Ngân hàng mẹ VPBank báo lãi tỉ USD năm 2021 |
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank – Mã CK: VPB) vừa công bố báo cáo tài chính riêng và hợp nhất quý 4/2021.
Đáng chú ý, ở báo cáo kết quả kinh doanh riêng của ngân hàng mẹ, VPBank báo lãi trước thuế tới 23.487,7 tỉ đồng trong quý cuối cùng của năm 2021. Nguyên nhân chủ yếu là nguồn thu nhập đột biến từ góp vốn mua cổ phần, với giá trị lên tới 20.351,8 tỉ đồng.
Kết quý 4/2021, thu nhập từ góp vốn mua cổ phần luỹ kế của ngân hàng mẹ VPBank đạt 23.954,8 tỉ đồng. Trong đó, chủ yếu là thu nhập thanh lý, thoái vốn đầu tư vào đơn vị khác đạt 20.352,3 tỉ đồng; lợi nhuận chuyển về từ công ty con VPB SMBC FC đạt 3.600,5 tỉ đồng.
Nhờ nguồn thu nhập bất thường kể trên, ngân hàng mẹ VPBank báo lãi trước thuế cả năm 2021 đạt 37.963 tỉ đồng - cao gấp 4 lần năm 2020.
Thu nhập từ góp vốn mua cổ phần được ghi nhận trên báo cáo kết quả kinh doanh ngân hàng mẹ VPBank năm 2021 |
Như VietTimes từng đề cập, trong quý 4/2021, VPBank đã hoàn tất việc bán 49% vốn FE Credit cho tập đoàn Sumitomo Mitsui Financial Group (SMFG). Hậu thương vụ này, VPBank nắm giữ 50% vốn điều lệ tại FE Credit – doanh nghiệp nay đã đổi tên thành Công ty TNHH Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (VPB SMBC FC).
Căn cứ theo tỉ lệ sở hữu của VPBank và phần lợi nhuận kết chuyển được ghi nhận trên báo cáo kết quả kinh doanh tại ngân hàng mẹ nêu trên, theo tính toán của VietTimes, VPB SMBC FC có thể lãi khoảng 7.200 tỉ đồng trong năm 2021.
Xét trên báo cáo tài chính hợp nhất, thu nhập lãi thuần của VPBank trong năm 2021 đạt 34.348,8 tỉ đồng, tăng trưởng 6,1% so với năm trước.
Bên cạnh đó, nhà băng này cũng ghi nhận tăng trưởng tích cực ở các nguồn lãi thuần từ hoạt động dịch vụ (4.059 tỉ đồng), lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư (3.150 tỉ đồng) và hoạt động khác (2.807,7 tỉ đồng).
Trong khi đó, VPBank dành ra tới 19.002 tỉ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 29,9% so với năm trước. Trừ đi các chi phí khác, nhà băng này báo lãi hợp nhất sau thuế đạt 11.807,8 tỉ đồng, tăng trưởng 13% so với năm 2020.
Trên bảng cân đối, tại ngày 31/12/2021, quy mô tổng tài sản của VPBank đạt 547.626,1 tỉ đồng, tăng 30,6% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng đạt 355.281,2 tỉ đồng, tăng 22,1% so với đầu năm.
Tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ đạt 4,4% tăng mạnh so với cuối quý 3 và đầu năm 2021. Trong khi đó, tỉ lệ bao phủ nợ xấu của VPBank được nâng lên mức 60,9%.
Ở phía bên kia bảng cân đối, lượng tiền gửi khách hàng của VPBank tại thời điểm cuối năm 2021 lên tới 241.837 tỉ đồng, chiếm 44,16% tổng nguồn vốn.
Đáng chú ý, VPBank cũng hoạt động rất tích cực trên thị trường liên ngân hàng. Tại ngày 31/12/2021, nhà băng này có 57.104,6 tỉ đồng tiền gửi và cấp tín dụng cho các tổ chức tín dụng khác – tăng 2,9 lần so với đầu năm. Ở chiều hướng ngược lại, lượng tiền gửi và vay các tổ chức tài chính, tổ chức tín dụng khác của VPBank tại thời điểm cuối năm ngoái đạt 114.619,1 tỉ đồng – tăng gấp đôi so với đầu năm./.