Tìm thấy đuôi tiêm kích Su-22 ở độ sâu 32 m

Chỉ huy tại hiện trường, Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn - Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân - cho biết đã tìm thấy phần đuôi một chiếc Su-22. Mảnh vỡ này được cho là ở độ sâu 32 m.
Đoàn công tác của Bộ Quốc phòng đến đảo Phú Quý chỉ đạo công tác tìm kiếm 2 tiêm kích Su-22. Ảnh:Trường Châu
Đoàn công tác của Bộ Quốc phòng đến đảo Phú Quý chỉ đạo công tác tìm kiếm 2 tiêm kích Su-22. Ảnh:Trường Châu

Sáng 17/4, ông Tạ Minh Nhựt - Phó chủ tịch huyện Phú Qúy - cho biết các tàu cứu hộ của tỉnh Bình Thuận đang tiếp cận vị trí nghi 2 máy bay rơi để tìm kiếm.

"Theo chủ trương của cuộc họp bàn phương án cứu hộ cứu nạn, nhiều lực lượng phối hợp tìm kiếm kể cả trên không lẫn trên biển, huy động lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư cùng tham gia. Thời tiết khu vực này rất tốt, thuận lợi cho việc tìm kiếm", ông Nhựt nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hùng Tân - Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu hộ cứu nạn tỉnh Bình Thuận - cho hay, việc tìm kiếm hôm nay dưới sự chỉ huy của Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, huyện đảo Phú Qúy đã sẵn sàng 10 tàu đánh cá của ngư dân, nếu có yêu cầu sẽ xuất bến.

"Hiện, vẫn chưa thấy tung tích của 2 phi công và biên đội máy bay rơi xuống biển. Ba thùng dầu tìm được hôm qua đều rỗng, màu đỏ, kí hiệu 5863 đã được đưa vào trung tâm cứu hộ huyện Phú Quý", ông Tân nói.

10h30, Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Bình Thuận cho biết, tại hiện trường có 4 tàu của Cảnh sát biển, Hải quân vùng 4, Biên phòng và một máy bay quân sự của Sư đoàn 370... tổ chức tìm kiếm. Lực lượng đã thông tin cho khoảng 215 tàu thuyền của ngư dân đang hoạt động trên biển hỗ trợ tìm kiếm. Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn - Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân - chỉ huy.

"Tàu tuần tra Cảnh sát biển và máy bay tuần thám CASA212 đang tích cực tham gia tìm kiếm nhưng chưa có dấu hiệu mới", thiếu tướng Ngô Ngọc Thu - Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Cảnh sát biển - cho biết lúc 11h40.

CASA212 là máy bay vận tải quân sự đa nhiệm thế hệ thứ 4, được thiết kế chuyên biệt cho nhiệm vụ tuần thám hải quân hiện đại theo tiêu chuẩn châu Âu và được mệnh danh là "mắt thần biển Đông".

13h, ông Nguyễn Hùng Tân cho hay, lực lượng tìm kiếm chưa thấy dấu vết thêm về hai chiếc tiêm kích Su-22 rơi. "Từ vị trí xác định hai máy bay rơi ban đầu, hiện các đơn vị mở rộng phạm vi tìm kiếm dưới sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng", ông Tân thông tin.

15h30, Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn nói rằng, lực lượng tìm kiếm đã được bổ sung một tàu bộ đội đặc công, có 20 người nhái. Tuy nhiên, mọi phương án đang tập trung trên mặt nước, chỉ khi nào xác định vị trí máy bay rơi lính đặc công mới vào cuộc.

Theo Phó chủ tịch huyện Phú Quý Tạ Minh Nhựt, độ sâu nước biển tại khu vực nghi máy bay rơi từ 34 đến 38 m. "Lực lượng đặc công nước đã lặn xuống vùng biển nghi máy bay rơi để tìm kiếm nhưng chưa phát hiện dấu hiệu nào của hai tiêm kích Su-22", ông Nhựt cho biết lúc 16h10.

17h30, nguồn tin từ Bộ đội Biên Phòng huyện đảo Phú Quý cho hay, lực lượng chức năng đã tìm thấy một mảnh vỡ chiếc Su-22 ở độ sâu 32 m.

