Liên minh quân sự Hồi giáo do Ả Rập Xê-út dẫn đầu đã có cuộc gặp mặt đầu tiên ở Riyadh vào ngày 26/11, khởi động chương trình chống khủng bố lớn hơn của Ả Rập Xê-út trong khu vực. Cho dù Ả Rập Xê-út liên tục khẳng định rằng liên minh này không phải để chống lại một nước cụ thể nào, nhưng sự thật là hoạt động chống khủng bố trước đó của Ả Rập Xê-út chủ tập trung vào ngăn chặn sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Iran trong khu vực.
Theo lập trường của Ả Rập Xê-út, sự tham gia nước này ở Syria chỉ là nhằm chống khủng bố. Nhưng còn một câu hỏi quan trọng là: sao yêu cầu “Assad buộc phải rời đi” cùng với việc tài trợ một khoản lớn cho các nhóm khủng bố để lật đổ Assad lại được coi là hành động chống khủng bố? Ngược lại, tại sao việc quân đội Syria chống lại các nhóm quân do Ả Rập Xê-út tài trợ lại bị coi là khủng bố? Tương tự, tại sao sự nổi dậy của phiến quân Houthi ở Yemen lại bị coi là khủng bố trong khi phiến quân này chỉ đang chống lại sự bành trướng của Ả Rập Xê-út và chiến đấu bảo vệ đất nước khỏi giặc ngoại xâm?
Với quan niệm về chủ nghĩa khủng bố của Ả Rập Xê-út, không khó để đánh giá đối tượng nào sẽ bị A Rập Xê út coi là khủng bố. Có những báo cáo cho thấy Israel sẽ chia sẻ thông tin tình báo chống Iran với Ả Rập Xê-út và rất có thể Ả Rập Xê-út sẽ phổ biến thông tin này cho 39 thành viên khác trong liên minh, buộc các thành viên còn lại coi Iran là kẻ thù thực sự và là lực lượng khủng bố cần đối phó.
Nhưng điều này sẽ không xảy ra một cách đơn giản và dễ dàng như vậy. Thực tế liên minh quân sự Hồi giáo vẫn chưa đi vào hoạt động vì thách thức của lần họp đầu tiên và phải phối hợp quân đội của 40 nước. Hơn nữa các hoạt động đáp trả của Iran cũng sẽ khiến các hoạt động này trở nên vô nghĩa trong ma trận địa chính trị ở khu vực.
Ngay khi liên minh này có cuộc họp chính thức đầu tiên tại Riyadh, Tehran cũng đang hoàn thiện các thỏa thuận thương mại với các nhân tố quan trọng trong khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar. Cho dù truyền thông phương Tây cho rằng những thỏa thuận này chẳng mang lại nhiều lợi nhuận, nhưng thực tế nội dung của các thỏa thuận này lại cho thấy một liên minh chống lại liên minh quân sự Hồi giáo đang được hình thành trên thực tế.
Không giống như liên minh của Ả Rập Xê-út với cách tiếp cận mang bản sắc của nước này là ném tiền vào để giải quyết vấn đề, liên minh đối trọng của Iran không phải dựa trên cảm giác sai lầm về nguy cơ an ninh hay thù địch. Ngược lại, logic của nó là củng cố thương mại khu vực, để ngăn chặn tác động của các động thái bá quyền, như việc phong tỏa Qatar hay áp đặt các lệnh cấm vận lên Iran.
Thỏa thuận giữa Iran, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ do bộ trưởng thương mại ba nước ký kết là động thái đầu tiên chống cấm vận, vì một phần mục đích là để thành lập “một nhóm hoạt động chung hỗ trợ cho việc vận chyển hàng hóa giữa ba nước”, nhằm đối phó với những trở ngại trong việc đưa hàng hóa từ Iran và Thổ Nhĩ Kỳ tới Qatar.
Điều khiến động thái vốn không được chú ý này trở nên quan trọng là thỏa thuận này là bước đi của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm phá hoại nỗ lực của Ả Rập Xê-út nhằm cô lập Qatar và buộc nước này phải coi Ả Rập Xê-út là bá quyền khu vực. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra và cũng chẳng có cơ hội xảy ra, nhờ vào đường lối ngoại giao thương mại của Iran và sự chuyển dịch của Thổ Nhĩ Kỳ rời khỏi Riyadh, sâu xa hơn là chuyển dịch khỏi khối NATO và Mỹ, và tìm ra điểm trùng hợp lợi ích mới với Iran và Nga.
