Trong những ngày qua, truyền thông quốc tế đã bắt đầu đưa tin về việc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cùng xe tăng và xe bọc thép vượt biên giới tấn công người Kurd trong lãnh thổ Syria. Cuộc tấn công vũ trang vào Afrin được cho là sự mở rộng của chiến dịch Lá chắn sông Euphrates của Thổ Nhĩ Kỳ với mục tiêu tuyên bố ban đầu là chống IS và đẩy người Kurd ra khỏi miền bắc Syria.
Binh sĩ của hai bên đều đang chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc chiến máu lửa, cuộc xung đột được cho là sẽ khiến căng thẳng hiện nay giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đẩy lên cao. Việc Mỹ phát triển quan hệ với các nhóm đối đầu lẫn nhau chính là nguồn cơn dẫn đến thất bại của Mỹ trong khu vực.
Kế hoạch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ
Thực tế không ai biết chính xác kế hoạch chiếm cứ Afrin của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng chắc chắn là tấn công trên bộ là trụ cột chính trong kế hoạch của nước này. Trong những tuần qua, xe tăng, xe chiến đấu trên bộ và pháo tự hành đã được chuyển đến khu vực biên giới phía bên Thổ Nhĩ Kỳ. Đáng chú ý là quân đội nước này đã triển khai các thiết bị gây nhiễu tín hiệu, do đó rất có thể Thổ sẽ sử dụng đòn tác chiến điện tử.
Tuy nhiên, không phải một mình Thổ Nhĩ Kỳ tự gây ra cuộc chiến. Trong những chiến dịch trước đây của nước này trên đất Syria Ankara phần lớn dựa dẫm vào lực lượng phiến quân thân Thổ để chiến đấu chống lại người Kurd. Lần này có lẽ cũng không khác biệt. Hôm thứ Ba tuần trước, khi được hỏi liệu phiến quân của Syria có tham gia vào chiến dịch tấn công Afrin lần này hay không, Tổng thống Erdogan khẳng định: “Tất nhiên là có rồi. Cuộc chiến lần này là vì họ chứ không phải vì chúng tôi.”
Một số trang truyền thông của Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng cuộc tấn công sẽ bắt đầu bằng các cuộc không kích bằng máy bay chiến đấu và máy bay không người lái vào 149 điểm đóng quân của Các đơn vị dân quân tự về người Kurd (YPG). Afrin và các khu vực lân cận đã bị lực lượng đặc nhiệm của Thổ giám sát trong những tuần qua.
Chiếm Afrin không phải chuyện dễ
Trong khi đó, các chuyên gia bày tỏ nghi ngờ khi cho rằng chiến dịch quân sự chiếm Afrin từ tay người Kurd không phải là một nhiệm vụ dễ dàng đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Grigory Lukyanov, giáo sư trường Kinh tế Đại học Mátxcơva trả lời Reuter rằng “Chiến dịch Lá chắn sông Euphrates cho thấy lãnh đạo quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ có rất ít kinh nghiệm trong việc tiến hành các chiến dịch phức tạp liên quan đến lục quân, không quân và xe thiết giáp hạng nặng.”
Cho dù quân đội nước này không hề thiếu vũ khí đạn dược hay nhân lực nhưng Lukyanov cho rằng nước này thiếu những sĩ quan đủ khả năng để vận hành các hệ thống tinh vi như máy bay không người lái hay máy bay. Thổ Nhĩ Kỳ đã phải trả giá rất đắt cho các cuộc tấn công trong chiến dịch Lá chắn sông Euphrates trước đây khi quá nhiều binh lính nước này bị thương hoặc thiệt mạng và nhiều xe thiết giáp bị phá hủy không thể sửa chữa được.
Về phần mình, người Kurd lại xây dựng được lực lượng chiến đấu đáng tin cậy, được đào tạo và nhận vũ khí hiện đại từ Mỹ, cùng với kinh nghiệm chiến đấu mà dân quân người Kurd đã tích lũy được trong cuộc chiến chống IS, những điều này đã khiến người Kurd trở thành một "đối thủ gần ngang hàng "với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.
