Tài liệu mật được WikiLeaks tiết lộ hôm 25/3 đề cập về một công cụ giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư với quốc gia nhận đầu tư, một phần nội dung các cuộc thảo luận kín về TPP, hiệp định thương mại tự do gồm 12 quốc gia thành viên, trong đó có Nhật Bản, Australia, Singapore và Việt Nam.
Theo tài liệu được soạn thảo vào ngày 20/1 vừa qua, các bên tham gia đàm phán do Mỹ chủ trì muốn thiết lập các tòa án giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư với quốc gia (ISDS), vượt trên hệ thống tòa án quốc gia, theo đó các công ty nước ngoài có thể kiện các quốc gia và nhận được các khoản bồi thường từ tiền thuế cho những lợi nhuận mà công ty đó có thể thu được trong tương lai.
Các tòa án ISDS cũng là một phần trong Hiệp định Đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP) mà Mỹ đang thảo luận với Liên minh châu Âu.
Theo đó, các bên cần giữ bí mật nội dung tài liệu trong 4 năm kể từ khi thỏa thuận TPP bắt đầu có hiệu lực hoặc trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, cần giữ bí mật trong 4 năm kể từ khi chấm dứt đàm phán.
Public Citizen, một nhóm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đánh giá tài liệu bị rò rỉ này cho thấy Mỹ sẽ phải đối mặt với thêm nhiều đòi hỏi về nghĩa vụ pháp lý.
Trong một tuyên bố, tổ chức có trụ sở tại Washington cho biết việc thông qua nội dung tài liệu trên sẽ cho phép thêm khoảng 9.000 công ty nước ngoài từ Nhật Bản và các nước tham gia vào TPP đang hoạt động tại Mỹ được quyền kiện chính phủ nước này về những chính sách hiện được áp dụng bình đẳng cho cả công ty trong nước và nước ngoài.
Ông Lori Wallach, Giám đốc Bộ phận Theo dõi thương mại toàn cầu thuộc Public Citizen, cho rằng thỏa thuận TPP sẽ trao cho các công ty đa quốc gia những quyền lực đặt biệt khác, làm hủy hoại chủ quyền của Mỹ, khiến nước này phải trả hàng tỷ USD tiền thuế trong các nghĩa vụ pháp lý mới và ban đặc quyền cho các công ty nước ngoài đang hoạt động tại Mỹ trong khi các công ty Mỹ không được hưởng theo pháp luật nước này.
Đại diện Thương mại Mỹ, cơ quan phụ trách các cuộc đàm phán thương mại của nước này, chưa đưa ra bình luận về tài liệu bị rò rỉ trên. Các thông tin này xuất hiện ngay trước thềm các cuộc thảo luận của Quốc hội Mỹ về việc trao quyền "đàm phán nhanh" cho chính quyền Tổng thống Barack Obama trong các cuộc đàm phán thương mại.
Trong trường hợp đó, Nhà Trắng có quyền thống nhất một thỏa thuận thương mại, sau đó đệ trình toàn bộ lên Quốc hội phê chuẩn nhưng không cho phép các nhà lập pháp được quyền sửa đổi nội dung thỏa thuận.
Giới chuyên gia nhận định vụ rò rỉ thông tin này có thể là một thảm họa đối với nỗ lực của chính quyền Tổng thống Barack Obama và các nhà vận động hành lang trong việc thuyết phục Quốc hội trao quyền đàm phán nhanh nhằm thúc ép Quốc hội sớm thông qua thỏa thuận TPP./.
Theo TTXVN/VietNam+