Trong cuộc xâm chiếm Iraq, quân đội Mỹ từng có các trưởng bộ tộc sơn cước Iraq theo đạo Hồi dòng Sunni giúp đánh bọn khủng bố Al-Qaeda, nên trang tin Mỹ trên nêu Nga đang ráng “học một trang trong sách giáo khoa quân sự cũ của Mỹ”.
Faisal al-Asafi, một trưởng tộc Sunni ở tỉnh Anbar (Iraq) chống quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS, nói: “Nga nghiêm túc trong chuyện đánh IS và muốn kết thúc nội chiến Syria nhanh chóng, không như Mỹ ngồi ngó chúng di chuyển tự do từ Syria đến Anbar”.
Về việc Tổng thống Nga Putin liên minh với trưởng tộc Iraq chống khủng bố, hai quan chức Mỹ nói với Daily Beast, rằng họ đang nhìn thấy các dấu hiệu sớm, rằng Nga ráng tiếp cận các trưởng tộc ở Iraq, nhằm hỗ trợ cộng đồng Sunni thiểu số đánh IS đang “ngủ” trong cộng đồng này.
Một phần trong chiến dịch làm thân này, là Điện Kremlin cung cấp vũ khí cho các bộ tộc Sunni nhanh hơn Mỹ. Nga làm thế và hoàn toàn phớt lờ chính phủ Iraq thuộc cộng đồng Shiite đa số. Mỹ thì cung cấp khí tài và có thông qua Baghdad, nhằm tôn trọng chủ quyền của Iraq.
Hai quan chức Mỹ nói sự tiếp cận các trưởng tộc của Nga chưa có kết quả, vì đang trong giai đoạn “quyến rũ” các trưởng tộc.
Họ cũng nghi, rằng đó là một nỗ lực của ông Putin nhằm giảm tầm ảnh hưởng của Mỹ ở Trung Đông. Và nhất là để ông Putin tự giới thiệu là một đồng minh chống khủng bố đáng tin cậy.
Ví dụ từ vài tháng qua, có tin đồn rằng có thể Nga can thiệp quận sự trực tiếp vào Iraq, bên cạnh chuyện không kích khủng bố ở Syria từ tháng 10.
Hiện Mỹ và phương tây cáo buộc Nga chỉ đánh quân nổi dậy đòi lật đổ chế độ Tổng thống Syria Bashar Assad, chứ không đánh IS. Tuần qua, Anh còn chỉ trích Nga giúp IS tiến quân ở Syria, bằng cách tấn công quân nổi dậy.
Iraq ít ra vẫn tỏ bày trung thành với Mỹ, sau gần 10 năm bị Mỹ chiếm đóng, nhận sự huấn luyện cảnh sát và quân đội của “cố vấn” Mỹ.
Sa’ad al-Hadithi, người phát ngôn của chính phủ Iraq nói với Daily Beast, rằng Iraq kiên trì lập quan hệ cân bằng với tất cả quốc gia, tranh thủ mọi dạng hỗ trợ của bất kỳ khu vực nào, nước nào trong cuộc chiến chống khủng bố, cùng những thách thức mà Iraq đang phải đối diện khi chống IS.
Dù vậy, nhiều quan chức Iraq vẫn tin, rằng Nga là nhà môi giới trung thực hơn Mỹ.
Sa’ad al-Hadithi nói tiếp: “Chúng tôi đang hợp tác với Nga trong hai lĩnh vực. Thứ nhất là vũ khí, vì chúng tôi có hợp đồng với Nga. Họ thường xuyên gởi nhiều lô vũ khí, đạn dược và quân cụ. Thứ hai là chúng tôi chia sẻ tin tình báo với Nga, Iran và Syria”.
Dù không có sự hiện diện của Nga ở Khu Xanh (khu chính quyền Iraq ở Baghdad) các nguồn tin của Daily Beast cho biết, các quan chức tình báo, ngoại giao và quân sự Nga đang hiện diện tại 3 vị trí cần thiết cho an ninh của Iraq.
Vị trí thứ nhất gần Khu Khuld, nơi mà điệp viên Iraq chia sẻ tin tình báo với đồng nghiệp Nga, nhất là thông tin liên quan các chỉ huy IS.
Vị trí thứ hai là Trung tâm thông tin quốc gia do trung ướng Hussein Alasady chỉ huy. Nga cử một thiếu tướng làm sĩ quan liên lạc ở đây, theo các nguồn tin.
Vị trí thứ ba, là Nga có đại diện trong trụ sở của Tổng thư ký hội đồng bộ trưởng, trung tâm đầu não của mọi hoạt động an ninh quốc gia Iraq.
Cả 3 cơ quan này đều có đại diện của Vệ binh cách mạng Iran (IRGC) vốn chịu trách nhiệm trang bị vũ khí, huấn luyện quân Iraq. IRGC cũng chịu trách nhiệm chỉ huy cuộc chiến ở Iraq.
Tướng Soleimani (đeo khăn) với các chiến binh |
Hãng thông tấn FARS (Iran) đưa tin rằng tuần trước, chỉ huy Lực lượng Quds của IRGC là tướng Qassem Soleimani đã đến Moscow 3 ngày, hội đàm với ông Putin cùng các quan chức quân sự - an ninh Nga.
Ông Putin từng gọi “Bạn tôi Qassem”, khi có tin đồn tướng Soleimani chịu trách nhiệm giải cứu phi công Nga nhảy dù ở tây bắc Syria, sau khi chiếc máy bay ném bom Su-24 của Nga bị không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi hồi tháng 11.
Cũng có tin đồn, rằng tướng Soleimani trong một chuyến đi Nga trước đó, đã thuyết phục ông Putin quyết định can thiệp quân sự ở Syria.
Hakim al-Zamili, chỉ huy một nhóm dân quân thuộc lực lượng dân phòng Hashd al-Shaabi (có Iran hỗ trợ) nói với Daily Beast, rằng Nga “cho không” Iraq vũ khí hạng nhẹ và đạn dược, đổi lấy sự chia sẻ tin tình báo.
Hakim nói: “Iran, Nga và Iraq hợp tác chặt chẽ.Mối quan hệ 3 bên này cũng khiến Nga từ chối tham gia liên minh quân sự Hồi giáo chống IS do Ả rập Saudi mới lập, vì Iraq và Iran không tham gia.
Hakim cũng là chủ tịch tiểu ban an ninh - quốc phòng ở quốc hội Iraq. Ủy ban này gần đây cử một đoàn đi Moscow, theo một chỉ huy của Hashd al-Shaabi cho Daily Beastbiết.
Chuyến đi này nhằm bàn việc hợp tác lập một trung tâm hoạt động tình báo ở Iraq, để giúp lực lượng Hashd al-Shaabi, và cũng bàn “tăng sức ép lên Mỹ”, cụ thể là không cho lính Mỹ trở lại Iraq.
Từ cấp độ hiện diện của Nga trong an ninh và quân sự Iraq, điều không thể tránh là Nga cũng ráng làm thân với các trưởng tộc Sunni. Một số ít trưởng tộc đang phối hợp với quân Iraq, để có thể giải phóng Ramadi (thủ phủ tỉnh Anbar) khỏi tay IS.
Sứ quán Nga ở Baghdad được cho là điều phối chương trình làm thân này, với lực lượng Hashd al-Shaabi, Ủy ban hòa giải các sắc tộc và với Cơ quan an ninh quốc gia Iraq.
Bảo Vĩnh - Theo Daily Beast, Một thế giới