Phát biểu trong một chương trình phát sóng trực tiếp sau cuộc họp với Hội đồng An ninh Quốc gia tại thủ đô Ankara, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cho biết: quyết định này là không nằm ngoài các quy định pháp luật và không vi phạm bất kỳ quyền tự do dân chủ nào.
"Mục đích của việc ban hành tình trạng khẩn cấp là một phương pháp hiệu quả nhất, nhanh chóng thực hiện các bước cần thiết để loại bỏ những nguy cơ đe dọa nền dân chủ quốc gia," hãng tin Anadolu dẫn lời của ông Erdogan cho biết.
Theo AFP: Ông Erdogan tuyên bố cuộc đảo chính có thể chưa kết thúc, đối thủ của ông có "nhiều kế hoạch" quyết liệt hơn nhằm giành chính quyền trên cả nước. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh: các quốc gia châu Âu không có quyền chỉ trích quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp.
Trong ngày 20/07.2016, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói với Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault "hãy quan tâm đến công việc của mình", sau khi Pháp cảnh báo Ankara về cuộc đàn áp được tiến hành sau đảo chính thất bại. "Nếu ông muốn có bài học về dân chủ, ông có thể dễ dàng nhận được bài học dân chủ của chúng tôi", ông Erdogan phát biểu trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Al Jazeera.
Erdogan cho biết chính phủ đang tiến hành chiến dịch "làm sạch" nội bộ trong nước nhằm trừng phạt những kẻ đã cố gắng thực hiện âm mưu đảo chính và những kẻ ủng hộ, ông đang làm việc với các lực lượng vũ trang nhằm tiêu diệt hết những con ‘virus” trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.
Phát biểu trong cuộc phỏng vấn của hãng tin Al Jazeera, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cho biết ông và chính phủ không thể để "thiểu số" thống trị "đa số". Ông nói: "Miễn là chúng ta cùng đoàn kết và đồng hành với nhân dân, xe tăng cũng không thể chống lại".
Hãng tin Resmi Gazete, Reuters cho biết: Quyết định ban hành Tình trạng khẩn cấp sẽ có hiệu lực ngày sau khi được công bố trên các phương tiện truyền thông chính thức Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo các biện pháp khẩn cấp, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và các Bộ trưởng có quyền ra luật mới không cần thông qua Quốc hội. Quyền của tổ chức, cá nhân và quyền tự do trong nước cũng có thể bị hạn chế hoặc bị đình chỉ nếu chính phủ đưa ra các quyết định cần thiết.
Tiến sĩ Maged Botros, giáo sư Khoa học Chính trị thuộc Đại học Helwan, Greater Cairo cho rằng: Erdogan đang chơi "quân bài cuối cùng" trong nỗ lực duy trì quyền kiểm soát đất nước và loại bỏ tất cả các bất đồng chính kiến.
"Erdogan muốn làm sống lại Đế quốc Ottoman ... trong nội bộ ông ta cần kiểm soát chặt chẽ đất nước, bộ máy nhà nước, các bộ, ban ngành chính phủ", Botros nói trong cuộc phỏng vấn với RT. "Đây là một động thái không thể đảo ngược, một quốc gia bị chia rẽ, một trạng thái sợ hãi. Erdogan làm chia rẽ đất nước. Ông ta chơi con bài cuối cùng - có được tất cả hay mất tất cả ".
Erdogan đang đóng vai người hùng trước mặt nhân dân nhưng đồng thời cố gắng tránh mất vị thế lâu dài trong NATO," Tiến sĩ Botros nhận xét.
"Erdogan đóng vai người hùng bằng hành động đối đầu với Mỹ, đối đầu với siêu cường. Đây là cú liều chiến thuật để tóm Gulen, đối thủ chính của ông, một con bù nhìn đối lập ", tiến sĩ Botros nhận xét và cho rằng, hành động của Erdogan còn mang mầu sắc "tống tiền" bao gồm cả việc "đe dọa" EU về dòng thác người di cư.
Ngày 15.07.2016, Một nhóm trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành cuộc đảo chính trên địa bàn cả nước khi tổng thống Erdogan đi nghỉ tại khu nghỉ mát Marmaris Thổ Nhĩ Kỳ. Cuộc đảo chính đã thúc đẩy hàng ngàn người xuống đường phản đối ở Ankara và Istanbul. Tổng thống Erdogan cho biết có 246 người ủng hộ chính phủ thiệt mạng. Khoảng 24 kẻ âm mưu đảo chính bị tiêu diệt.
Theo các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ, hàng chục ngàn người bị bắt giam hoặc sa thải sau cuộc đảo chính thất bại, khoảng 60.000 người tình nghi ủng hộ đảo chính đang bị điều tra. Cuộc thanh trừng quy mô lớn chưa từng có trong các tổ chức nhà nước ảnh hưởng mạnh mẽ đến các quan chức ngành tư pháp, công chức, những người thực thi pháp luật và những người trong ngành giáo dục.
Erdogan và chính phủ cáo buộc giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen, cứ trú tại Pennsylvania dàn dựng âm mưu đảo chính và yêu cầu Mỹ dẫn độ Gulen trao trả cho Thổ Nhĩ Kỳ.
NT