Acompany có trụ sở tại Nagoya, chuyên cung cấp các dịch vụ liên quan đến công nghệ mật mã, trả tiền thưởng để nhân viên đến làm tại văn phòng (Ảnh: Nikkei) |
Kể từ khi làm việc từ xa trở nên phổ biến do đại dịch COVID-19, người lao động ở Nhật Bản đã tận hưởng môi trường làm việc linh hoạt này, bất chấp thực tế rằng nhiều người rơi vào tình trạng cô đơn và căng thẳng, hoặc bắt đầu cảm thấy khả năng sáng tạo của mình suy giảm.
Gần đây, một số startup ở Nhật Bản đã bắt đầu áp dụng một “phương thuốc” mới cho những căn bệnh này: chi tiền thưởng để nhân viên đến văn phòng làm việc trong một số ngày nhất định.
Các công ty này hy vọng rằng bằng cách như vậy, họ có thể tăng cường sức khỏe tinh thần và khơi dậy khả năng đưa ra những ý tưởng mới của nhân viên.
Các khoản phụ cấp như vậy được kỳ vọng sẽ tạo nên sự cân bằng giữa lợi ích của việc đi làm từ xa và việc đến làm tại nơi công sở.
Agileware - công ty có trụ sở tại Osaka - chuyên xử lý các hệ thống quản lý dự án, vào tháng 9 đã bắt đầu trả 2.000 yên (khoảng 13 USD) cho mỗi ngày nhân viên có mặt tại văn phòng. Ngoài ra, những nhân viên đi ăn trưa cùng nhau sẽ được hưởng thêm 500 yên.
Điều duy nhất cần chú ý là người lao động phải làm việc tại văn phòng hơn 4 giờ mỗi ngày và chỉ có thể nhận tiền thưởng trong 10 ngày mỗi tháng. Khoản tiền thưởng này sẽ sớm được thể hiện vào các quy định làm việc chính thức của công ty, trở thành một phần trong hệ thống trả lương chính thức.
Công ty khởi nghiệp này từ trước đại dịch đã áp dụng hình thức làm việc từ xa, cho phép nhân viên làm việc theo giờ từ bất kỳ nơi nào thuận tiện cho họ. Sự tự do đó là một phần văn hóa doanh nghiệp và là điều mà Agileware không muốn phá bỏ khi đưa ra phương pháp mới nhằm chữa trị những căn bệnh sinh ra do thiếu tương tác với thế giới thực.
Chi phí chăm sóc sức khỏe tâm thần ngày càng tăng của các kỹ sư – những người thường xuyên cảm thấy sự cô đơn – là nguyên nhân chính mà Agileware đưa ra biện pháp mới để thu hút nhân viên đến văn phòng nhiều hơn.
Một số nhân viên gia nhập công ty trong thời kỳ đại dịch, thời điểm làm việc từ xa là lựa chọn duy nhất, nhưng hiện tại đã rời công ty do vấn đề sức khỏe tâm thần.
“Chúng tôi tin rằng nhân viên cần phải gặp mặt trực tiếp và có cơ hội để cảm nhận những khó khăn trong công việc cũng như tình trạng sức khỏe của nhau”, Giám đốc điều hành Agileware Mitsuyoshi Kawabata cho biết, và thêm rằng ông “hy vọng những ý tưởng mới sẽ xuất hiện trong các cuộc hội thoại giữa nhân viên và người quản lý”.
Mong muốn của ban điều hành công ty thực sự đã thành hiện thực ở một mức độ nào đó. Sau khi công ty phân phát đồng hồ thông minh cho khoảng 60 nhân viên để họ theo dõi sức khỏe tốt hơn, ý tưởng này đã phát triển thành một ý tưởng kinh doanh trong lĩnh vực quản lý sức khỏe để áp dụng rộng rãi hơn.
Acompany, một công ty có trụ sở tại Nagoya chuyên cung cấp các dịch vụ liên quan đến công nghệ mật mã, đã thiết lập một hệ thống tương tự. Những người viết mã và xử lý các công việc khác được trả thêm 1.000 yên mỗi ngày nếu họ làm việc tại văn phòng từ 1 đến 4 giờ chiều.
Giống như Agileware, Acompany cảm thấy họ cần phải tạo ra sự cân bằng mới. Họ muốn đảm bảo rằng những nhân viên ở xa - có những người sống ở xa như Hokkaido, hòn đảo chính nằm ở cực Bắc của Nhật Bản và Okinawa, tỉnh cực Nam của đất nước - cảm thấy thoải mái với sự sắp xếp của họ. Đồng thời, họ cũng muốn khuyến khích việc trao đổi ý tưởng và tương tác trực tiếp giữa các kỹ sư.
Một lãnh đạo của công ty tin rằng những khoản tiền thưởng nhỏ có thể khuyến khích những người làm việc từ xa đến văn phòng làm việc, trực tiếp chào nhau và tạo dựng quan hệ gần gũi hơn.
Cả Agileware và Acompany cũng đang xem xét các khoản phụ cấp đi lại mà họ phải trả. Chính sách trợ cấp đi lại trước đây, tại thời điểm mà nhân viên phải đến văn phòng hàng ngày, nay đã không còn phù hợp. Hiện tại, cả hai công ty đều thanh toán chi phí đi lại dựa trên thực tế.
“Chúng tôi đã lắng nghe cẩn thận ý kiến của các chuyên gia để tránh tăng thêm gánh nặng cho nhân viên do những thay đổi trong luật thuế và luật lao động”, Giám đốc công ty Acompany Hayata Sagasaki cho biết./.
Lạm phát Nhật Bản tăng nhẹ trong tháng 10
Nhật Bản: Quốc gia duy nhất trên thế giới hoan hỉ vì lạm phát
Kỷ nguyên giảm phát của Nhật Bản sắp kết thúc?
Theo Nikkei Asia