Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ ngày 24/7 xác nhận Ankara đã nhất trí mở rộng hợp tác quân sự với Mỹ, theo đó cho phép Washington sử dụng căn cứ không quân Incirlik ở miền Đông nước này để phát động không kích nhằm vào các mục tiêu của IS.
Nhật báo "Hurriyet" của Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ rằng nội dung của thỏa thuận cũng liên quan đến việc thiết lập khu vực cấm bay dài 90km và sâu từ 40-50km nằm giữa hai thị trấn Marea và Jarabulus của Syria. Máy bay chiến đấu của Syria sẽ không được phép vào khu vực này và có thể bị bắn hạ nếu vi phạm.
Khu vực cấm bay nói trên sẽ giúp tạo ra vùng an toàn trên mặt đất bên trong lãnh thổ Syria, ngăn chặn sự xâm nhập của các tay súng IS cũng như các nhóm thánh chiến khác, đồng thời làm giảm dòng người tị nạn từ Syria sang Thổ Nhĩ Kỳ. Khi cần thiết, liên minh quốc tế chống IS do Mỹ đứng đầu sẽ tiến hành trinh sát và phát động các chiến dịch tấn công tại khu vực này.
Cũng theo tờ Hurriyet, các máy bay chiến đấu của Mỹ được trang bị bom và tên lửa sẽ được phép sử dụng căn cứ Incirlik để tấn công IS, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sử dụng pháo binh để hỗ trợ các cuộc không kích này. Tuy không nói rõ thời điểm cụ thể song Hurriyet khẳng định rằng căn cứ này sẽ được mở cửa cho không quân Mỹ trong thời gian sớm nhất. Ngoài Incirlik, máy bay chiến đấu Mỹ còn được phép sử dụng các căn cứ không quân Batman, Diyarbakir và Malatya nằm ở phía Đông Thổ Nhĩ Kỳ "trong trường hợp khẩn cấp".
Trước đó, hôm 23/7, các máy bay tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đã oanh kích nhiều mục tiêu của IS nằm trong lãnh thổ Syria. Động thái này diễn ra trong bối cảnh tình hình căng thẳng tại khu vực biên giới dài 900km giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Syria có dấu hiệu leo thang sau các vụ bạo lực của phiến quân IS.
Trong một diễn biến khác, ngày 24/7, Ngoại trưởng Syria Walid al-Muallem đã kêu gọi các quốc gia Trung Đông thành lập liên minh khu vực nhằm đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng từ các nhóm khủng bố, trong đó có IS.
Phát biểu tại Hội nghị truyền thông chống khủng bố được tổ chức tại thủ đô Damascus, Ngoại trưởng Muallem nhấn mạnh sự cần thiết phải thành lập liên minh mới trong bối cảnh thiếu vắng các "nỗ lực nghiêm túc" trên quy mô khu vực và quốc tế nhằm chống lại chủ nghĩa khủng bố.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Syria cho rằng liên minh quốc tế chống IS do Mỹ đứng đầu đã thất bại, đồng thời đặt nghi vấn về thực tâm của Washington khi thành lập liên minh này. Ông đề xuất để Iran giữ vai trò chủ chốt trong liên minh khu vực chống khủng bố, đồng thời nhấn mạnh Tehran đã trở thành "hình mẫu" trong cuộc chiến chống khủng bố và bạo lực.
Hội nghị truyền thông chống khủng bố diễn ra trong hai ngày với sự tham dự của khoảng 130 đại biểu đến từ nhiều quốc gia, trong đó có Iran, Anh, Đức, Nga, Cuba, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Thổ Nhỹ Kỳ, Afghanistan, Pakistan, Ai Cập, Liban, Iraq, Algeria, Maroc, Bahrain, Jordan, Saudi Arabia, Tunisia và Kuwait. Hội nghị tập trung thảo luận về vai trò của truyền thông trong cuộc chiến chống khủng bố, cũng như việc thành lập một mặt trận thống nhất chống các nhóm khủng bố và cực đoan.
Theo TTXVN/Tin tức