"Thời tiết đang thuận lợi, song mặt trời đã xuống nên tầm nhìn trên biển hạn chế. Khả năng việc tìm kiếm cứu hộ hai chiếc máy bay rơi sẽ phải tạm dừng trong đêm", ông Nhựt - Phó chủ tịch huyện Phú Quý nói.

18h, Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn thông tin: "Mảnh vỡ là phần đuôi một trong hai chiếc Su-22 mất tích. Vị trí hai máy bay rơi đã được xác định".

18h30, Phó chủ tịch huyện Phú Qúy Tạ Minh Nhựt cho hay, công tác tìm kiếm cứu hộ trong ngày đã kết thúc, sẽ bắt đầu trở lại vào sáng sớm mai.

Tìm thấy đuôi tiêm kích Su-22 ở độ sâu 32 m ảnh 1

Lực lượng tìm kiếm 2 tiêm kích do Bộ Quốc phòng chỉ huy. Ảnh:Trường Châu

Trước đó, tối 16/4, ông Nguyễn Phùng (ngụ huyện Phú Qúy, Bình Thuận) - thuyền trưởng tàu cá 828 - khẳng định cùng con trai thấy 2 vật thể giống máy bay rơi xuống biển khi họ đang câu cá trên vùng biển gần đảo Phú Qúy.

Theo ngư dân này, lúc đó tầm gần trưa, hai cha con ông quay mặt về hai phía câu cá. Khi ông thấy vật thể đó lao xuống biển, nước bắn cao, đã la toáng lên khiến cậu con giật mình. Con trai ông không trông thấy điều đó, song lại thấy một vật thể tương tự rơi ở phía bên kia. "Chúng tôi lại gần xem có người không để cứu nhưng không thấy ai, chỉ có 4 cục gì nổi lên, bèn cột lại", ông Phùng kể.

Khoảng 30 phút sau xuất hiện máy bay cứu hộ màu vàng. Cha con ông Phùng mừng quá dùng giẻ và nón huơ huơ để gây sự chú ý. Khi máy bay này xuống gần, lực lượng cứu hộ báo những cục kia là thùng dầu máy bay gặp nạn, không được đến gần. "Thường ngày tôi vẫn đem điện thoại theo, hôm nay lại quên nên không báo chính quyền sớm được", ông Phùng nói, vẻ tiếc nuối.

Theo Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, lúc 11h24, biên đội 2 máy bay Su-22 cất cánh từ sân bay Phan Rang ra khu vực vùng trời đảo Phú Quý đã bị mất liên lạc lúc 11h35. Khu vực mất mục tiêu ở Bắc đảo Phú Quý khoảng 10-20 km.

Tìm thấy đuôi tiêm kích Su-22 ở độ sâu 32 m ảnh 2

Chi tiết hành trình lâm nạn của hai chiếc Su-22. Đồ họa:Tiến Thành - Việt Chung

Hai phi công gặp nạn gồm trung tá Lê Văn Nghĩa (phi công cấp 1), Phó trung đoàn trưởng trung đoàn 937, Sư đoàn 370, lái máy bay số hiệu 5857 và đại úy Nguyễn Anh Tú (phi công cấp 3, Phi đội phó Phi đội 1, Trung đoàn 937, Sư đoàn 370) điều khiển máy bay 5863.

Lực lượng tìm kiếm cứu nạn gồm nhiều lực lượng nhưng mới phát hiện và vớt được 3 thùng dầu phụ, chưa tìm thấy phi công và vị trí cụ thể máy bay rơi.

các lực lượng gồm: Cảnh Sát biển, Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Thuận, Quân chủng Hải quân, Lữ đoàn 918 và Sư đoàn 370 của (Quân chủng Phòng không Không quân), Lữ đoàn 5 Đặc công (Bộ Tư lệnh Đặc công), ngư dân Bình Thuận cùng 6 thợ lặn chuyên nghiệp đã được huy động tham gia tìm kiếm hai chiếc máy bay Su 22 của Trung đoàn 937, Sư đoàn Không quân 370 (Quân chủng Phòng không - Không quân) bị nạn.