Nga im hơi lặng tiếng, Thổ rối bời
Mặc dù tấn công trên bộ dường như là sự lựa chọn an toàn nhất cho Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng nước này cũng sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự hỗ trợ trên không. Thổ không thể chịu nổi con số thương vong quá lớn khiến cho không quân sẽ trở thành nhân tố làm thay đổi cuộc chơi trong cuộc tấn công vào Afrin.
Ngoài ra, vùng lãnh thổ của người Kurd lại rất gần căn cứ không quân Khmeimim của Nga và thái độ của Nga đối với cuộc tấn công vào Afrin có lẽ là câu hỏi khó nhất đối với Ankara. Căn cứ không quân này được bảo vệ bởi hệ thống phòng không S-400, và Afrin cùng các tỉnh lân cận của Idlib chắc chắn nằm trong tầm bắn của tên lửa đất đối không.
Tuy nhiên, Igor Korotchenko, chuyên gia quân sự Nga, đồng thời là tổng biên tập của tạp chí "Quốc phòng", cho rằng S-400 được triển khai nhằm bảo vệ căn cứ không quân Khmeimim chống lại sự xâm nhập của kẻ thù, và không liên quan đến các tỉnh khác ở Syria. Ông nói: "Hoạt động của máy bay nước ngoài trong không phận Syria là trách nhiệm của lực lượng phòng không của Syria chứ không phải của Nga.”
Mátxcơva thường cảnh giác với các hành động của Thổ Nhĩ Kỳ ở phía bắc Syria, kêu gọi tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của nước này. Nhưng lần này để an toàn, Ankara cần phải để Nga cập nhật từng bước đi của mình và cố gắng hết sức nhằm tránh những sự cố nguy hiểm.
Trong những ngày gần đây, Nga đã khá im lặng trước kế hoạch chiếm Afrin của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuyên bố chính thức duy nhất là của Ngoại trưởng Sergey Lavrov, người hôm thứ Hai tuần trước đã thúc giục các bên tránh hành động cưỡng chế và chuyển sang bàn đàm phán. Ông cho rằng "Người Kurd là một phần của quốc gia Syria, do đó cần phải tính đến lợi ích của họ.”
Trong lúc đó, khi Thổ Nhĩ Kỳ tập trung quân đội và vũ khí thiết giáp dọc theo biên giới, người Kurd cũng bắt đầu “mài dũa đao kiếm” và nhận vũ khí từ nước ngoài. Đây chính là chỗ để Mỹ nhảy vào.
Mỹ loay hoay giữa Thổ và người Kurd
Chính sách đối với người Kurd của Washington hết sức mơ hồ ngay từ khi bắt đầu thực hiện chiến dịch chống IS. Một mặt, Mỹ đã coi Đảng Lao động người Kurd (PKK), Đảng đã chiến đấu chống lại chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ từ giữa những năm 1980, là một tổ chức khủng bố. Mặt khác, Mỹ lại phát triển quan hệ với lực lượng YPG người Kurd của Syria trong khi Ankara lại có hiềm khích với lực lượng này. Các chiến binh YPG hoạt động hết sức hăng hái và hiệu quả trong cuộc chiến chống IS, do đó nhanh chóng trở thành đồng minh quan trọng của Mỹ trên đất Syria.
Như vậy, Mỹ vừa khẳng định Thổ có quyền tiêu diệt “tổ chức khủng bố PKK” trong khi lại trở thành đồng minh với YPG ở Syria.
Thậm chí Lầu Năm Góc còn khiến tình hình phức tạp hơn bằng việc huấn luyện cho người Kurd và các chiến binh Ả Rập ở Syria ngăn chặn sự nổi dậy của IS. Mỹ định thành lập lực lượng biên giới với 30.000 quân, chủ yếu là các chiến binh của Lực lượng dân chủ Syria (SDF).
