Đơn kháng án của TikTok bị bác bỏ
Hồi tháng 4, Tổng thống Biden đã ký một dự luật yêu cầu ByteDance bán TikTok cho “chủ sở hữu không phải người Trung Quốc” nếu không ứng dụng này sẽ bị cấm hoạt động tại Mỹ. Dự luật này được Quốc hội Mỹ ủng hộ, trong đó các nhà lập pháp tuyên bố rằng TikTok “có thể đã chia sẻ dữ liệu người dùng Mỹ với Trung Quốc” và do đó “đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ”.
TikTok vào tháng 5 đã đệ đơn kiện yêu cầu tòa án Mỹ chặn dự luật. TikTok cho rằng dự luật của chính quyền Biden vi phạm quyền tự do ngôn luận của người dân Mỹ. “Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội Mỹ ban hành luật cấm vĩnh viễn một nền tảng ngôn luận cụ thể trên toàn quốc và cấm người Mỹ tham gia vào một nền tảng, một cộng đồng trực tuyến với hơn 1 tỷ người dùng trên toàn cầu”, TikTok cho hay.
Nhưng vào ngày 6/12, theo giờ địa phương, Tòa phúc thẩm Mỹ ở quận Columbia đã ra phán quyết về vụ kiện, giữ nguyên luật do chính quyền Biden đưa ra và yêu cầu ByteDance thoái vốn TikTok. Ba thẩm phán đã kết luận Trung Quốc “lợi dụng mối quan hệ với công ty mẹ TikTok là ByteDance để đe dọa bóp méo ngôn luận của Mỹ và thao túng dư luận thông qua TikTok”.
Thẩm phán tòa phúc thẩm cho rằng dự luật của chính quyền Biden không vi phạm Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp. Thẩm phán Douglas Ginsburg nói: “Tu chính án thứ nhất bảo vệ quyền tự do ngôn luận ở Mỹ và hành vi của chính phủ chỉ để bảo vệ quyền tự do đó khỏi sự xâm phạm của nước ngoài và hạn chế khả năng các quốc gia thù địch thu thập dữ liệu về người Mỹ”.
Một thẩm phán khác là Sri Srinivasan, thừa nhận rằng phán quyết sẽ có ảnh hưởng lớn với hơn 170 triệu người Mỹ đang sử dụng TikTok. Nhưng ông tuyên bố: “Chính vì ảnh hưởng rộng lớn của nền tảng này mà Quốc hội và nhiều tổng thống đã cho rằng việc tước bỏ quyền kiểm soát nền tảng này (của Trung Quốc) là rất quan trọng để bảo vệ an ninh quốc gia của Mỹ".
Phán quyết này có nghĩa là nếu ByteDance không thoái vốn TikTok trước ngày 19/1/2025, nền tảng này sẽ bị cấm ở Mỹ. Trước thời hạn, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng có thể quyết định có nên gia hạn thời hạn thêm 90 ngày hay không. Theo Reuters, ByteDance cần chứng minh rằng họ đã có tiến triển đáng kể trong việc thoái vốn TikTok mới có thể kích hoạt việc gia hạn.
Hiện chưa rõ liệu tổng thống đắc cử Donald Trump có thay đổi luật sau khi nhậm chức vào ngày 20/1/2025 hay không. Ông Trump đã cố gắng cấm TikTok trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, nhưng đã thay đổi thái độ trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm nay, tuyên bố ông sẽ không tìm cách cấm TikTok nữa.
Ông Trump cũng có thể chọn thúc giục Quốc hội bãi bỏ dự luật, nhưng điều đó sẽ cần có sự ủng hộ của các nghị sĩ đảng Cộng hòa, những người ủng hộ việc loại bỏ TikTok. Hạ nghị sĩ Cộng hòa John Molenaar, Chủ tịch Ủy ban đặc biệt về Trung Quốc của Hạ viện, ngày 6/12 tuyên bố ông cho rằng Tổng thống Trump sẽ “tạo điều kiện cho Mỹ tiếp quản TikTok”.
Phán quyết này gây ra sự bất bình mạnh mẽ ở Mỹ. Liên minh Tự do công dân (ACLU) cho rằng phán quyết của tòa phúc thẩm đã đặt ra một "tiền lệ thiếu sót và nguy hiểm", vi phạm quyền tự do ngôn luận của người Mỹ.
TikTok và chính phủ Trung Quốc phản ứng quyết liệt
TikTok và ByteDance luôn tuyên bố rằng dự luật “bán hoặc cấm” này đã vi phạm quyền tự do ngôn luận của người dân Mỹ và “hoàn toàn đi chệch khỏi truyền thống ủng hộ Internet mở của Mỹ”. Ngày 6/12, TikTok đã đưa ra tuyên bố trên nền tảng xã hội X, cam kết sẽ kháng cáo lên Tòa án Tối cao Mỹ.
Tuyên bố nói: "Tòa án tối cao có lịch sử lâu đời trong việc bảo vệ quyền tự do ngôn luận của người Mỹ và chúng tôi mong đợi họ cũng làm như vậy đối với vấn đề hiến pháp quan trọng này. Điều không may, lệnh cấm TikTok đã được ban hành và thực thi dựa trên thông tin không chính xác, thiếu sót và giả định, dẫn đến việc người dân Mỹ bị kiểm duyệt kỹ lưỡng. Trừ khi lệnh cấm TikTok được đảo ngược, tiếng nói của hơn 170 triệu người Mỹ và hàng tỷ người trên toàn thế giới sẽ bị áp chế”.
Giám đốc điều hành TikTok Shou Zi Chew (Châu Thụ Tư), tuyên bố trong một bản ghi nhớ nội bộ rằng TikTok sẽ tìm kiếm lệnh cấm tạm thời để ngăn cản việc thực thi luật. Ông viết trong một bản ghi nhớ nội bộ: "Bước tiếp theo của chúng tôi là tìm kiếm lệnh cấm tạm thời đối với luật ngăn chặn và chờ Tòa án Tối cao Hoa Kỳ xem xét...
Mặc dù tin tức ngày hôm nay thật đáng thất vọng, hãy yên tâm rằng chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng để bảo vệ nền tảng tự do ngôn luận. CNN cũng đưa tin ByteDance trước đây đã tuyên bố “không có kế hoạch bán TikTok”.
Về phía chính phủ Trung Quốc, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao đã tuyên bố việc Mỹ thông qua dự luật liên quan đến TikTok đã đặt Mỹ đi ngược lại nguyên tắc cạnh tranh công bằng và các quy tắc kinh tế, thương mại quốc tế. Nếu cái gọi là lý do “an ninh quốc gia” được dùng để tùy tiện đàn áp những công ty xuất sắc của nước khác thì không có công bằng và chính đáng chút nào, nhìn thấy cái tốt của người khác thì tìm cách chiếm lấy cho mình hoàn toàn là logic kẻ cướp.
Việc Mỹ xử lý vụ việc TikTok sẽ khiến thế giới thấy rõ liệu cái gọi là quy tắc và trật tự của Mỹ có mang lại lợi ích cho thế giới hay chỉ phục vụ cho Mỹ.
TikTok bị 13 tiểu bang và thủ đô Washington của Mỹ kiện vì gây nghiện, tác động xấu với trẻ em
Australia cấm trẻ em dưới 16 tuổi truy cập TikTok, Facebook, Instagram và các mạng xã hội khác
Nepal chính thức dỡ bỏ lệnh cấm TikTok
Theo Guancha, Singtao