Được biết, ông Erdogan đã công bố tin tức ở thủ đô Ankara vào ngày hôm đó. Ông nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gửi quân tới Libya theo thỏa thuận với “Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA)”. Ông nói thêm, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sử dụng các biện pháp quân sự và ngoại giao để “đảm bảo cho sự ổn định của Libya”.
Tổng thống Erdogan còn nói, căn cứ theo hiệp định đã ký với GNA, trong năm 2020 này, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiến hành khai thác dầu mỏ ở ven bờ biển Libya và sẽ huy động các tàu khoan tới sau khi nhận được giấy phép. Các công ty nước ngoài nếu muốn khai thác dầu khí ở đây, cần phải được sự đồng ý của cả Tripoli lẫn Ankara. Ông nói: “Căn cứ theo hiệp nghị này, năm 2020 Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bắt đầu khoan thăm dò khí thiên nhiên ở phía Đông Địa Trung Hải. Xuất phát từ hiệp định về hải dương và an ninh của Libya, nếu không được sự đồng ý của cả hai nước, về mặt pháp luật không ai được phép khai thác dầu khí hoặc đặt đường ống dẫn khí đốt ở khu vực này”.
Lực lượng lính đánh thuê thuộc thuộc “Quân đội Tự do Syria” được Thổ Nhĩ Kỳ đưa tới Libya để giúp lực lượng GNA (Ảnh: VCG)
|
Tờ The Guardian của Anh dẫn một nguồn thạo tin nói, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa 2.000 phần tử vũ trang chống chính phủ Syria tới Libya, nhưng thông tin này chưa được xác nhận. The Guardian ngày 15/1 dẫn một nguồn tin nói, 2.000 quân này là những người được Thổ Nhĩ Kỳ ủy nhiệm giúp GNA chống lại lực lượng “Quân đội Quốc gia Libya” (LNA) ở miền Đông Libya.
Trước đó một ngày, ông Erdogan đã đe dọa nhà lãnh đạo LNA Halifa Hafta: nếu tiếp tục tấn công vào thủ đô Tripoli, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ “dạy cho LNA một bài học”. Lời dọa dẫm này được đưa ra sau khi ông Erdogan có cuộc hội đàm với Fayez el-Sarraj, người đứng đầu GNA tại Istanbul.
10 ngày trước đó, ông Erdogan tuyên bố, theo lời mời của GNA, ông đang “từng bước” đưa quân tới Libya. Ngày 12/1, ông tiết lộ đã cử 35 cố vấn quân sự tới Tripoli.
Vào cuối năm 2019, khoảng 650 người thuộc “Quân đội Tự do Syria” (Free Syrian Army, FSA) được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đã đến Tripoli bằng máy bay và được triển khai ở mặt trận vùng ngoại ô phía Đông của Tripoli.
Lính đánh thuê FSA Syria được huấn luyện tại Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: AP)
|
Ngày 2/1, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu tập họp khẩn cấp, thông qua Nghị quyết ủy quyền cho chính phủ đưa quân đội vào Libya với tỷ lệ 325 phiếu tán thành, 184 phiếu chống
Đến ngày 4/1, Đại hội đại biểu Nhân dân (Quốc hội Libya) đã quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Thổ Nhĩ Kỳ và từ chối công nhận bản ghi nhớ giữa “Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya” (GNA) và Thổ Nhĩ Kỳ về “quyền tài phán trên biển” Địa Trung Hải.
Ngày 5/1/2020, 1.350 phần tử vũ trang FSA Syria đã vượt qua biên giới vào Thổ Nhĩ Kỳ. Một bộ phận trong họ sẽ được huấn luyện quân sự tại miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, những người khác đã được đưa tới Libya. Được biết, những chiến binh này đã kí hợp đồng với GNA chứ không trực tiếp với Thổ Nhĩ Kỳ.
Tin tức cho biết, những người này ký với GNA một hợp đồng 6 tháng, mỗi người nhận được mức lương 2.000 USD/tháng khi chiến đấu cho GNA. Số tiền này cao hơn nhiều so với mức lương chỉ khoảng 450 đến 550 lire (80 đến 90 USD) khi chiến đấu ở Syria. Đồng thời, Thổ Nhĩ Kỳ cũng hứa hẹn sẽ trao quốc tịch Thổ cho những lính đánh thuê tham gia chiến đấu ở Libya này. The Guardian bình luận, lần này Thổ Nhĩ Kỳ đưa 2.000 quân tới Libya sẽ khiến tình hình cuộc nội chiến Syria vốn đã phức tạp càng trở nên hỗn loạn hơn.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan (phải) gặp Fayez el-Sarraj, người đứng đầu GNA tại Istambul hôm 12/1 (Ảnh: AP)
|
The Guardian xác nhận rằng có ít nhất 4 chiến binh đánh thuê này đã chết ở Libya, nhưng đơn vị của họ lại khẳng định rằng họ đã chết trong cuộc chiến chống lại người Kurd ở Đông Bắc Syria. Tuy nhiên, giả thuyết này chưa được Thổ Nhĩ Kỳ chính thức xác nhận.
