Thổ Nhĩ Kỳ "chai mặt" vừa đưa quân sang Iraq, vừa từ chối đóng cửa biên giới Syria ngăn dầu lậu

Ngày 4-12, truyền thông địa phương đưa tin, Thổ Nhĩ Kỳ đã từ chối yêu cầu của Mỹ về việc đóng cửa một phần biên giới với Syria vốn đang nằm dưới sự kiểm soát của IS. Trong khi đó thì Iraq đã chính thức phản đổi Thổ Nhĩ Kỳ tự ý đưa quân vào tỉnh Mosul của nước này. 
Binh lính Thổ Nhĩ Kỳ được triển khai tại biên giới với Syria
Binh lính Thổ Nhĩ Kỳ được triển khai tại biên giới với Syria

Theo nhật báo Hurriyet, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng không thể đóng cửa đường biên giới này và quân khủng bố IS có thể tăng cường lực lượng để đối phó.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cũng nhấn mạnh rằng nếu đường biên giới này bị đóng cửa thì Ankara sẽ không thể tiếp nhận người tị nạn từ Syria.

Tuy nhiên, việc đóng cửa biên giới dọc theo khu vực nằm dưới sự kiểm soát của IS sẽ tạo ra những cản trở đối với sự buôn lậu dầu mỏ mà Thổ Nhĩ Kỳ mua từ lực lượng khủng bố. Gần đây, Nga đã cáo buộc Ankara mua dầu bất hợp pháp từ các tay súng khủng bố ở Syria và vận chuyển đến 3 điểm tập kết dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria.

Bộ Quốc phòng Nga đã cung cấp bằng chứng về việc Thổ Nhĩ Kỳ mua và vận chuyển dầu lậu, trong đó có những hình ảnh về đoàn xe bồn chở dầu ở gần biên giới. Bộ này còn khẳng định rằng, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và gia đình có liên quan đến việc buôn bán dầu lậu.

Trước đó, Mỹ đã đề xuất đóng cửa 98km đường biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria và triển khai thêm quân đội cho khu vực này. Theo ước tính, biện pháp này sẽ cần đến gần 30.000 binh lính và xây dựng các tháp canh dọc đường biên giới.

Trước đó, một đại diện của Bộ Ngoại giao Mỹ đã thừa nhận rằng dầu bất hợp pháp từ Syria đã được cung cấp cho thị trường Thổ Nhĩ Kỳ. Washington đã yêu cầu Ankara đóng biên giới. Chính quyền Mỹ cho biết, họ không tin Erdogan có liên quan đến hoạt động buôn bán dầu lậu. Tuy nhiên, quan điểm đối với phía Erdogan có thể thay đổi nếu biên giới vẫn mở cửa cho hoạt động buôn dầu lậu.

Baghdad yêu cầu Thổ Nhĩ Kì rút ngay quân khỏi Iraq

Chính quyền Iraq đã yêu cầu Ankara rút hơn 100 binh lính khỏi tỉnh Mosul do cho rằng, đây là hành động không được cấp phép bởi Baghdad và vi phạm nghiêm trọng chủ quyền.

Theo tờ Daily Sabah, vào hôm 4-12, 130 binh lính Thổ Nhĩ Kì mang theo vũ khí hạng nặng đã được triển khai đến căn cứ quân sự miền bắc tỉnh Mosul, khu vực hiện đang được chiếm đóng bởi IS.

 Thủ tướng Iraq, Haider al-Abadi Thủ tướng Iraq, Haider al-Abadi

Văn phòng Thủ tướng Iraq, Haider al-Abadi ngay lập tức yêu cầu Ankara rút ngay lực lượng này khỏi lãnh thổ Iraq, đồng thời khẳng định, đây là sự vi phạm chủ quyền nghiêm trọng do Thổ Nhĩ Kì chưa hề được cho phép hoạt động tại đây.

Theo một vài nguồn tin, liên quân do Mỹ dẫn đầu hoàn toàn biết việc này và Thổ Nhĩ Kì đang “huấn luyện cho binh lính người Kurd tại đây”, tuy nhiên, đây không phải là một trong những hoạt động thuộc kế hoạch triển khai của liên quân.

Mosul là thành phố lớn thứ 2 ở Iraq và đã bị chiếm đóng bởi Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) từ tháng 6-2014. IS hoàn toàn kiểm soát thành phố này và đã thu được rất nhiều vũ khí cũng như đạn dược khi quân đội chính phủ bị đánh bật ra khỏi khu vực này.

Sự việc trên diễn ra sau khi động cơ tham gia chiến dịch chống lại IS của Thổ Nhĩ Kì bị nghi ngờ bởi Moscow, Tehran và Baghdad. Nga hiện đang công bố nhiều chứng cứ khẳng định Thổ Nhĩ Kì có mua bán dầu với IS ở Iraq và Syria, cũng như chỉ đích danh giới cầm quyền là Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và gia đình có dính líu đến hoạt động này.

Theo ANTĐ