Báo của Pháp cho rằng ông Rodrigo Duterte đã vượt qua giới hạn mới trong việc chống đối lại Hoa Kỳ, đồng minh truyền thống và từng là quốc gia đô hộ Philippines đến tận năm 1946, để xích lại gần với Trung Quốc.
Tuy nhiên, chiến lược của con người khó đoán Duterte và chưa thành thạo trên trường quốc tế đang khiến cho cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc đều cảm thấy lúng túng.
Là một quốc gia nhỏ không có mấy trọng lượng về quân sự, nhưng Philippines trong vài tuần nay đang làm thay đổi cục diện bằng cách khai thác sự đối đầu giữa hai cường quốc Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Tuy nhiên, báo Pháp nói rằng cho đến lúc này cũng không ai đoán được ông Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đang thực sự muốn gì.
Dù gì đi nữa, Le Figaro nhận định rằng có điều chắc chắn là tân tổng thống Philippines đang đoạn tuyệt với chính sách đối ngoại mà người tiền nhiệm của mình ông Benigno Aquino III đã cố gắng xây dựng.
Cựu tổng thống Philippines Benigno Aquino III từng gắng hết sức tạo dựng được một mối quan hệ đặc quyền với Washington, mong muốn Hoa Kỳ đóng vai người bảo vệ trước sự hung hăng, ngang ngược ngày càng lớn của Bắc Kinh tại những vùng lãnh hải có tranh chấp ở Biển Đông.
Tuy nhiên, giờ đây, mối quan hệ đó đang bị lung lay. Chỉ trong vòng vài tuần, ông Duterte đã làm cả thế giới sửng sốt trước những phát ngôn thiếu văn hóa.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã thẳng thừng thóa mạ Tổng thống Mỹ Barack Obama, yêu cầu Washington rút hết các cố vấn quân sự khỏi miền nam nước này và đánh tiếng có thể sẽ mua vũ khí của Trung Quốc và Nga.
Theo nhận định của bà Sophie Boisseau du Rocher đến từ Trung Tâm Châu Á, thuộc IFRI, khi giữ khoảng cách với chính quyền Obama, ông Duterte muốn tìm cách thu hút cử tri dẫn đến rủi ro gây ra một sự xáo trộn với đồng minh chiến lược.
Bà Sophie Boisseau du Rocher cho rằng một bộ phận người dân Philippines đang tự hỏi xem là họ đã được lợi gì từ thời cai trị của đế quốc Mỹ và thời kỳ hậu đế quốc tiếp theo.
Trong khi đó, Trung Quốc cẩn trọng mở rộng tay với Philippines. Bắc Kinh cũng cảm thấy thực sự bất ngờ với thái độ thất thường của ông Duterte.
Điều này không phải không có cơ sở, với Trung Quốc, tổng thống Philippines khi có thái độ hòa dịu khi thì chỉ trích. Một trường hợp điển hình là ngay giữa cuộc họp thượng đỉnh ASEAN, ông Duterte không ngần ngại trưng bày các hình ảnh cho thấy các tàu Trung Quốc, được cho là đang tiến hành xây dựng một đảo nhân tạo mới tại bãi cạn Scarborough, nơi Philippines có đòi hỏi chủ quyền.
Thế rồi bỗng dưng, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lại lên tiếng công nhận không đủ sức để áp đặt Trung Quốc tuân thủ biên giới lãnh hải, đành phải chấp nhận thực tế và nhìn nhận là Trung Quốc có khả năng và ưu thế quân sự trong khu vực.
Dù thực sự có những dấu hiệu, cử chỉ hòa dịu đến từ Rodrigo Duterte, nhưng Trung Quốc vẫn có một cái nhìn cẩn trọng.
Một quan chức ngoại giao của Bắc Kinh từng tuyên bố rằng, mối quan hệ Trung Quốc – Philippines hiện đang bước vào một bước ngoặt mới, vốn cũng muốn tranh chấp được xử lý một cách thích hợp.
Trong một bài bình luận tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc lại cho rằng: “Với tính cách của Duterte, và những lời thóa mạ mà ông ấy có thể đưa ra với bất kỳ ai, không dễ gì sử dụng được ông ta".
Thời báo Hoàn Cầu khuyên Trung Quốc không nên nuôi ảo tưởng về Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.