Các nhà phân tích cho rằng, việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào Libya sẽ gây nên làn sóng phản đối mạnh mẽ ở Libya có lợi cho LNA. Việc đưa đội quân ủy nhiệm đến Libya cũng giúp Thổ Nhĩ Kỳ tránh được việc họ xung đột trực tiếp với các lính đánh thuê được Nga ủng hộ. Ngày 14/1, ông Erdogan phát biểu cứng rắn khi nhắn nhủ người lãnh đạo LNA Halifa Haftar: “Nếu phần tử phản loạn Halifa Haftar tấn công chính phủ hợp pháp Libya và những người anh em của tôi ở Libya, chúng tôi sẽ không do dự dạy cho họ bài học”.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu (trái) và thủ lĩnh LNA Halifa Haftar tại Moscow, 13/1 (Ảnh: AP)
|
Theo Đài truyền hình Alzeera ngày 15/1, ông Erdogan bày tỏ, những người nghi ngờ về sự có mặt của Thổ Nhĩ Kỳ tại Libya không hiểu gì về chính trị và lịch sử. Ông nói: “Nếu Thổ Nhĩ Kỳ không can dự, Halifa Haftar sẽ phát động đảo chính và tiếp quản cả đất nước Libya”.
Năm 2011, sau khi chính quyền của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ, Libya sa vào hỗn loạn. Hiện nay, hai thế lực GNA và LNA cát cứ đối đầu nhau. “Chính phủ đoàn kết dân tộc” (GNA) được Liên hợp quốc công nhận và lực lượng vũ trang ủng hộ họ kiểm soát một bộ phận lãnh thổ ở miền Tây Libya; trong khi Đại hội đại biểu quốc dân liên kết với “Quân đội Quốc gia Libya” (LNA) kiểm soát miền Đông và miền Trung, các thành phố chủ yếu ở miền Đông và một số thành phố ở miền Tây. Từ tháng 4/2019 đến nay, lực lượng LNA của Halifa Haftar được Nga, Pháp và Ai Cập ủng hộ đã chiếm được tuyệt đại bộ phận các vùng ở Libya và bao vây lực lượng GNA được Italy, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar ủng hộ ở Tripoli và một số vùng ở miền Tây. Cuộc xung đột đã khiến hàng ngàn người thương vong, hàng chục ngàn người mất nhà cửa.
Cuộc đàm phán hòa bình giữa hai phe GNA (trái) và LNA (phải) trong cuộc nội chiến Libya tại Moscow hôm 13/1 tan vỡ mà không đạt được một hiệp định ngừng bắn (Ảnh: AP)
|
Dưới sự hòa giải của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, những người lãnh đạo hai phe hôm 13/1 đã tới Moscow tiến hành cuộc đàm phán kín kéo dài 6 giờ đồng hồ, dự định ký kết một hiệp định ngừng bắn. Tuy đại diện GNA đã ký hiệp định này, nhưng Halifa Haftar lấy lý do cuộc đàm phán hòa bình không đáp ứng được điều kiện then chốt của ông nên đã cự tuyệt ký hiệp định đình chiến và rời Moscow hôm 14/1. Ngày hôm đó, súng đã lại nổ ở Tripoli.
Trước động thái này, ông Erdogan đã đưa ra lời cảnh cáo: nếu Halifa Haftar tiếp tục tấn công, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thực hiện cam kết đưa quân đội tới và “cho đối phương biết lễ độ”. Nhưng ông cũng đồng thời cũng bày tỏ cuộc đàm phán hòa bình tan vỡ quá sớm.
Ngày 19/1 tới đây, hai bên sẽ tiến hành vòng đàm phán thứ hai tại Berlin với sự có mặt của đại biểu của 5 quốc gia Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cùng dại diện của các nước Đức, Thổ Nhĩ Kỳ và Italy.
Vì vậy, có ý kiến cho rằng tuyên bố đưa quân tới Libya của ông Erdogan là nhằm gây sức ép buộc LNA chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn để cứu GNA, đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu