Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2023 đã vinh danh Nhân tài trong 5 lĩnh vực: Công nghệ số, Khoa học công nghệ, Y - Dược, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Khuyến học - Tự học thành tài.
Tại Lễ trao giải Nhân tài Đất Việt năm 2023 diễn ra tối 20/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng Giải thưởng là một trong những sân chơi rộng mở để khẳng định, tôn vinh trí tuệ, sức sáng tạo với các nhân tài Việt Nam; động viên và thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học có giá trị tác động tích cực trên các lĩnh vực đời sống kinh tế-xã hội của đất nước ta.
"Hiền tài là nguyên khí của quốc gia" - Thủ tướng nói và khẳng định trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, truyền thống chăm lo việc gây dựng nhân tài, tiến cử người hiền tài, tôn vinh và trọng dụng nhân tài luôn được ông cha ta quan tâm, chú trọng, kế thừa và phát triển qua bao thế hệ.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, trải qua 17 mùa giải, Giải thưởng Nhân tài Đất Việt đã trở thành chương trình uy tín, kết nối hiệu quả giữa chuỗi các sự kiện nghiên cứu sáng tạo và ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào cuộc sống, thu hút sự tham gia của trên 7.200 cá nhân, tập thể, những tài năng CNTT và các nhà nghiên cứu khoa học trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
Trong đó, có những nhà khoa học chuyên và không chuyên; các giáo sư, tiến sĩ đam mê nghiên cứu khoa học công nghệ, những nhà nông giỏi luôn kiên trì tìm tòi, phát triển các phương tiện, kỹ thuật mới để giải phóng sức lao động cơ bắp trên đồng ruộng; những người thợ lành nghề luôn khát vọng vươn lên, không ngừng nâng cao năng suất lao động, chinh phục những đỉnh cao mới trong sản xuất và kinh doanh.
Họ là những nhân tài Việt Nam ở khắp mọi miền Tổ quốc, ở cả trong nước và ngoài nước. Đặc biệt, có những người gần 80 tuổi vẫn miệt mài nghiên cứu sáng tạo sản phẩm mới giúp ích cho cộng đồng, như bác Phạm Quốc Văn (tham gia năm 2012). Hay có em học sinh mới 8 tuổi đã tạo ra những sản phẩm công nghệ giúp bạn bè học tập hiệu quả như cháu Dương Đông Phong (tham gia năm 2007). Đây là những minh chứng sống động của tinh thần học tập suốt đời, mang cho chúng ta những tri thức mới, có tri thức mới, chúng ta sẽ làm chủ công nghệ mới, sáng tạo ra công nghệ mới.
“Đó là thành quả ngày đêm miệt mài nghiên cứu, ý chí nghị lực vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, tinh thần quyết tâm học tập thường xuyên, lao động cần cù, học đi đôi với hành, nghiên cứu khoa học, và sáng tạo tri thức mới ngay trong quá trình học tập, sản xuất, lấy phục vụ dân sinh làm mục đích hoạt động của mình” – Thủ tướng ghi nhận.
Thủ tướng cho biết, trong bối cảnh tình hình thế giới biến đổi nhanh chóng, khó lường, khó dự báo, xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động mạnh mẽ lên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế và xã hội; mỗi quốc gia, doanh nghiệp và từng cá nhân muốn phát triển phải không ngừng học tập, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ để tạo ra những giá trị mới phù hợp với tiến trình phát triển mới. Trong quá trình đó, con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực, là động lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 xác định nhiệm vụ: "Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài. Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội…"; góp phần hướng tới mục tiêu đến năm 2030, nước ta là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Để thực hiện thành công mục tiêu đặt ra, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng, thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương quán triệt, triển khai hiệu quả các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về thu hút và trọng dụng nhân tài; nhất là Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Trung ương về "tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới" và "Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050".
"Với hàng trăm nghìn người trở thành công dân học tập mỗi năm, đất nước sẽ có một kho tàng lớn về tài năng, sẽ có tài nguyên trí tuệ dồi dào để xây dựng một đội ngũ nhân lực chất lượng ngày càng cao", Thủ tướng chỉ rõ.
