Hội nghị đã thông qua Văn kiện cuối cùng nêu lập trường chung của Phong trào Không liên kết về các vấn đề toàn cầu, đề cao chủ nghĩa đa phương, vai trò của luật pháp quốc tế, trong đó có các nguyên tắc cơ bản về tôn trọng chủ quyền, không can thiệp công việc nội bộ các nước, giải quyết hòa bình các tranh chấp; thúc đẩy giải trừ quân bị, nhất là vũ khí hạt nhân; quyết tâm chống khủng bố; thúc đẩy tiến trình cải tổ Liên hợp quốc hiện nay phù hợp với lợi ích của các nước đang phát triển; hợp tác ứng phó khủng hoảng kinh tế, tài chính; nhấn mạnh nhu cầu về ODA của các nước đang phát triển.
Ngoài ra, văn kiện cũng yêu cầu việc thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu phải theo các nguyên tắc công bằng, trách nhiệm chung nhưng có sự khác biệt cũng như kêu gọi các nước phát triển có các bước cụ thể nhằm thực hiện cam kết huy động 100 tỷ USD trước năm 2020, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu; khẳng định tầm quan trọng của việc quản lý tổng thể và sử dụng bền vững các nguồn nước...
Liên quan các vấn đề khu vực, văn kiện ghi nhận những tiến triển mới ở Đông Nam Á, hoan nghênh việc thành lập Cộng đồng ASEAN, ghi nhận nỗ lực của ASEAN nhằm đề cao vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực, thúc đẩy quan hệ với Liên hợp quốc.
Về vấn đề Biển Đông, văn kiện kêu gọi các nước giải quyết mọi tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, thực hiện kiềm chế, ủng hộ các nguyên tắc của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982), cam kết đảm bảo tự do hàng hải, hàng không phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, ASEAN và Trung Quốc cần nỗ lực thực hiện DOC nhằm sớm tiến tới Bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).