Nhân tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN - Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã có buổi làm việc với 10 doanh nghiệp lớn về vi mạch và bán dẫn của Nhật Bản
Chia sẻ với các doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam muốn "đi sau, về trước" trong phát triển công nghiệp bán dẫn. Đảng và Chính phủ Việt Nam coi chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nói chung và công nghiệp bán dẫn nói riêng, là mũi nhọn để tạo đột phá, phát triển kinh tế, xã hội, đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao, thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu châu Á vào năm 2045.
Nêu lý do Việt Nam là quốc gia an toàn, đáng để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đến 4 yếu tố nền tảng, bao gồm: Thứ nhất, Việt Nam là một quốc gia luôn giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và có sự ổn định về chính trị. Thứ hai, Việt Nam đang phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa (XHCN), phát huy ý chí sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Thứ ba, Việt Nam xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN - của dân, do dân và vì dân. Thứ tư là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN - tôn trọng quy luật thị trường khách quan nhưng có sự điều tiết của nhà nước khi cần thiết.
Cũng theo người đứng đầu Chính phủ, Việt Nam xác định rõ ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực và thể chế; thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong lĩnh vực bán dẫn, Việt Nam xác định sử dụng nguồn nội lực là cơ bản, lâu dài, còn nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá. Thủ tướng nêu ví dụ nhờ nguồn lực từ Nhật Bản mà Việt Nam đã có nhiều công trình lớn như cầu Nhật Tân, cầu Bãi Cháy.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn lại lời Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio rằng "quan hệ Việt Nam - Nhật Bản là không có giới hạn", cũng như việc nâng cấp quan hệ giữa 2 nước gần đây lên "đối tác chiến lược toàn diện", chính là nền tảng quan trọng để doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Người đứng đầu chính phủ Việt Nam đề nghị các doanh nghiệp bán dẫn, vi mạch Nhật Bản hợp tác, đầu tư, phát triển hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam ở tất cả các công đoạn từ kiểm thử, xây dựng nhà máy sản xuất chip, và đóng gói. Ngoài ra, phía Nhật Bản có thể xây dựng các cơ sở đào tạo, trung tâm nghiên cứu phát triển, tổ chức các chương trình đào tạo kỹ sư bán dẫn tại Việt Nam.
Thủ tướng hứa Chính phủ Việt Nam sẽ có chính sách ưu tiên về thuế, đất đai... phù hợp cho các doanh nghiệp Nhật Bản khi đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn tại Việt Nam.
“Việt Nam mong muốn phát triển ngành sản xuất chip bán dẫn đột phá theo tinh thần 'đi sau về trước'. Thành công của các nhà đầu tư cũng là thành công của Việt Nam", Thủ tướng nhấn mạnh.
Đáp từ lời đề nghị của Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Yoshitaka Kitao, Chủ tịch Tập đoàn SBI Holdings - cho biết tập đoàn này đang xây dựng các nhà máy bán dẫn tại Nhật Bản. Tập đoàn cũng đang xem xét mở rộng ra nước ngoài, trong đó Việt Nam là một điểm đến đầy hứa hẹn. Cho đến nay, SBI Holdings đã đầu tư vào 3 doanh nghiệp tại Việt Nam gồm Sàn giao dịch điện tử Sendo, Ứng dụng công nghệ đa tính năng Utop và Công ty phát triển phần mềm SBI FPT.
Đại diện công ty Denso cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc củng cố chuỗi cung ứng trở thành một trong những vấn đề quan trọng nhất, đặc biệt giữa các quốc gia có cùng chí hướng.
Trong khi đó, đại diện công ty Rapidus Corporation lại muốn tìm hiểu kỹ hơn về các chính sách phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.
Kết thúc buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa khẳng định với các doanh nghiệp Nhật Bản rằng Việt Nam là một địa điểm tốt để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu