Thị trường BĐS: Liệu có “sốt” giá?

Chủ đầu tư không nên dựa vào việc thị trường phục hồi mà “tát nước theo mưa”, tăng giá dự án bởi niềm tin của người mua vào thị trường còn rất mong manh. Đó là nhận định của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản (BĐS).
Thị trường 2015 sẽ ấm hơn và lượng giao dịch nhiều hơn không chỉ ở phân khúc giá thấp mà cả ở phân khúc giá trung bình và cao cấp
Thị trường 2015 sẽ ấm hơn và lượng giao dịch nhiều hơn không chỉ ở phân khúc giá thấp mà cả ở phân khúc giá trung bình và cao cấp

Theo CBRE, trong năm 2014, đã có 14.807 căn hộ chào bán, gấp 3,2 lần so với năm 2013. Đặc biệt, nhờ vào tình hình bán hàng khả quan, các dự án cao cấp, ở vị trí đắc đã tăng 10% -20% so với năm 2013; phân khúc bình dân cũng được các đơn vị chào bán với mức giá tăng khoảng 5% -10% so với giá đưa ra hồi đầu năm 2014.

Savills - đơn vị đầu tiên tại Việt Nam đưa ra chỉ số nhà ở cũng ghi nhận những dấu hiệu tích cực trên thị trường khi các chỉ số đều trên đà tăng. Tại Hà Nội, trong quý 4/2014, chỉ số giá nhà ở đạt mức 106 điểm, tăng 3,2 điểm theo quý và 5,3 điểm theo năm còn tại TP.HCM chỉ số giá nhà ở là 89,2 tăng 0,5 điểm theo năm.

Dưới góc độ DN, nhận định về giá BĐS trong năm 2015, ông Nguyễn Quang Trung - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Cty CP Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng cho rằng thị trường 2015 sẽ ấm hơn và lượng giao dịch nhiều hơn không chỉ ở phân khúc giá thấp mà cả ở phân khúc giá trung bình và cao cấp, giá BĐS sẽ tăng khoản 5%, thanh khoản sẽ tăng 20%. “Năm nay thị trường sẽ phục hồi nên kế hoạch kinh doanh của chúng tôi cũng thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn so với năm 2104. Chúng tôi đặt mục tiêu doanh thu sẽ tăng 150%, từ 235 tỷ đồng của năm 2014 lên 353 tỷ đồng trong năm 2015”, ông Trung cho biết.

Đến đây, câu hỏi được đặt ra là chủ đầu tư có nên dựa vào vào việc thị trường phục hồi để “tát nước theo mưa”, tăng giá dự án của mình và làm sao để thị trường phát triển một cách bền vững?

Theo ông Trần Ngọc Thành - TGĐ Đất Xanh miền Trung, hiện nay người mua nhà đã khôn ngoan hơn, họ dành sự quan tâm vào những "dự án thật", "dự án sống" nên chỉ cần xuất hiện một dấu hiệu không bình thường là họ quay lưng ngay.

Dưới góc nhìn của mình, ông Đỗ Minh Dương - chuyên gia BĐS nhận định: Khách hàng hiện nay chủ yếu là người có nhu cầu ở thực, vì vậy, bên cạnh mối quan tâm đến tiến độ dự án, thời điểm bàn giao nhà, vị trí dự án, kết nối hạ tầng… thì giá của dự án cũng được tìm hiểu kỹ lưỡng. “Theo tôi, chủ đầu tư nên hướng đến tầm nhìn dài hạn thay vì chỉ thấy lợi ích trước mắt của việc tăng giá bởi nếu tăng giá nhưng thị trường không chấp nhận thì làm sao bán được sản phẩm. Bài học đóng băng của thị trường giai đoạn 2011-2014 với lượng tồn kho lên đến hàng triệu tỷ đồng, nhiều DN đứng trước nguy cơ phá sản do không bán được hàng theo tôi vẫn còn nguyên giá trị”.

Theo giới phân tích, mặc dù tồn kho BĐS trong hai năm qua đã giảm đáng kể; tuy nhiên hàng tồn giảm chủ yếu tại các căn hộ có diện tích nhỏ và giá bán trung bình hoặc những dự án có khu vực hạ tầng tốt.

Việc giải quyết số hàng tồn còn lại cùng với số hàng mới sắp khởi công là điều không hề dễ dàng nếu cơ cấu sản phẩm không phù hợp. “Điều này đòi hỏi các nhà phát triển BĐS phải đa dạng hóa và cơ cấu lại sản phẩm trước khi đưa ra chào bán tại thị trường. Bên cạnh đó các DN BĐS, đặc biệt là DN Việt Nam còn gặp khó khăn về vốn đầu tư; để giải quyết vấn đề vốn, các chủ đầu tư cần huy động tối đa nhân lực để hoàn thành dự án dở dang nhằm thu hồi nguồn lực để tái đầu tư, hoặc sử dụng dòng vốn từ các quỹ đầu tư nước ngoài thông qua các phương thức mua bán sáp nhập để khắc phục tiến độ dự án và tăng niềm tin của khách hàng” - Tiến sỹ Sử Ngọc Khương, Giám đốc Đầu tư công ty Savills Việt Nam chia sẻ.

Theo: CafeF