Không còn nói suông, Mỹ trong tuần này đã điều máy bay hiện đại P8-A Poseidon đi tuần tra gần những đảo nói trên - một động thái không chỉ thể hiện sự bác bỏ mạnh mẽ nhất cho đến nay đối với tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở biển Đông mà còn báo hiệu Washington sẵn sàng bảo vệ quyền tự do hàng hải của các đồng minh, đối tác ở khu vực.
Chưa hết, với việc lần đầu công bố hình ảnh về hoạt động tuần tra nói trên cũng như cho phép phóng viên đài CNN lên máy bay, Lầu Năm Góc rõ ràng muốn cả thế giới nhìn thấy sự sai trái của Bắc Kinh.
Không khó để dự đoán phản ứng cứng rắn trên sẽ đẩy quan hệ Mỹ - Trung bước vào giai đoạn căng thẳng mới, thậm chí dẫn đến nguy cơ xung đột như lo ngại của một số nhà phân tích. Theo Jonathan Manthorpe, phóng viên quốc tế kỳ cựu với gần 40 năm kinh nghiệm, không loại trừ khả năng Trung Quốc vẫn tăng tốc xây đảo. Vấn đề này có thể sẽ bao trùm diễn đàn an ninh thường niên Đối thoại Shangri-La tại Singapore vào cuối tuần tới.
“Phái đoàn Trung Quốc đến đây có tới 30 người và bao gồm nhiều quan chức cấp cao hơn thường lệ. Dẫn đầu đoàn là Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc” - ông Manthorpe viết trên trang iPolitics.
Máy bay do thám P-8A Poseidon của Mỹ ghi nhận hoạt động cải tạo đất trái phép của Trung Quốc ở biển Đông hôm 20-5. (Ảnh: US NAVY)
“Dù các nhà lãnh đạo ở Washington muốn Bắc Kinh là một đối tác mạnh mẽ, giới chức Mỹ cũng quyết tâm không cho phép Trung Quốc gây tổn hại cho an ninh khu vực bằng cách dọa nạt các nước nhỏ và đẩy Mỹ ra khỏi đó… Sự hung hăng của Bắc Kinh ở Đông Á là nguyên nhân khiến Washington thay đổi hẳn thái độ. Đối với các nhà hoạch định chính sách Mỹ, câu hỏi lúc này không còn là có nên đáp trả hay không mà là đáp trả như thế nào” - 2 nhà nghiên cứu Zack Cooper và Mira Rapp-Hooper của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), trụ sở ở Mỹ, viết trên trang War on the Rocks.
Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và Đô đốc Harry Harris, người sẽ trở thành Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương vào cuối tháng này, được xem là những nhân vật đứng sau chính sách cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh. Ông Kurt Campbell, cựu trợ lý ngoại trưởng Mỹ, nhận định sự kết hợp của bộ đôi này đã gia tăng sức nặng đối với việc Mỹ nên làm gì để bảo đảm tự do hàng hải ở biển Đông.
“Cách đây 18 tháng, không có sự đồng thuận nào bên trong chính quyền (Tổng thống Barack Obama) về nguyên nhân gốc rễ của những căng thẳng ở biển Đông. Giờ đây, đã có sự đồng thuận về việc phải làm điều gì đó” - ông Mike Green, cựu Giám đốc đặc trách các vấn đề châu Á tại Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, nói với báo The Australian (Úc).
Các lãnh đạo của 2 đảng Dân chủ, Cộng hòa ở quốc hội Mỹ cũng có được tiếng nói chung hiếm hoi trong việc kêu gọi chính quyền ông Obama bắt Trung Quốc “trả giá thật sự” cho những hành động ở biển Đông. Nhằm tăng sức ép lên Bắc Kinh, phiên bản dự luật ủy quyền quốc phòng 2016 của Thượng viện Mỹ lần đầu tiên đề cập đến “Sáng kiến biển Đông”. Theo đó, Washington sẽ dành 50-100 triệu USD để giúp các đồng minh, đối tác ở khu vực tăng cường sức mạnh phòng vệ.
Ngoài ra, một nhóm thượng nghị sĩ Mỹ còn kêu gọi Nhà Trắng có những biện pháp cụ thể để buộc Trung Quốc giảm tốc độ hoặc ngưng hẳn hoạt động cải tạo đất, kể cả cân nhắc biện pháp quân sự. “Đó sẽ là động thái đúng đắn. Mỹ càng chần chừ thì Trung Quốc càng hung hăng trong việc theo đuổi yêu sách chủ quyền trên biển Đông” - báo The Wall Street Journal đúc kết.
Theo: Dân Trí