Ngày 2/1 theo giờ địa phương, các cuộc biểu tình quy mô lớn đã nổ ra tại một số khu vực của Kazakhstan do giá khí đốt tự nhiên tăng nhanh, khiến tình trạng bất ổn trên toàn quốc nhanh chóng leo thang. Do tình hình rối ren, Tổng thống Kazakhstan Tokayev đã yêu cầu các nước thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể Cộng đồng các quốc gia độc lập (CSTO) cử lực lượng gìn giữ hòa bình đến giúp đỡ.
Sau nhiều ngày xảy ra bạo loạn, tình hình trong nước ở Kazakhstan đã dần ổn định, theo tin của Hãng thông tấn Sputnik, TASS và Reuters ngày 10/1, lãnh đạo các nước thành viên CSTO đã tổ chức một cuộc họp trực tuyến, cùng nhau thảo luận về tình hình hiện tại ở Kazakhstan.
Tổng thư ký CSTO Stanislav Zas tham dự cuộc họp (Ảnh: Reuters). |
Trong một cuộc hội nghị trực tuyến này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cho rằng tình trạng bất ổn bạo lực ở Kazakhstan là do các thế lực trong và ngoài nước phá hoại, đồng thời nhấn mạnh rằng liên minh quân sự CSTO do Nga đứng đầu, sẽ quyết không bao giờ cho phép chính phủ các quốc gia thành viên bị lật đổ bởi cái gọi là “cách mạng màu”.
Theo Hãng thông tấn Sputnik của Nga, theo đề xuất của Tổng thống Kazakhstan Tokayev, Hội đồng Tổ chức Hiệp ước tập thể CSTO đã tổ chức một cuộc họp đặc biệt qua truyền hình vào ngày 10/1 để thảo luận về tình hình Kazakhstan và các biện pháp để bình thường hóa. Hội nghị diễn ra với sự chủ trì của Chủ tịch luân phiên CSTO, Thủ tướng Armenia Pashinyan; các nhà lãnh đạo các nước thành viên gồm Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Belarus Lukashenko, Tổng thống Kazakhstan Tokayev, Thủ tướng Kyrgyzstan Akerbek Zaparov, Tổng thống Tajikistan Rahmon và Tổng thư ký CSTO Stanislav Zas đã tham dự cuộc họp.
Hãng tin Anh Reuters đưa tin, Tổng thống Kazakhstan Tokayev phát biểu tại hội nghị, nói trật tự trong nước Kazakhstan đã được khôi phục, nhưng việc săn lùng những kẻ khủng bố vẫn tiếp tục. Ông cũng cảm ơn Nga và Armenia đã nỗ lực trong việc gửi quân tới.
Lực lượng gìn giữ hòa bình của CSTO triển khai ở Kazakhstan (Ảnh: AP). |
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu sau đó, ca ngợi “sự dũng cảm” của Tổng thống Kazakhstan Tokayev. Ông nói, các quốc gia thành viên CSTO cử lực lượng gìn giữ hòa bình tới Kazakhstan là để ngăn chặn các phần tử vũ trang phá hoại cơ sở quyền lực của đất nước này.
"Tất nhiên, chúng ta biết rằng những gì đã xảy ra ở Kazakhstan không phải là lần đầu tiên và còn lâu mới là lần cuối cùng mà các thế lực bên ngoài âm mưu can thiệp vào công việc nội bộ của các nước chúng ta". Ông Putin nói: “Biện pháp mà Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể CSTO áp dụng thể hiện rõ rằng chúng ta sẽ không cho phép tình hình trong nước các quốc gia thành viên xáo trộn và cũng không cho phép cái gọi là 'cuộc cách mạng màu' xảy ra.”
Reuters giải thích rằng "cuộc cách mạng màu" mà ông Putin nói đến ở đây là ám chỉ các cuộc bạo loạn xảy ra ở các nước cộng hòa thành viên thuộc Liên Xô cũ trong hơn 20 năm qua.
Ông Putin cho rằng, tình hình bất ổn trong nước ở Kazakhstan đã khiến an ninh, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước này bị đe dọa nghiêm trọng. Tình trạng bất ổn không phải do các cuộc biểu tình tự phát chống lại giá nhiên liệu ở Kazakhstan, mà do các lực lượng bên trong và bên ngoài lợi dụng phá hoại. Tình hình ở Kazakhstan liên quan đến tất cả các nước thành viên CSTO.
Lực lượng của CSTO triển khai bảo vệ các cơ sở trọng yếu của Kazakhstan (Ảnh: AP). |
Ông Putin cho biết, lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO sẽ được triển khai tại Kazakhstan trong một thời gian và sẽ rút khỏi Kazakhstan sau khi hoàn thành nhiệm vụ của họ. Ông nói: “Một khi nhiệm vụ hoàn thành và Tổng thống Tokayev cho rằng Kazakhstan không còn cần nữa, lực lượng gìn giữ hòa bình do CSTO cử đến sẽ lập tức triệt thoái khỏi Kazakhstan”.