Động thái này đã khiến Ankara giận dữ và hứa sẽ “tiêu diệt nhóm khủng bố này trước khi chào đời.” Ông Erdogan cảnh báo lực lượng mà Mỹ muốn tạo ra sẽ chĩa súng chống lại quân của Mỹ. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã đưa vấn đề này ra với NATO và yêu cầu khối này có hành động chống lại ý tưởng thành lập “quân đội khủng bố” của Mỹ.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu còn nói thẳng thừng với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson rằng động thái này “có thể đe dọa quan hệ song phương giữa hai nước và có thể đưa hai nước đến một con đường không thể quay đầu".
Một số lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí còn kêu gọi cấm Không quân Mỹ sử dụng Căn cứ không quân Incirlik (ở Thổ Nhĩ Kỳ) cho đến khi Lầu Năm Góc chấm dứt mọi liên hệ với người Kurd ở Syria. Dogu Perincek, lãnh đạo đảng cánh tả Vatan, còn gợi ý buộc lính Mỹ rời khỏi căn cứ Incirlik và đề xuất Thổ hợp tác với Nga và Iran để răn đe Mỹ.
Chiến dịch tấn công Afrin: Mỹ thua cả đôi đường
Theo ước tính, hiện tại Mỹ có khoảng 2.000 binh lính đang triển khai tại Syria dù không có lời mời từ chính quyền Damascus hay sự ủy nhiệm của Hội đồng Bảo an LHQ. Lính Mỹ đã tham gia cùng lực lượng YPG trong cuộc chiến chống IS và chiếm lại Raqqa hồi năm ngoái.
Khi sự phẫn nộ tăng cao, Lầu Năm Góc đã nhanh chóng ngừng ủng hộ YPG. Người phát ngôn của Lầu Năm Góc Adrian Rankine-Galloway trả lời hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ rằng: "Chúng tôi không coi họ (người Kurd) là một phần của chiến dịch chống IS của chúng ta, và chúng tôi cũng không ủng hộ họ…Chúng tôi không hề liên quan gì đến họ…và cũng không có chương trình huấn luyện, cố vấn hay hỗ trợ nào ở Afrin cả.”
Hôm thứ Tư tuần trước, Lầu Năm Góc đã cố gắng hạ thấp tầm quan trọng của lực lượng người Kurd mà nước này đang tìm cách thành lập: "Mỹ tiếp tục đào tạo lực lượng an ninh địa phương ở Syria. Đây không phải là “quân đội mới” hay lực lượng phòng vệ biên giới. Quân đội Mỹ nhận thức sâu sắc về những lo ngại an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ, đối tác trong liên minh (do Mỹ dẫn đầu) và là đồng minh của NATO.”
Tuy nhiên các tuyên bố của Washington dường như không tác động đến kế hoạch của Ankara. Trong một phiên họp với Hội đồng an ninh quốc gia hôm thứ Tư tuần trước, ông Erdogan cho biết Thổ sẽ không bao giờ cho phép thành lập “quân đội khủng bố” ở Syria. “Đáng tiếc là đồng minh của chúng ta, một thành viên của NATO lại tuyên bố những kẻ khủng bố là đối tác của họ và cung cấp cả vũ khí mà không hề quan tâm đến sự an toàn của chúng ta,” ông Erdogan ám chỉ. Ông cũng yêu cầu vũ khí và thiết bị trang bị cho YPG phải được thu hồi nhanh chóng và cho biết Thổ đang rất mất kiên nhẫn.
Binh lính triển khai dọc theo biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria vẫn đang chờ tín hiệu di chuyển, đây có thể là cơ hội nhỏ để tìm ra một giải pháp hòa bình cho nút thắt Afrin.
Nhưng liệu chính quyền của Trump có thể trấn an được Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd, thuyết phục hai bên cùng ngồi xuống và đàm phán hay không? Do Mỹ đến nay vẫn chưa có chiến lược rõ ràng ở Trung Đông nên câu trả lời rất có thể là “không”.
Thực sự chính sách của Mỹ hiện nay vẫn hỗn loạn, mơ hồ và không rõ ràng. Điều này khiến cho Mỹ thua trên mọi mặt trận trong khu vực. Một đối tác của NATO chuẩn bị tham gia vào một cuộc chiến lớn với đối tác trong khu vực của Mỹ là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy Mỹ đã thất bại trong Chính sách đối ngoại ở khu vực.