Tổng thống điều hành đất nước từ nhà giam?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Cựu Tổng thống Donald Trump gần như chắc chắn trở thành ứng cử viên của Đảng Cộng hòa, “tái đấu” với đương kim Tổng thống Biden vào tháng 11/2024 để giành quyền lãnh đạo nước Mỹ nhiệm kỳ tới. Ông có bao nhiêu phần trăm cơ hội?

Đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden và Cựu Tổng thống Donald Trump.
Đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden và Cựu Tổng thống Donald Trump.

Với việc thắng áp đảo tại tiểu bang Iowa và sau đó là New Hampshire; đồng thời với sự bỏ cuộc của Ron DeSantis, cựu Tổng thống Mỹ D. Trump gần như chắc chắn sẽ trở thành ứng cử viên của Đảng Cộng hòa và sẽ “tái đấu” với đương kim Tổng thống Joe Biden vào đầu tháng 11 năm nay để giành quyền lãnh đạo nước Mỹ nhiệm kỳ tới. Liệu một kịch bản “điên rồ” nhất có thể xảy ra không: Tổng thống điều hành đất nước từ nhà giam?

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm, người từng dạy bộ môn triết học tại San Jose City College (California, Mỹ) về vấn đề này.

- Phóng viên: Cũng khoảng thời gian này 4 năm trước, khi bàn về cuộc đua chiếc ghế Tổng thống Mỹ giữa ông Biden và ông Trump, GS nói ông thích ông Biden thắng cử hơn và GS đã “cá” với một số bạn bè là ông Biden sẽ thắng. Tháng 11 (năm đó) GS thắng cược thật! Vậy năm nay GS ủng hộ ai, dự đoán ai sẽ là Tổng thống 47 của Mỹ?

- GS.TS. Nguyễn Hữu Liêm: Năm nay 2024 tôi không ủng hộ ứng cử viên Tổng thống Mỹ nào. Nhiều lý do để tôi có lập trường như thế. Có thể tôi sẽ không tham dự bỏ phiếu bầu cử trong suốt năm 2024 ở nhiều cấp từ trung ương đến địa phương.

vt-nhl-3514.jpg
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm, người từng dạy bộ môn triết học tại San Jose City College (California, Mỹ)

Với tình hình như hiện nay, ngoại trừ những điều bất ngờ xảy ra, tôi nghĩ rằng cựu Tổng thống Trump có cơ hội tái đắc cử khá cao. Tôi không “đánh cược” lần này vì không cảm thấy hào hứng với cả hai ứng viên tổng thống Trump và Biden.

- PV: Đến giờ này thì không còn nghi ngờ gì nữa, ông Donald Trump sẽ là ứng cử viên của Đảng Cộng hoà tại cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới bất chấp những rắc rối về mặt pháp lý. Theo GS thì vì sao trong 4 năm qua, Đảng Cộng hoà không tìm nổi một ứng cử viên nặng ký nào thay vì ông Trump?

- GS.TS. Nguyễn Hữu Liêm: Ông Trump có một cá tính mạnh, mặc dù kèm theo đó là những khiếm khuyết mà nhiều người đã và luôn chỉ trích, nhưng ông vẫn đáp ứng được như là “biểu tượng” chính trị của giới bảo thủ và bình dân của cử tri Mỹ. Đảng Cộng hòa dù có nhiều cá nhân có triển vọng và khả năng lãnh đạo khác, nhưng không ai có thể vượt qua ông Trump vì ông Trump là một chính trị gia đã “ăn sâu” vào tâm trí khối cử tri Mỹ bất mãn với tình hình chính trị, xã hội chung ở hiện tại.