Thủ tướng Chính phủ mong muốn mỗi người tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ, ấp ủ hoài bão, không ngừng nỗ lực khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, phấn đấu học tập, nghiên cứu để có nhiều ý tưởng mới, sáng tạo nhiều sản phẩm khoa học mới, đóng góp nhiều hơn nữa, xứng đáng hơn nữa cho cộng đồng, xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước.
Bà Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo Giải thưởng - cho biết Giải thưởng “Nhân tài Đất Việt” do Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam khởi xướng, nhằm tìm kiếm và tôn vinh tài năng trong các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản: Công nghệ thông tin, Khoa học - Công nghệ, Y- dược, Nông nghiệp, Môi trường.
Tại lễ trao giải, bà Doan nhấn mạnh: Đây thực sự là những công trình xuất sắc, xứng đáng được tôn vinh. Có thể khẳng định, các tác giả đều là hiền tài của dân tộc, là nguyên khí quốc gia cần được tiếp tục quan tâm để họ được phát huy hết tài năng, trí tuệ vì sự phát triển bền vững của đất nước.
Đến nay, giải thưởng đã thu hút trên 7.500 tác giả, nhà khoa học tham dự trong đó có 260 Việt Kiều, hơn 3.600 sản phẩm và công trình khoa học dự thi.
Giải đã tôn vinh 210 sản phẩm công nghệ thông tin và công trình khoa học, trong đó có 50 sản phẩm được áp dụng triển khai ra thị trường khu vực và thế giới.
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2023 đã trao giải cho 5 lĩnh vực:
Ở lĩnh vực Công nghệ số, hệ thống sản phẩm Công nghệ số Triển vọng không có giải Nhất.
Giải Nhất ở hệ thống sản phẩm Công nghệ số Thành công thuộc về tác phẩm "Phần mềm số hóa và mô phỏng DKS - SINOVA".
Giải thưởng lĩnh vực Khoa học công nghệ là công trình "Sản phẩm kem bôi Dược mỹ phẩm đa năng có tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm, làm lành vết thương, vết bỏng, liền sẹo, ứng dụng cho xử trí nhanh vết thương ở các trường hợp thiên tai, địch họa".
Giải thưởng lĩnh vực Y Dược không có giải Nhất, giải Nhì thuộc về công trình "Thẩm mỹ mũi bằng sụn sườn tự thân hoàn toàn (sống mũi được tạo hình bằng sụn sườn dập mềm cắt mịn).
Giải Ba: Công trình "Phẫu thuật kích thích não sâu điều trị bệnh Parkinson".
Giải triển vọng: Công trình "Giá trị các chỉ dấu sinh học hTERT mRNA, AFP, AFP-L3, DCP trong phát hiện bệnh ung thư tế bào gan".
Giải nhất của lĩnh vực Nông nghiệp và phát triển Nông thôn thuộc về công trình "Ứng dụng Công nghệ đập trụ đỡ và các giải pháp khoa học mới trong thiết kế, thi công công trình cống Cái Lớn - Cái Bé".
Giải Nhì: Công trình "Vắc-xin kép vô hoạt phòng bệnh phù đầu và phó thương hàn lợn (COLISAL)".
Giải Nhất của lĩnh vực Khuyến học - Tự học thành tài thuộc về 5 đề án sáng chế gồm: Đề án sáng chế: "Nghiên cứu, bào chế bài thuốc chữa bỏng thuốc mỡ sinh cơ và cải tiến phương pháp sử dụng thuốc trong quá trình điều trị vết thương bỏng cho bệnh nhân"; Đề án sáng chế: "Kéo cắt tỉa đa năng"; Đề án sáng chế: "Đầu tưới phun mưa lệch tâm"- của ông Nguyễn Văn Hai, Tỉnh Bình Thuận; Đề án sáng chế: "Máy cày phao nổi và máy trục - ước mơ nhà nông" và đề án sáng chế: "Cải tiến phương pháp trồng và chế biến chè xanh chất lượng cao được công nhận OCOP 5 sao".
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu