Tốc độ tăng trưởng của chuyển đổi số, chuyển đổi xanh cao hơn tăng trưởng GDP đến 4 lần

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Dẫn số liệu năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói kinh tế số đóng góp 16,5% GDP Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng trên 20%/năm. Riêng chuyển đổi số và và chuyển đổi xanh có tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP 2 - 4 lần.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Vietnam - Asia DX Summit 2024.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Vietnam - Asia DX Summit 2024.

Chiều 28/5, phát biểu khai mạc Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2024 (Vietnam - Asia DX Summit 2024), Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định Việt Nam đã xác định chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là lựa chọn chiến lược, là động lực chính của tăng trưởng kinh tế.

Người đứng đầu ngành Thông tin và Truyền thông dẫn chứng, năm 2020, kinh tế xanh đã đóng góp khoảng 2% GDP của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng trên 10%. Và cũng trong năm 2020, kinh tế số của Việt Nam đã đóng góp 12% GDP. Song, đến năm 2023, kinh tế số theo tính toán của Bộ Thông tin và Truyền thông đã đóng góp 16,5% GDP và với tốc độ tăng trưởng trên 20%. Riêng hai lĩnh vực chuyển đổi số và và chuyển đổi xanh có tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP của đất nước từ 2 đến 4 lần.

Theo ước tính của cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), các trung tâm dữ liệu trong năm 2022 đã tiêu thụ tương đương 1%-1,3% nhu cầu điện năng toàn cầu và đang tiếp tục tăng lên rất nhanh. Hiện nay tiêu thụ điện của toàn ngành công nghiệp CNTT và truyền thông chiếm từ 6%-10% tổng tiêu thụ điện năng thế giới và thải ra 3,7% tổng lượng khí thải nhà kính. Số liệu này được dự báo sẽ tăng gấp đôi vào năm 2025 và ước tính khoảng 14% tổng lượng khí thải CO2 trên toàn cầu vào năm 2040. Bởi vậy, chuyển đổi số phải dùng các công nghệ xanh.

Theo Bộ trưởng, muốn phát triển nhanh thì cần chuyển đổi số; muốn bền vững thì cần chuyển đổi xanh. Nhưng cả chuyển đổi số và chuyển đổi xanh thì đều cần đến công nghệ số mà công nghệ số thì cốt lõi nó chính là bán dẫn.

Nhắc đến chiến lược quốc gia về phát triển chip bán dẫn, người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ 3 điều trọng yếu trong chiến lược này. Thứ nhất, phát triển chip bán dẫn phải nằm trong chiến lược về công nghiệp điện tử Việt Nam.

Thứ hai, Việt Nam sẽ đi từ hub nhân lực bán dẫn toàn cầu đến công việc bán dẫn.

Thứ ba, Việt Nam sẽ là số một trong sự chuyển dịch chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

"Muốn tăng trưởng nhanh, cao hơn thì cần không gian mới, cần lực lượng sản xuất mới, cần nguồn lực sản xuất mới, cần yếu tố sản xuất mới và cần động lực mới. Trong đó, không gian mới là kinh tế số. Lực lượng sản xuất mới là công nghệ số. Nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số. Yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số. Động lực mới là đổi mới sáng tạo số", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói và khẳng định rằng để phát triển kinh tế số, Việt Nam phải dựa trên đổi mới sáng tạo số, phải đầu tư vào hạ tầng số mà đặc biệt là hạ tầng tính toán; trong đó, thúc đẩy kinh tế số vào mọi ngành, mọi lĩnh vực.

Xuất hiện cuộc chuyển đổi mới: Chuyển đổi Trí tuệ nhân tạo

Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hội đồng sáng lập VINASA, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT - khẳng định Việt Nam và khu vực Châu Á đang có sự gia tăng vượt bậc về nhu cầu chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Các doanh nghiệp và tổ chức đang tìm cách tận dụng công nghệ để cải thiện hiệu suất và tạo ra giá trị mới.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam đã nêu ra định hướng chuyển đổi số năm 2024 là: Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp CNTT và Truyền thông, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số, tạo ra động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

vnp_dxsummit 1-2 (1).jpg
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng Sáng lập VINASA.

Theo ông Trương Gia Bình, bên cạnh chuyển đổi xanh và chuyển đổi số đang là xu hướng chuyển dịch tất yếu, còn có cuộc chuyển đổi mới - chuyển đổi Trí tuệ nhân tạo (AI). Sự ra đời của siêu trí tuệ nhân tạo sẽ tạo ra nguồn lao động mới – kỹ sư AI và AI đi vào tất cả mọi lĩnh vực.

Bên cạnh đó, ông Trương Gia Bình nhận định ngành ô tô đang thay đổi vũ bão và Việt Nam có lợi thế vô cùng trọng yếu đó là nguồn nhân lực.

“Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng có nói: người Việt Nam có gen trội về nghiên cứu KHCN, học Toán phù hợp làm việc cho ngành CNTT và ngành bán dẫn. Thực tế, ngành bán dẫn thế giới thiếu hàng triệu lao động. CEO Nvidia từng nói rằng: Thật phù hợp, Việt Nam có 1 triệu người làm CNTT nếu chuyển đổi sang 1 triệu người làm bán dẫn thì Việt Nam sẽ tiến nhanh hơn rất nhiều”, Chủ tịch Hội đồng sáng lập VINASA trao đổi thêm về nội dung của cuộc làm việc giữa FPT và Nvidia diễn ra tháng 4/2024.

Ông Trương Gia Bình nêu rõ, để khai thác tiềm năng chuyển đổi số - chuyển đổi xanh, tạo ra phát triển kép về cả kinh tế số và kinh tế xanh, Việt Nam cần đi tiên phong phát triển các lĩnh vực: Trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn, xe điện thông minh trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Cần tập trung nhân lực, tài chính cho những lĩnh vực công nghệ trọng điểm này.

Tại Diễn đàn, ông Trương Gia Bình cũng dẫn báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2023 về xu hướng Chuyển đổi Kép và chỉ ra Việt Nam nắm giữ 15% trong tổng số 493 bằng sáng chế xanh tại các thị trường mới nổi, xếp sau Malaysia (51%) và Thái Lan (20%). Trong khi đó, xét về các công nghệ chuyển đổi số, Việt Nam chỉ chiếm 8% trong tổng số 537 bằng sáng chế của các nền kinh tế đang phát triển, xếp sau Malaysia (58%), Philippines (16%) và Thái Lan (11%).