Cuối tuần qua, trong khuôn khổ một chương trình nội bộ, khoảng 150 thành viên đến từ các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán, tổ chức nước ngoài như Dragon Capital, HSBC… đã ngồi lại tại TP.HCM, cùng tính toán những hướng vận động trên thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán. Và tất nhiên, liên quan trực tiếp là cả đường hướng chính sách.
Cùng thời điểm, Bộ Tài chính Mỹ công bố báo cáo với kết luận gỡ mác thao túng tiền tệ đối với Việt Nam. Nhưng không hẳn như vậy là “thở phào”.
“Tôi có thấy “tút” của người trong nghề vui mừng, rằng như vậy là Ngân hàng Nhà nước sẽ trở lại mua ngoại tệ giao ngay, tiền lại bơm trực tiếp ra thị trường. Tôi thì không nghĩ vậy. Việc gỡ mác không bất ngờ, nhưng không hẳn vì vậy mà thay đổi tính chất vấn đề”, một thành viên tham gia chương trình trên trò chuyện với BizLIVE.
Ông nhìn nhận thêm: “Vừa rồi ta thấy truyền thông quốc tế và trong nước đã khá nhạy cảm, gợi mở hướng kết luận trên của Bộ Tài chính Mỹ. Nhưng thực tế ta vẫn “dính” cả ba tiêu chí. Gỡ nhưng không vì thế mà đơn giản đi. Theo tôi, Ngân hàng Nhà nước sẽ vẫn giảm thiểu can thiệp vào tỷ giá, như vừa qua đã chuyển sang mua ngoại tệ kỳ hạn và giảm tần suất mua. Mặt khác, thông cáo của Bộ Tài chính Mỹ có đề cập đến yêu cầu thúc giục một kế hoạch với các hành động cụ thể để giải quyết các nguyên nhân cơ bản của việc định giá đồng tiền thấp, cũng như mất cân đối thương mại”.
Trong chương trình trên, diễn biến gỡ mác thao túng tiền tệ được thảo luận liên quan đến chủ đề tỷ giá. Một ý kiến cho rằng, quyết định đến tỷ giá USD/VND tới đây phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn ngoại tệ vào - ra. Ở đây, diễn biến trên thị trường chứng khoán được chú ý.
Suốt từ đầu năm đến nay nhà đầu tư nước ngoài bán ròng gần như triền miên trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, hướng nhận định chung tại cuộc thảo luận trên không quá quan ngại.
“Diễn biến đó có dữ liệu đo lường rất cụ thể. Họ bán ròng khoảng 500 triệu USD từ đầu năm, hay khoảng 1,2 tỷ USD trong khoảng một năm trở lại đây. Quy mô này không lớn và không hẳn tạo tác động lớn”, một diễn giả của chương trình trên nhìn nhận.
Chuyên gia này cho biết, tại cuộc thảo luận, hầu hết các thành viên đều có đánh giá chung rằng, độ sâu của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay đã rất sâu, khác với trước rất nhiều.
Cụ thể, những ngày này nhà đầu tư đang chứng kiến quy mô giao dịch trên ba sàn quanh mức 1 tỷ USD. Con số này không bất thường, không bất ngờ và không mang tính thời điểm. Bởi lẽ, đã cả một giai đoạn nghẽn lệnh trên HoSE, việc đo lường sức mạnh dòng tiền bị hạn chế do không được phản ánh và ghi nhận đầy đủ; gần đây đỡ nghẽn lệnh và quy mô giao dịch dần được ghi nhận sát thực hơn.
“Chúng ta đã trải qua một giai đoạn quy mô giao dịch trên thị trường chứng khoán rất lớn, kéo dài và mức độ 1 tỷ USD mỗi phiên chưa hẳn đã dừng lại. Thị trường đã rất đầm sâu, chỉ số nhìn lại đã tăng trưởng mạnh mẽ, lực lượng nhà đầu tư đã mở rộng mạnh mẽ và có chiều sâu. Nếu trước đây nhà đầu tư nước ngoài bán ròng lớn có thể gây ảnh hưởng, nhưng nay, với quy mô bán ròng khoảng 1,2 tỷ USD nói trên thì cũng không hẳn là lớn”, vị chuyên gia trên đánh giá.
Vấn đề đặt ra, “bữa tiệc” trên thị trường chứng khoán sẽ kéo dài bao lâu? Rộng hơn, không chỉ Việt Nam mà cả thế giới, “bữa tiệc tiền rẻ” và sự dễ chịu hơn của lãi suất sẽ kéo dài đến đâu?
Những câu hỏi đó được thảo luận tại cuộc họp trên. Điểm dẫn chiếu đầu tiên là lạm phát.
Một thành viên của ban tổ chức chương trình nói với BizLIVE rằng, về cơ bản có thể thấy nhận định chung các thành viên kỳ vọng lạm phát sẽ tiếp tục được bình ổn. Việt Nam có thử thách nhất định về chi phí đẩy, giá cả hàng hóa nguyên vật liệu đầu vào tăng lên, có nền tham chiếu cùng kỳ năm ngoái thấp bởi Covid dễ tạo mức tăng cao năm nay, có cầu kéo nhưng dự báo sẽ không có đột biến… Quan trọng hơn, Ngân hàng Nhà nước đang bám sát chỉ tiêu này.
Cũng chính vì vậy, nhiều con mắt trên thị trường đang hướng về nhà điều hành chính sách tiền tệ.
Sự chú ý đó trở nên thực tế khi mà vừa qua có thông tin “siết” cho vay chứng khoán, bất động sản, dù “kiểm soát chặt chẽ” là một cách nói hợp lý hơn; hay nhà điều hành chuyển sang kiểm soát tăng trưởng tín dụng của từng ngân hàng theo từng quý… Và nếu lạm phát thực sự gây áp lực, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ hành động.
“Sau giai đoạn 2010-2011, hẳn mỗi chúng ta đều thấm thía sự leo thang của lạm phát và lãi suất. Cho nên đến nay, chúng ta thấy giá trị lớn nhất, mục tiêu lớn nhất là ổn định vĩ mô. Nếu có sự chệch khỏi mục tiêu đó, hẳn Ngân hàng Nhà nước sẽ hành động để giữ ổn định”, thành viên trên đặt vấn đề, cũng như nêu quan điểm nhà điều hành cần chủ động lai dắt kỳ vọng thị trường, định hướng thị trường một cách rõ ràng và minh bạch.
So sánh có thể có những khác biệt. Song, nhìn sang Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), tính định hướng luôn được cập nhật đều đặn, lan tỏa công bằng và minh bạch.
Định kỳ, gần như hàng tháng Fed đều họp và đưa ra thông điệp chính sách, định hướng cụ thể cho thị trường. Mỗi lần như vậy, có thể thấy truyền thông, giới phân tích, nhà đầu tư để ý từng câu chữ mà Fed (hoặc Chủ tịch Fed) đưa ra để nắm bắt.
Với những thông điệp cụ thể như vậy, đều đặn và định kỳ như vậy, thông tin trở nên đối xứng giữa các thành viên trên thị trường để họ có thêm chủ động trong ứng xử. Còn với nhà điều hành chính sách, qua đó họ có thể lai dắt được kỳ vọng trên thị trường đến mục tiêu dự tính.
Theo BizLIVE