Cụ thể, diễn biến phiên giao dịch đầu tuần ngày 20/8, đã diễn ra kém hào hứng, thanh khoản duy trì ở mức thấp trong gần như cả phiên, tình trạng này kéo dài từ sau 10h30 đến gần 14h00. Chỉ sau khi lượng cung chủ động bán giá thấp tăng mạnh sau 14h00, thanh khoản của thị trường mới được cải thiện đáng kể.
Chỉ số VN-Index dao động mạnh trong phiên, có lúc giảm xuống mức 966,46 điểm, giảm hơn 4 điểm. Chỉ số VN30 - Index đã có lúc giảm gần 7 điểm, về mức 942,33 điểm, chạm vào cạnh dưới của vùng tích lũy mạnh 942,4 - 956,3 điểm. Diễn biến của chỉ số đã làm một số nhà phân tích kỹ thuật lo lắng về khả năng tiếp tục có sự điều chỉnh mới, dự báo một tuần giao dịch khó khăn.
Trong phiên giao dịch ngày 21/8, các ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật mạnh đã phát huy tác dụng.
Chỉ số VN-Index tăng gần 11 điểm, đóng cửa ở mức 987,05 điểm. Chỉ số VN30 – Index đã tăng gần 10 điểm cùng với khối lượng giao dịch được cải thiện đạt 48 triệu đơn vị, dòng tiền tiếp tục ở lại để tìm kiếm các cơ hội đầu tư trong thị trường.
Diễn biến tích cực của các chỉ số chính đã tạo tâm lý lạc quan và nâng đỡ niềm tin vào thị trường nơi nhà đầu tư. Mặc dù vậy, dòng tiền chưa có dấu hiệu cải thiện rõ rệt trong khi các chỉ số chính tiếp tục gặp các ngưỡng kháng cự mạnh.
Điều này đã khiến cho cả chỉ số VN-Index và chỉ số VN30 – Index giao dịch với giằng co trong các phiên giao dịch còn lại trong tuần, có dấu hiệu lưỡng lự của bên mua.
Phiên giao dịch cuối tuần cho thấy áp lực bán đã tăng dần, một số bộ phần nhà đầu tư đã quyết định chốt lời khi chỉ số chính của thị trường chứng khoán chưa có dấu hiệu rõ ràng.
Kết thúc tuần, chỉ số VN30-Index tăng 11,19 điểm, đóng cửa ở mức 960,42 điểm. Chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 987,05 điểm, tăng 16,24 điểm so với đầu tuần.
Trên 2 sàn HNX và HSX, giá trị giao dịch ròng của nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục xu hướng giảm và có diễn biến trái chiều nhau. Ở trên sàn HNX, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 15,86 tỷ đồng. Trong khi đó, trên sàn HSX, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 48,67 tỷ đồng, giảm 201,5 tỷ đồng so với tuần trước./.