Tìm thấy đuôi tiêm kích Su-22 ở độ sâu 32 m ảnh 3

Tàu cá ngư dân Phú Quý tại hiện trường cùng tàu của bộ đội biên phòng. Ảnh: thanhnien.com.vn

Các đơn vị tìm kiếm cứu nạn đã thành lập hai sở chỉ huy. Sở chỉ huy thứ nhất đóng tại sân bay Phan Rang do Quân chủng Phòng không - Không quân tổ chức dưới sự chỉ huy của Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân. Sở chỉ huy thứ hai đóng tại đảo Phú Quý do Sư đoàn Không quân 370 tổ chức dưới sự chỉ huy của Đại tá Trần Văn Lâm, Phó Sư đoàn trưởng Quân huấn Sư đoàn 370. Đến 16 giờ 2 phút, các lực lượng tìm kiếm đã phát hiện được một động cơ máy bay và một cánh máy bay trên vùng biển Phú Quý, tỉnh Bình Thuận.

Theo kế hoạch, trong đêm nay các thợ lặn và lực lượng đặc công sẽ cùng các lực lượng khác tiếp tục triển khai tìm kiếm hai phi công cùng các máy bay bị mất tích. Riêng các máy bay tham gia tìm kiếm đã tạm dừng công việc lúc 16 giờ 30 phút do tầm quan sát vào ban đêm bị hạn chế, ảnh hưởng đến công tác tìm kiếm. 

Mặt khác, lực lượng chức năng cũng xác định có một dòng hoàn lưu chảy từ Lý Sơn xuống đảo Hòn Hải rồi chạy ra ngoài. Vì vậy, vùng quan sát và tìm kiếm phi công sẽ được mở rộng hơn. "Chúng ta tìm được cái gì sẽ trục vớt cái đó, song có hai phần quan trọng hy vọng sẽ tìm thấy là đầu máy bay và ghế phi công. Tìm được đầu máy bay thì sẽ có hộp đen để tìm được nguyên nhân vụ tai nạn. Còn ghế máy bay sẽ cho biết tình trạng phi công lúc bấy giờ", lãnh đạo Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, nói.

Ngày 17/4 lực lượng tìm kiếm bao gồm hàng trăm người của bộ đội biên phòng, lực lượng không quân, hải quân, đặc công, ngư dân... tại vị trí hai tiêm kích Su-22 rơi xuống biển.

Đến 15h30, ngoài phần đuôi máy bay, bộ đội đặc công nước sau nhiều giờ lặn xuống đáy biển đã xác định vị trí một chiếc máy bay, chiếc còn lại chưa rõ dấu vết. "Vị trí nơi phát hiện có độ sâu chừng 33 mét, cách phía tây nam đảo Đá Bé một hải lý. Lực lượng tìm kiếm đã đánh dấu phao để tiến hành trục vớt trong sáng nay", một lãnh đạo tỉnh Bình Thuận tham gia công tác tìm kiếm cho biết.

Hai ngày qua, căn nhà nhỏ trong con hẻm ở phường Bình Thuận (quận 7, TP HCM) có rất đông đồng đội, bạn bè đến chia sẻ với vợ và hai con trung tá Lê Văn Nghĩa - phi công lái máy bay Su-22 gặp nạn ở vùng biển Phú Qúy (Bình Thuận). Gia đình, họ hàng của anh Nghĩa cũng đã từ Hà Nội vào TP HCM trông ngóng tin tức.

Người thân cho biết, anh Nghĩa là sĩ quan chỉ huy, đóng quân ở sân bay Thành Sơn, Phan Rang, Ninh Thuận, nên ít có dịp về thăm nhà. Mọi việc chăm sóc con cái đều do người vợ là giáo viên của anh đảm nhiệm. "Từ khi nghe tin chồng mất tích, vợ và hai con thằng Nghĩa rất buồn nhưng vẫn không tắt hy vọng. Gia đình đang ngóng tin từ Bình Thuận", một người chú của anh Nghĩa nói

Trung tá phi công Lê Văn Nghĩa đang giữ chức vụ Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn 937, sư đoàn 370, đạt trình độ phi công cấp 1 với hơn 1.000 giờ bay. Một số đồng đội cho biết, không chỉ là sĩ quan chỉ huy, anh còn là thầy dạy của nhiều thế hệ phi công trẻ Su 22M4 của Trung đoàn.

 Theo: VnExpress