Trận chiến Syria: Hàng trăm chiến binh nổi dậy quy hàng, xin gia nhập quân đội chính phủ

VietTimes – Ngày 05.01.2016, theo hãng tin Iran Alalam.ir. Hơn 200 chiến binh nổi loạn từ một số ngôi làng ngoại ô phía tây nam thủ đô Damascus, đã nộp vũ khí đầu hàng và xin gia nhập hàng ngũ quân đội Syria.
Chiến binh nổi loạn giao nộp vũ khí đầu hàng ở vùng ngoại ô Damascus
Chiến binh nổi loạn giao nộp vũ khí đầu hàng ở vùng ngoại ô Damascus

Ông Mou'men Jarida, Chủ tịch Ủy ban Hòa giải địa phương tại các vùng nông thôn của Damascus và Dara'a Các chiến binh từ các làng Beit Saber, Beit Tima, Saasaa al-Gharbiyeh, Hassno và Kafar Hour đã giao nộp vũ khí cá nhân cho chính quyền địa phương và cam kết không tham gia vào bất kỳ hành động nào có thể gây tổn hại cho an ninh mới của quê hương.

Ông Jarida nhấn mạnh rằng quá trình hòa giải ở địa phương sẽ được thực hiện trên phần phía nam và phía tây tỉnh Quneitra và phía nam của tỉnh Dara'a.

Những động thái tích cực này là một phần kết quả chính sách của chính phủ Syria nhằm thúc đẩy đối thoại chính trị hòa bình ở Syria để giải quyết cuộc khủng hoảng vũ trang trong nước. Các cơ quan hòa giải địa phương dự kiến sẽ có khoảng 1.200 chiến binh hạ súng đầu hàng và tham gia vào tiến trình hòa giải dân tộc.

Theo Bộ Tư pháp, tình trạng pháp lý của 4.746 cựu chiến binh đã được giải quyết trong năm 2016 trong khuôn khổ chương trình hòa giải dân tộc và khôi phục lại hoạt động của các tổ chức, cơ quan nhà nước trên những vùng nông thôn ngoại ô Damascus.

Trong những tuần gần đây, hàng trăm chiến binh đã giao nộp vũ khí đầu hàng tại nhiều khu vực khác nhau để được hưởng các quy chế của luật ân xá, được tổng thống Syria Bashar al-Assad ban hành năm 2016 dựa trên nghị định cùng tên, hướng tới mục đích ân xá những người buông súng ngừng tham gia vào các cuộc xung đột vũ trang với lực lượng vũ trang quân đội Syria.

Những kết quả mới đáng khích lệ trong tiến trình hòa giải dân tộc diễn ra khi lệnh ngừng bắn toàn quốc ở Syria được ban hành và có hiệu lực ngày 30.12. 2016, xuất phát từ cuộc đàm phán về thúc đẩy hòa bình ở giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong cuộc đàm phán mang tính lịch sử này, Nga đại diện cho chính quyền hiện hành của Syria còn Thổ Nhĩ Kỳ đã và đang hậu thuẫn cho các nhóm chiến binh ủng hộ việc lật đổ Assad, đại diện đàm phán cho lực lượng này. Thỏa thuận ngừng bắn sau đó đã được phê chuẩn bằng nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ.

Một thỏa thuận về ngừng bắn tương tự cũng đạt được giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng 12/2016 và đưa ra một lệnh ngừng bắn phù hợp tại thành phố Aleppo.

Chiến dịch giải phóng Aleppo khỏi các nhóm chiến binh thánh chiến đã giáng một đòn chí mạng vào tinh thần và ý chí của các tổ chức cực đoan nổi dậy, được sự hậu thuẫn cả về tài chính, vũ khí trang bị và thậm chí nhân lực từ các quốc gia nước ngoài.

Chính quyền Syria và các phe phái đối lập đang được vận động tham dự các vòng đàm phán hòa bình ở thủ đô Astana, Kazakhstan thông qua trung gian là Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Chưa có thông tin chính xác về thời gian bắt đầu tiến trình đàm phán hòa bình giữa các phe phái ở Syria. 

Một nhóm chiến binh phất cao cờ Syria trước khi đi giao nộp vũ khí đầu hàng chính quyền địa phương để hưởng luật ân xá, trở về cuộc sống hòa bình

NT