Thượng tướng Lương Tam Quang: Thiệt hại từ lừa đảo trực tuyến năm 2023 là 390.000 tỉ đồng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với năm 2022, gây thiệt hại tương đương 3,6% GDP. Tội phạm mạng trong và ngoài nước liên tục thay đổi phương thức, lợi dụng công nghệ mới để tấn công tổ chức, doanh nghiệp và người dùng.

Thượng tướng Lương Tam Quang: Thiệt hại từ lừa đảo trực tuyến năm 2023 là 390.000 tỉ đồng

Ai là mục tiêu của lừa đảo trực tuyến?

Chia sẻ tại Hội thảo "Phòng chống lừa đảo trên không gian mạng" được tổ chức ngày 13/5, Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia, nói rằng thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra liên tục, tại nhiều địa phương, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân.

Các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, liên tục thay đổi, sử dụng số điện thoại rác, tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội ảo, nhằm đối phó với công tác phòng ngừa, xử lý của cơ quan chức năng.

Theo thống kê, thiệt hại từ lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam năm 2023 là 390.000 tỉ đồng, tương đương 3,6% GDP, trong đó 91% liên quan lĩnh vực tài chính, tăng 64,78% so với năm 2022, tỷ lệ người dùng nhận tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo trực tuyến là 73%.

Từ công tác đấu tranh phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho thấy hoạt động của các đối tượng phạm tội rất chuyên nghiệp, có tổ chức, phân công vai trò cụ thể. Các đối tượng cầm đầu thường là người nước ngoài, trú chân tại địa bàn các nước láng giềng lừa đảo, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ đưa người Việt Nam ra nước ngoài thực hiện hành vi phạm tội.

Phương thức, thủ đoạn phạm tội rất tinh vi, sử dụng công nghệ deepfake giả mạo người thân hoặc cơ quan chức năng gọi điện; kêu gọi đầu tư qua các sàn giao dịch ngoại hối, tiền ảo, chứng khoán.

Đối tượng mà tội phạm lừa đảo qua mạng hướng tới chủ yếu là nhóm người cao tuổi, sinh viên, người lao động có công việc không ổn định, thu nhập thấp, thậm chí cả trẻ em, những người sử dụng điện thoại thông minh, có điều kiện tham gia môi trường mạng nhưng khả năng nhận diện các dấu hiệu, hành vi lừa đảo còn thấp, dễ bị lợi dụng sự cả tin, lòng tham để thực hiện hành vi lừa đảo.

Những khó khăn trong phòng chống tội phạm trên không gian mạng

Cũng theo Thượng tướng Lương Tam Quang, mặc dù tội phạm mạng hoạt động ngày một tinh vi, phức tạp, nhưng công cuộc phòng chống tội phạm mạng tại Việt Nam đã đạt được một số tiến bộ nhất định.

Thứ nhất, đã hình thành hành lang pháp lý, tạo cơ sở vững chắc cho đấu tranh phòng, chống tội phạm mạng nói chung và tội phạm lừa đảo qua mạng nói riêng Chẳng hạn như chính phủ đã ban hành Luật An ninh mạng, Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng, Nghị định 13 về bảo vệ dữ liệu cá nhân...

Thứ hai, công tác tuyên truyền về phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng được đẩy mạnh với nhiều hình thức phong phú, tiếp cận đến nhiều người dân. Việc xóa bỏ sim "rác", ngăn chặn các giao dịch, dòng tiền liên quan hành vi phạm tội, rà soát, phát hiện các giao dịch đáng ngờ liên quan hoạt động lừa đảo đang được thúc đẩy; hệ thống trao đổi thông tin cơ sở dữ liệu về tài khoản ngân hàng liên quan đến đối tượng lừa đảo, vi phạm pháp luật đang được xây dựng.

Về những những khó khăn trong công tác đấu tranh với tội phạm mạng, Thượng tướng Lương Tam Quang đã thẳng thắn thừa nhận 4 hạn chế còn tồn tại:

Thứ nhất, hành lang pháp lý chưa điều chỉnh theo kịp với các vấn đề mới phát sinh, chưa có quy định cụ thể về nhận diện người dùng Internet dẫn đến khó khăn trong quản lý đối tượng trẻ em, trong khi 1/3 người dùng Internet tại Việt Nam là chưa thành niên, phần lớn không có kỹ năng sử dụng mạng an toàn.

Thứ hai, quy trình xử lý các vụ việc lừa đảo còn tồn tại một số khó khăn, nhất là phối hợp với các tổ chức tín dụng, ngân hàng để truy vết dòng tiền lừa đảo mất nhiều thời gian, hiệu quả thu hồi kém; phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến cũng mất nhiều thời gian và hiệu quả chưa cao, thông tin cung cấp chậm và chưa xác định được địa chỉ IP của đối tượng khi dùng mạng qua 3G, 4G.

Thứ ba, nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực an ninh mạng thiếu hụt; vấn đề "sim rác, mua bán tài khoản ngân hàng tuy đã được tập trung xử lý, song vẫn còn tràn lan khiến hoạt động điều tra tội phạm gặp nhiều khó khăn (qua rà soát, các kênh bán sim không chính chủ qua đại lý, các trang thương mại điện tử, trang mạng xã hội vẫn diễn ra phổ biến, dễ dàng tiếp cận mua với số lượng lớn; các kênh chợ đen, Facebook, Telegram, Twitter... buôn bán hàng nghìn tài khoản ngân hàng với giá thấp.

Thứ tư, hệ thống cơ sở dữ liệu chia sẻ, kết nối thông tin tội phạm vẫn còn bất cập, chưa xây dựng cơ sở chuyên ngành, dữ liệu chưa được chuẩn hóa, các quy định về kết nối, chia sẻ dữ liệu còn thiếu.

Với thực tế nêu trên, Thượng tướng Lương Tam Quang cho rằng việc ngăn chặn, giảm thiểu thiệt hại do lừa đảo qua không gian mạng đang đặt ra rất cấp thiết hiện nay; cần sớm thống nhất nhận thức, hành động trong mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân.