Tổng thống Rodrigo Duterte đang chuyển hướng chính sách ngoại giao?

Ông Thompson nói rằng nhiều người từ lâu đã viết trên các tờ báo Manila thúc đẩy một lập trường dân tộc và chống Mỹ.
Ông Rodrigo Duterte.
Ông Rodrigo Duterte.

Các nhà phân tích chính trị và các bình luận gia tại Philippines nói Tổng thống Rodrigo Duterte đang chuyển hướng chính sách ngoại giao về phía lập trường dân tộc nhiều hơn, đánh dấu một sự chuyển hướng so với các nhà lãnh đạo gần đây của Philippines.

Chứng cứ mới nhất về khuynh hướng này là bài diễn văn đọc trước các công chức ngày hôm qua khi ông Duterte kêu gọi Hoa Kỳ rút các cố vấn quân sự Mỹ ra khỏi miền nam đảo Mindanao nơi quân đội Philippines đang chiến đấu chống lại các phần tử nổi dậy Hồi giáo. 

Lực lượng đặc biệt Mỹ có mặt tại vùng này để giúp những cuộc hành quân chống khủng bố kể từ năm 2002.

Ông Duterte nói “chừng nào mà chúng ta còn đứng về phía Hoa Kỳ, chúng ta sẽ không bao giờ có hòa bình tại Mindanao. Chúng ta có thể phải bỏ cuộc.”

Ông nói từ lâu ông muốn duyệt xét lại chính sách ngoại giao, nhưng ông không thể làm được vì ông “không muốn gây ra sự bất hòa với Hoa Kỳ. Nhưng các binh sĩ Mỹ phải ra đi.”

Ông cảnh báo là nếu người Mỹ có mặt trong vùng họ sẽ bị bắt làm con tin hay bị giết. Trong khi đọc diễn văn, ông Duterte đưa cao những bức ảnh và những báo cáo về việc các binh sĩ Mỹ vào năm 1906 bị cáo buộc tàn sát những người Hồi giáo trong một vụ nổi dậy chống lại sự cai trị của người Mỹ.
 
Tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo châu Á trong tuần qua ở Lào, ông Duterte chuyển hướng bài diễn văn soạn sẵn của ông chú trọng đến Biển Đông để đề cập đến các vụ giết hại trong thời kỳ thuộc địa. 

Một cuộc họp được dự trù giữa Tổng thống Barack Obama và ông Duterte tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN đã bị hủy bỏ sau khi ông Duterte gọi ông Obama bằng cụm từ xúc phạm.

Chính quyền Duterte đã tìm cách làm dịu sự căng thẳng đối với Trung Quốc qua những cuộc thảo luận về tranh chấp tại Biển Đông. Chính quyền của tổng thống Benigno Aquino trước đây đã đưa vụ tranh chấp ra trước Tòa án trọng tài quốc tế The Hague.

Philippines và Hoa Kỳ đã củng cố các mối quan hệ quân sự trong những năm gần đây khi căng thẳng về Biển Đông trong vùng tăng cao. Vào năm 2014, hai nước ký một thỏa thuận quân sự 10 năm. 

Và vào tháng 3 năm nay, trước khi ông Duterte đắc cử tổng thống, Hoa Kỳ và Philippines đã ký một hiệp ước mở đường cho sự hiện diện quân sự thường trực mới của quân đội Mỹ, trong đó có một căn cứ tại Mindanao, trung tâm nổi dậy kéo dài từ lâu của người Hồi giáo.

Hoa Kỳ cũng cùng với các nước khác và Liên Hiệp Quốc chỉ trích chính sách chiến tranh ma túy của ông Duterte làm hàng trăm người thiệt mạng trong những vụ giết hại không đưa ra tòa án xét xử.

Ông Carl Thayer, một nhà phân tích quốc phòng thuộc Trường đại học New South Wales, nói Lực lượng Đặc biệt Mỹ tại miền nam Philippines đã cung cấp tin tức tình báo và huấn luyện chiến thuật cho quân đội Philippines nhưng chỉ đóng một vai trò thứ yếu.

Giáo sư Thayer nói “Hoa Kỳ có thể lo ngại là khủng bố có thể sống lại, nhưng bạn ít có thể làm gì được, và khi tổng thống yêu cầu bạn ra đi, bạn phải ra đi vì Hoa Kỳ không có sự lựa chọn nào khác. Việc này có thể đe dọa toàn thể vị thế tại Philippines.”

Cho đến nay không có dấu hiệu nào cho thấy ông Duterte quan tâm đến việc hủy bỏ thỏa thuận quốc phòng Hoa Kỳ-Philippines. Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Perfecto Yasay và các nhà lãnh đạo quân đội cao cấp Philippines nói nhận xét của ông Duterte không phải là một dấu hiệu cho thấy những thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và Philippines sẽ bị hủy bỏ.

Hôm thứ Hai, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói ông đã thấy được những bản tin về nhận xét của ông Duterte, nhưng chưa nhận được những yêu cầu chính thức rút các lực lượng Mỹ ra khỏi những hoạt động chống khủng bố.

Trong khi đó các giới chức Mỹ nói Washington vẫn cam kết với liên minh đã có từ lâu với Philippines, trong đó có cuộc chiến đấu chống lại các tổ chức khủng bố.

Tuy nhiên theo như báo The Manila Times một số nhà bình luận tại Philippines hoan nghênh “việc tách khỏi sự phụ thuộc và quỵ lụy vào Hoa Kỳ.” Bài bình luận của báo The Manila Times viết thêm “Nếu Philippines đứng về phía Hoa Kỳ thì sẽ có nguy cơ bị lôi kéo vào sự đối đầu ngày càng tăng giữa các cường quốc, với hậu quả là gây nguy hiểm trầm trọng cho những quyền lợi quốc gia và người dân Philippines.

Giáo sư chính trị học Dennis Quilala thuộc trường đại học Philippines nói lập trường của ông Duterte đánh dấu một sự chuyển hướng đối với những chính quyền trước.

Phát ngôn viên của Tổng thống Philippines ông Ernesto Abella nói với truyền thông địa phương là nhận xét mới nhất của ông Duterte phản ánh khuynh hướng mới của chính phủ về phía một chính sách ngoại giao độc lập hơn.

Ông Mark Thompson, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á (SEARC) tại trường đại học Hong Kong được VOA dẫn lời nói rằng ông Duterte đang theo đuổi “một lập trường dân tộc” chưa từng có trong các chính quyền Philippines trước đây. 

Ông Thompson nói nhiều người từ lâu đã viết trên các tờ báo Manila thúc đẩy một lập trường dân tộc và chống Mỹ.