng quân xung quanh khu vực đối đầu, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói “tình hình hiện tại ở biên giới Trung-Ấn nói chung là ổn định và có thể kiểm soát”. Triệu Lập Kiên không phủ nhận việc Trung Quốc đã tăng quân.
Binh lính hai bên đối đầu ven hồ Bangong (Ảnh: Đa Chiều)
|
Triệu Lập Kiên cũng nói, giữa Trung Quốc và Ấn Độ có cơ chế và kênh liên lạc hoàn chỉnh liên quan đến biên giới và cả hai bên đều có khả năng giải quyết đúng đắn các vấn đề liên quan thông qua đối thoại và hiệp thương. Ông nhấn mạnh “lập trường của Trung Quốc về vấn đề biên giới là nhất quán và rõ ràng, luôn thực hiện nghiêm túc sự đồng thuận đạt được giữa các nhà lãnh đạo hai nước và tuân thủ nghiêm ngặt thỏa thuận đã ký, duy trì chủ quyền và an ninh quốc gia, giữ hòa bình và ổn định biên giới Trung-Ấn”.
Trang tin Hoa ngữ Đa Chiều ngày 27/5 lưu ý, về vấn đề chủ quyền và an ninh quốc gia bao gồm tranh chấp lãnh thổ biên giới Trung-Ấn, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 26/5 phát biểu khi tham dự thảo luận với đoàn đại biểu PLA và Cảnh sát Vũ trang đã nói: "Chúng ta phải kiên trì tư duy giới hạn cuối cùng, tăng cường công tác luyện binh toàn diện, chuẩn bị chiến tranh, kịp thời đối phó hiệu quả với các tình huống phức tạp khác nhau; kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh, lợi ích phát triển và duy trì sự ổn định chiến lược chung của đất nước”.
Các xuồng chiến đấu thuộc "Hạm đội Biển Tây" Trung Quốc trên hồ Bangong (Ảnh: Đa Chiều)
|
Theo Đa Chiều, cái gọi là "tư duy giới hạn cuối cùng" có nghĩa là những người ra quyết sách sẽ cẩn thận tính toán rủi ro, đánh giá tình huống xấu nhất có thể xảy ra và chấp nhận tình huống này. Đối với tranh chấp biên giới Trung-Ấn, trường hợp xấu nhất là xảy ra xung đột quy mô nhỏ, thậm chí dẫn đến cuộc chiến tranh biên giới Trung-Ấn. Trung Quốc và Ấn Độ đã từng xảy ra kịch chiến về vấn đề biên giới năm 1962.
Đa Chiều cho biết, theo thông tin của kênh Quân sự, Đài truyền hình Trung ương (CCTV) Trung Quốc, lực lượng PLA tại cao nguyên Thanh Hải - Tây Tạng gần đây đã tích cực huấn luyện tác chiến rừng núi và được trang bị nhiều loại phương tiện quân sự mới như: xe tăng hạng nhẹ ZTQ-15 - được gọi là xe tăng chiến đấu hạng nhẹ tiên tiến nhất thế giới, lựu pháo PLC-181 cỡ 155 mm gắn trên xe. Ngoài ra, theo ảnh vệ tinh, Trung Quốc đã mở rộng sân bay Gunsa ở Ngali, nơi gần nhất với Ấn Độ và đưa tới đây các máy bay chiến đấu hạng nặng.
Pháo tự hành bánh hơi của Trung Quốc được cho là đưa đến khu vực tranh chấp ở thung lũng Gallowan (Ảnh: Đa Chiều).
|
Ngày 26/5, một video về việc triển khai xe bọc thép của PLA trên cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng được CCTV phát đã gây ra tranh luận sôi nổi. Video cho thấy một số lượng lớn xe bọc thép đang di chuyển bao gồm nhiều dàn pháo phản lực đa nòng, và pháo tự hành bánh hơi. Mặc dù địa điểm cụ thể chưa được biết, nhưng được cho là để đối phó với cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Ấn Độ tại Thung lũng Gallowan.
Theo một thông báo trước đó của quân đội Trung Quốc, kể từ đầu tháng 5, “quân đội Ấn Độ đã vượt qua đường phân tuyến trong Thung lũng Gallevan để vào lãnh thổ Trung Quốc, xây dựng các hàng rào và ngăn chặn hoạt động tuần tra bình thường của PLA”, "cố tình gây ra căng thẳng và cố gắng đơn phương thay đổi hiện trạng kiểm soát biên giới”. Bắc Kinh nói, PLA “đã thực hiện các biện pháp cần thiết để tăng cường đối phó tại chỗ và kiểm soát biên giới”. Trong khi đó, các cơ quan truyền thông Ấn Độ nói rằng Trung Quốc đã dựng ở hiện trường trong đất Ấn Độ 40 đến 50 lều bạt, Ấn Độ cũng đã đưa thêm quân tăng viện.
Về tình hình căng thẳng ở biên giới Trung - Ấn hiện nay, giới quan sát Trung Quốc cho rằng do Trung Quốc bị áp lực quốc tế ngày càng tăng và căng thẳng cao độ ở eo biển Đài Loan, Ấn Độ nhận thấy hoàn cảnh quốc tế đang có lợi cho họ, cho rằng đây là thời cơ chiến lược nên định ép Trung Quốc thừa nhận hiện trạng của biên giới Trung-Ấn, xúc tiến lấn chiếm lãnh thổ Trung Quốc.
Trung Quốc đưa các máy bay chiến đấu hạng nặng đến sân bay Gunsa ở gần Ấn Độ nhất (Ảnh: Đa Chiều)
|
Trong khi đó, ngày 20/5, các quan chức cấp cao của Mỹ đã công khai ủng hộ Ấn Độ, cáo buộc Trung Quốc lợi dụng cuộc xung đột để thay đổi hiện trạng biên giới Trung-Ấn.
Ngày 27/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Mỹ đã thông báo cho Ấn Độ và Trung Quốc biết, Mỹ chuẩn bị và sẵn sàng hòa giải tranh chấp biên giới giữa hai nước.
Theo hãng thông tấn Sputnik Nga hôm 27/5, ông Trump viết trên Twitter: "Chúng tôi đã thông báo cho Ấn Độ và Trung Quốc rằng Hoa Kỳ đã sẵn sàng, mong muốn và có thể hòa giải hoặc làm trọng tài phân xử cuộc tranh chấp biên giới khốc liệt hiện nay giữa họ. Xin cám ơn!"
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu