Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trao đổi tại buổi trò chuyện với toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Bộ TT&TT về truyền thống, lịch sử của ngành và những cơ hội, thách thức, sứ mệnh, nhiệm vụ của Ngành trong kỷ nguyên số, nhân kỷ niệm 79 năm Ngày Truyền thống ngành Thông tin và Truyền thông diễn ra ngày 28/8, tại Hà Nội.
Mở đầu buổi nói chuyện, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh 10 chữ vàng truyền thống của ngành "Trung thành - Dũng cảm - Tận tụy - Sáng tạo - Nghĩa tình" là di sản quý báu mà cha anh đã để lại, tạo nên bản sắc của Bộ, ngành TT&TT. Vì vậy, Bộ trưởng cho rằng, cần kế thừa, coi đây là hành trang để không làm mất đi cội nguồn của mình, đồng thời ở mỗi giai đoạn phát triển cần tạo thêm nội hàm mới cho 10 chữ này.
Bộ trưởng chỉ rõ, nếu không thổi hồn, tiếp thêm nội hàm mới cho "10 chữ vàng" thì giá trị đó không còn sinh khí. Mặc dù thời đại thay đổi nhưng giá trị của 10 chữ vàng vẫn còn nguyên vẹn, song để phát triển, các giá trị này cần được cập nhật để phù hợp với bối cảnh mới.
Bộ trưởng nhấn mạnh sự cần thiết của việc phát triển bứt phá, đổi mới sáng tạo và tầm quan trọng của việc duy trì kỷ cương và tập trung vào những mục tiêu trọng tâm để đạt được hiệu quả cao nhất trong hoạt động quản lý và trong công việc theo phương châm hành động 8 chữ "Làm gương - Kỷ cương - Trọng tâm - Bứt phá".
Làm gương: Là phương châm chính của người lãnh đạo. Làm lãnh đạo là nói trước, làm trước, dẫn mọi người theo. Mình có tin thì mới lan tỏa được niềm tin ấy tới người khác. Mình có làm thì người dưới mới làm. Làm gương cũng là 1 trong 5 phương thức lãnh đạo của Đảng ta.
Kỷ cương: Là sự tuân thủ của tất cả mọi người ở tất cả các cấp, ở tất cả các công việc. Không có kỷ cương thì tổ chức không thể hoàn thành bất cứ việc gì. Kỷ cương là sức mạnh của một tổ chức. Tổ chức mà mất kỷ cương sẽ không làm được gì.
Trọng tâm: Là tìm ra cái chính. Cái chính chiếm 10-20% nhưng quyết định tới 80-90%. Tìm ra cái chính là việc đầu tiên và nhiều khi là việc khó nhất. Với nguồn lực hạn chế như Bộ TT&TT mà không tìm ra cái chính để tập trung thực hiện thì việc sẽ không thành hoặc thành thì cũng chỉ ở mức trung bình.
Bứt phá: Là tìm ra cách tiếp cận độc đáo để tạo ra sự phát triển đột phá. Không phát triển bứt phá thì sẽ không thay đổi được thứ hạng quốc gia. Việt Nam sẽ không thể vươn lên thành nước phát triển.
Bộ trưởng nhấn mạnh vai trò, sứ mệnh quan trọng của Bộ TT&TT là tạo thành đôi cánh để Việt Nam bay lên, một bên cánh tạo nên sức mạnh tinh thần do báo chí khơi dậy khát vọng hùng cường, niềm tin và đồng thuận của xã hội và bên cánh còn lại là sức mạnh vật chất được tạo nên bởi công nghệ.
Chủ trương luân chuyển cán bộ và giảm tải công việc
Tại buổi trò chuyện, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng chia sẻ về một số chủ trương của Bộ về luân chuyển cán bộ, về giảm tải công việc cho cán bộ công chức.
Trong công tác luân chuyển cán bộ, Bộ TT&TT là Bộ luân chuyển cán bộ đi địa phương nhiều nhất. Trong 5 năm qua, Bộ đã luân chuyển 14 cán bộ đi các địa phương, bộ, ngành khác. Tất cả các cán bộ này sau khi được luân chuyển đều trưởng thành, tư duy mở rộng. Do đó, luân chuyển cán bộ chính là để phát triển, tạo ra năng lượng mới.
Bộ TT&TT đang rất chú trọng việc giảm tải cho người lao động. Mỗi năm Bộ nhận được 8.000 báo cáo từ Sở gửi lên.
Mới đây, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương đã chỉ đạo Văn phòng Bộ 1 năm chỉ yêu cầu Sở báo cáo về Bộ 800 báo cáo, chỉ điền số, không phải viết báo cáo, như vậy giảm tải 10 lần cho cả Sở và Bộ. Có cơ sở dữ liệu đó rồi, các Cục, Vụ, Bộ muốn làm báo cáo gửi lên cấp trên thì tự làm, không yêu cầu Sở báo cáo nữa.