Iran đã tận dụng tối đa hiệp ước thân thiện với Thổ Nhĩ Kỳ, đây là hệ quả của sự phối hợp giữa hai bên trong vấn đề Syria, thông qua các tiến trình hòa bình Sochi và Astana. Iran đã lôi kéo được Thổ Nhĩ Kỳ chuyển dịch khỏi chính sách đối ngoại thân Ả Rập Xê-út.
Kể từ khi phong tỏa, thương mại giữa Iran và Qatar đã tăng 117%. Các số liệu do cơ quan hải quan Iran đưa ra cho thấy Iran đã xuất khẩu 737.500 tấn hàng hóa không phải dầu mỏ trị giá 67,5 triệu USD cho Qatar trong vòng 5 tháng - tăng trưởng hàng năm tăng 30,8% về khối lượng và 60,57% về giá trị.
Tuy nhiên, việc Thổ Nhĩ Kỳ tham gia vào các động thái chống Ả Rập Xê út không chỉ hoàn toàn là nhờ chính sách ngoại giao thành công của Iran. Trên thực tế, Qatar đầu tư vào Thổ Nhĩ Kỳ hơn 20 tỷ USD, đứng thứ hai trong số các nước. Điều này cũng buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải ủng hộ Qatar. Trong phiên hợp đặc biệt hôm 7/6, hai ngày sau khi nổ ra cuộc khủng hoảng Vùng Vịnh, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã phê chuẩn hai thỏa thuận trước đó, cho phép quân Thổ được triển khai ở Qatar và chấp thuận hòa ước giữa hai nước về mặt hợp tác huấn luyện quân sự. Sau khi phê chuẩn hai thỏa thuận này, 5 xe bọc thép và 23 nhân viên quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ đã đến Doha hôm 18/6 để thực hiện các kế hoạch tăng cường quân số lên 3.000 và giữ một lữ đoàn ở Qatar.
Ngoài những lý do trên, nguyên nhân quan trọng nhất khiến Thổ Nhĩ Kỳ nhiệt tình ủng hộ Qatar và Iran chính là khí đốt. Nga, Iran và Qatar chiếm khoảng 55% lượng dự trữ khí đốt của cả thế giới, và các nước này đều là những nhân tố lãnh đạo trong Diễn đàn các nước xuất khẩu khí đốt. Trong khi đó, lượng nhập khẩu khí đốt của Thổ Nhĩ Kỳ tăng 22% vào tháng 9/2017, do đó, nước này sẽ có lợi rất lớn từ liên minh này khi giành được quyền tiếp cận nguồn dự trữ khí đốt khổng lồ, giúp vận hành nền kinh tế.
Vào tháng 9/2017, lượng nhập khẩu khí đốt từ Nga của Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng 14,6%, lên mức 2,27 tỷ mét khối, so với mức 1,98 tỷ mét khối năm 2016. Và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã ký thỏa thuận với Qatar, theo đó, Qatar sẽ vận chuyển cho Thổ Nhĩ Kỳ 2 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên, điều này thể hiện sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng giữa hai nước, và đặc biệt còn cho phép Qatar thách thức các động thái bá quyền của Ả Rập Xê-út.
Rõ ràng là liên minh đối phó với Liên minh quân sự Hồi giáo đã hình thành, với sự tham gia của Iran, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này có thể sẽ gây ra những hệ quả khôn lường với liên minh "NATO Ả Rập" do Ả Rập Xê-út dẫn đầu.
Liên minh đối trọng này đã làm đảo lộn các kế hoạch của Ả Rập Xê-út đối với Qatar và có thể sẽ phá hoại các tham vọng của Ả Rập Xê-út khi quan hệ giữa các thành viên khác của liên minh và Iran bắt đầu ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách, chiến lược khu vực và chiến thuật của Liên minh quân sự Hồi giáo.
Thậm chí Pakistan, nước vẫn duy trì quan hệ sâu sắc với Ả Rập Xê-út cũng có mâu thuẫn với chính sách của nước này và đang muốn cải thiện quan hệ với Iran. Gần đây, có báo cáo cho rằng Pakistan đã trở thành một trong số các nước tăng cường xuất khẩu sang Qatar. Những diễn biến này đang biến liên minh Hồi giáo thành gánh nặng của Ả Rập Xê-út, và liên minh này sẽ khó đạt được các mục tiêu đề ra.