Mỗi thời đại ở bất cứ xã hội nào cũng có một lãnh tụ kiểu mỵ dân, hớp hồn quần chúng với những khẩu hiệu dân túy, thỏa mãn tinh thần bất an của một khối dân nào đó. Ông Trump là một lãnh tụ kiểu đó. Đây là mối nguy của chính trị dân túy - nhưng một khối đông cử tri Mỹ không quan tâm. Văn hóa tôn thờ lãnh tụ cũng như là tinh thần tôn giáo cực đoan, Đảng Cộng hòa Mỹ bất chấp vì họ đang lên đồng tập thể.

- PV: Nói thì là vậy, nhưng rủi ro về mặt pháp lý với ông Trump vẫn tiềm ẩn. Vậy liệu có khi nào ông Trump vẫn trúng cử mà vẫn bị ngồi tù không, thưa GS?

- GS.TS. Nguyễn Hữu Liêm: Khi ông Trump tái đắc cử thì ông ta sẽ tự ân xá (self-pardon) cho mình đối với các cáo buộc hình sự liên bang. Tối cao pháp viện Hoa Kỳ sẽ phải phán quyết về tính hợp hiến của khả năng tự ân xá. Còn đối với tội hình sự tiểu bang thì Tổng thống Mỹ không thể ân xá cho mình hay cho ai.

Tuy nhiên đây là một trường hợp rất đặc biệt và chưa từng có trong lịch sử Mỹ. Ông Trump có thể bị kết tội ở cấp tiểu bang nhưng với nhiều thủ thuật pháp lý và chướng ngại thực dụng khác, khó có thể có chuyện ông Trump đi tù.

- PV: Ông Trump nói việc đòi truy tố ông ấy là “đòn săn phù thuỷ” của Đảng dân chủ để ngăn ông ra tranh cử Tổng thống. Giờ đây nhiều người ủng hộ ông Trump đều cho là như vậy. Ông Trump đã “lợi dụng” sự thất thế này và biến mình thành “nạn nhân” của sự “trả thù chính trị” của phe đối lập để kêu gọi sự ủng hộ của cử tri Đảng Cộng hoà. Chẳng lẽ cử tri giờ đây dễ bị lôi kéo như thế sao?

- GS.TS. Nguyễn Hữu Liêm: Như đã nói ở trên, cử tri bảo thủ Mỹ khi đã yêu ai thì "củ ấu cũng tròn." Điều ngạc nhiên cho rất nhiều người là sau bao nhiêu lần bị truy tố, thua kiện dân sự, số mệnh chính trị của ông Trump vẫn còn tốt và hứa hẹn như vậy. "Love is blind" (yêu là mù quáng) như người Mỹ hay nói. Chính sự mù lòa vì cảm tính như vậy mà trong lịch sử chính trị đã có nhiều người lên nắm quyền vì đã "hớp hồn" quần chúng; để rồi các khối dân chúng đó sẽ phải hối hận vì những vấn đề mà họ gây ra sau này. Chúng ta hãy chờ xem, và hy vọng ông Trump sẽ không là một mẫu lãnh tụ như thế.

194329-2-4587.jpg

- PV: Điểm bất lợi của đương kim Biden trong cuộc chạy đua lần này dường như là vấn đề sức khoẻ; nền kinh tế Mỹ 4 năm qua không mấy sáng sủa; đối ngoại có nhiều vấn đề nan giải, bị chỉ trích nhiều như cuộc chiến Nga- Ukraine, Hamas tấn công Israel… Ý kiến của GS về vấn đề này như thế nào?

- GS.TS. Nguyễn Hữu Liêm: Ông Biden có nhiều điểm bất lợi khi ra tái tranh cử năm nay. Từ kinh tế, di dân bất hợp pháp, tuổi tác, đến chiến tranh Trung Đông, đều là những điểm trừ cho ông. Rất đông cử tri giới trẻ cấp tiến đang giận dữ với ông Biden vì ủng hộ Do Thái quá mức trong cuộc chiến chống Hamas.

Tuy nhiên, Biden là, nói theo kiểu Mỹ, "The lesser of the two evils" (Cái xấu ít hơn so với cái xấu lớn hơn - Trump). Cuộc bầu cử vẫn còn 10 tháng nữa, nhiều điều bất thường có thể xảy ra. Tôi nghĩ là ông Biden vẫn còn có 50% cơ hội tái đắc cử chống lại ông Trump.

- PV: Cộng đồng người Việt tại Mỹ phản ứng như thế nào, thưa GS? Tỷ lệ ủng hộ ứng cử viên Đảng Cộng hoà và Dân chủ lần này có thay đổi so với 4 năm trước không?

- GS.TS. Nguyễn Hữu Liêm: Về cộng đồng cử tri người Mỹ gốc Việt thì - dù không có thăm dò chính thức mà tôi biết đến - theo tôi phe Dân chủ vẫn ủng hộ ông Biden và Cộng hòa cho ông Trump. Tỷ lệ chắc cũng sít sao, 50--50%.

Giới trí thức cấp tiến gốc Việt thì số đông chống ông Trump, nhưng không hào hứng với ông Biden. Số người gốc Việt điên cuồng ủng hộ Trump ba bốn năm trước đã sụt giảm khá nhiều. Tranh luận hai phía trên các phương tiện truyền thông tiếng Việt cũng đã giảm nhiệt độ khá sâu.

Sau vụ biểu tình xâm nhập tòa quốc hội Mỹ đầu năm 2021, và sau đó là các cáo trạng Liên bang bắt bớ, truy tố những kẻ tham dự cũng làm cho phe ủng hộ Trump trong cộng đồng Việt trở nên e dè, sợ hãi, không còn to tiếng hung hãn như trước nữa.

- PV: Xin hỏi ông câu cuối cùng: GS hình dung như thế nào về nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung, nếu Donald Trump trở thành Tổng thống thứ 47 của Mỹ?

- GS.TS. Nguyễn Hữu Liêm: Nếu ông Trump tái đắc cử, nước Mỹ chắc sẽ trải qua bốn năm khủng hoảng hiến pháp và chính trị nội bộ. Ông Trump sẽ có một chương trình trả thù những ai từng chống ông ta. Ông cũng sẽ quyết xuất những chỉ đạo hành pháp táo bạo, chưa từng có về các vấn đề ngoại giao, di dân, hành chánh công quyền. Ông có thể sẽ thương thảo bí mật với Putin để tìm lối thoát cho chiến tranh Ukraine.Thế giới sẽ e dè hơn với một ông Trump "khùng" và khó tiên liệu. Nhưng đây là điều mà rất đông khối cử tri Mỹ và cộng đồng thế giới mong mỏi một sự thay đổi lớn cho những vấn đề mà dân Mỹ cũng như thế giới nhìn thấy trong bất lực. Chúng ta hãy chờ xem và hy vọng cho điều tốt đẹp - nhưng cũng chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất.

Xin cám ơn GS!

Đối với nhiều người Việt, GS.TS. Nguyễn Hữu Liêm là cái tên khá xa lạ. Tuy nhiên, trong cộng đồng triết học quốc tế và giới sinh viên tại San Jose City College (California), ông là một nhân vật rất nổi tiếng nhờ sự hiểu biết sâu rộng của mình. Ông được đánh giá là 1 trong các triết gia nổi tiếng giới nghiên cứu triết học trên thế giới.

Nguyễn Hữu Liêm (1955) sinh ra tại Quảng Trị. Hiện, ông thường xuyên đi lại giữa Mỹ và Việt Nam. Ông tư vấn về luật quốc tế và tham gia giảng dạy ở vài trường Đại học. Tiến sĩ từng học cử nhân kinh tế nông nghiệp. Sau đó, ông học thạc sĩ về quản lý công ở Đại học Texas. Năm 1987, ông tốt nghiệp tiến sĩ luật ở University of California, Hastings College of the Law. Sau đó, ông mở một hãng luật tại Mỹ. Tiếp đó, ông lấy bằng thạc sĩ triết học tại San Jose State University và tiến sĩ triết học tại California Institute for Integral Studies.