Ông nhấn mạnh, hoạt động gìn giữ hòa bình chung này là kịp thời và hợp pháp, và CSTO đã thể hiện tiềm năng và khả năng phản ứng nhanh của mình trong thực tế. Ông Putin kêu gọi các quốc gia thành viên tiếp tục tăng cường phối hợp và cùng nhau chống lại sự can thiệp từ bên ngoài trong khuôn khổ công tác chống khủng bố và an ninh thông tin.
Ông Putin nói, lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO đã tiếp quản, đảm nhận việc bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng ở Kazakhstan, đảm bảo chính phủ Kazakhstan có thể kiểm soát, đồng thời tạo điều kiện cho các cơ quan thực thi pháp luật và an ninh Kazakhstan trực tiếp chống khủng bố, bảo vệ công dân và lập lại trật tự trong nước.
Binh sĩ Belarus trong lực lượng CSTO ở Kazakhstan (Ảnh: AP). |
Ông Putin nói, tình hình Kazakhstan hiện nay đang dần trở lại bình thường. Ông tin tưởng rằng thông qua những nỗ lực chung, tình hình Kazakhstan sẽ sớm được kiểm soát và ổn định, đồng thời đất nước sẽ khôi phục lại hòa bình và yên ổn.
Ông Putin chỉ ra rằng, sau tình hình hỗn loạn ở Kazakhstan, CSTO đã chứng tỏ tiềm năng và năng lực của mình bằng các biện pháp nhanh chóng và hiệu quả. Tất cả các quốc gia thành viên đã đóng góp vào các nhiệm vụ của quân đội trong tổ chức, điều này cho thấy CSTO đã đạt được thành quả tốt trong công việc lâu dài và tỉ mỉ trong các hệ thống tổng hợp như việc thành lập lực lượng gìn giữ hòa bình tập thể.
Ông Putin cũng cho rằng Kazakhstan hiện đang phải nỗ lực để đối phó với chủ nghĩa khủng bố toàn cầu và tình hình nước này sẽ sớm ổn định trở lại. Đối với tương lai, ông Putin nhấn mạnh rằng Nga có kế hoạch tiếp tục ưu tiên tăng cường quan hệ với tất cả các nước thành viên CSTO.
Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) được thành lập vào năm 2002, tiền thân của nó là Hiệp ước An ninh Tập thể CIS được ký kết vào năm 1992. Tổ chức này hiện là một liên minh quân sự khu vực với 6 quốc gia thành viên: Nga, Belarus, Armenia, Kazakhstan, Tajikistan và Kyrgyzstan. Năm 2003, các quốc gia thành viên CSTO nhất trí quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Liên hợp và lực lượng phản ứng nhanh để đối phó với các mối đe dọa an ninh ở Trung Á.
Theo tin tức mới nhất từ AFP, mạng internet và thông tin liên lạc ở Almaty, thành phố lớn nhất và là thủ đô cũ của Kazakhstan, đã được khôi phục hoàn toàn. Bộ Y tế Kazakhstan ngày 9/1 cho biết 164 người đã thiệt mạng trong cuộc bạo loạn, trong đó có 103 người ở Almaty, gần 8.000 người đã bị bắt. Theo mệnh lệnh trước đó của Tổng thống Tokayev, tình trạng khẩn cấp trên toàn Kazakhstan sẽ tiếp tục cho đến ngày 19/1.
Tổng thống Kazakhstan Tokayev: lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO do Nga đứng đầu tại Kazakhstan sẽ sớm kết thúc hoạt động (Ảnh: AP). |
Sau khi lực lượng gìn giữ hòa bình do Nga dẫn đầu tiến vào Kazakhstan, Mỹ đã lên tiếng gièm pha. Vào ngày 7/1, Ngoại trưởng Antony Blinken nói, Mỹ nghi ngờ lý do thực sự của việc Kazakhstan yêu cầu CSTO gửi quân đến gìn giữ hòa bình, và tuyên bố một cách khiêu khích rằng kinh nghiệm của lịch sử hiện đại cho thấy rằng một khi người Nga đến, “đôi khi rất khó để họ rời đi”. Đáp lại, Bộ Ngoại giao Nga ngày 8/1 phản bác rằng một khi người Mỹ đến đâu, "người ở đó sẽ khó sống".
Theo tin tức của Reuters ngày 10/1, Tổng thống Kazakhstan Tokayev khẳng định cuộc bạo loạn ở Kazakhstan là một "âm mưu đảo chính không thành" (attempted coup d'etat – nguyên văn tiếng Pháp) và Kazakhstan sẽ "không bao giờ nổ súng vào những người biểu tình ôn hòa". Ngoài ra, hoạt động của lực lượng gìn giữ hòa bình do Nga dẫn đầu sẽ “kết thúc rất sớm”.