Tại Hội nghị Shangri-la vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter công khai chỉ trích hành động xây đắp đảo của Trung Quốc tại Biển Đông, đồng thời khẳng định rằng, Mỹ sẽ điều máy bay và tàu hoạt động tại bất cứ nơi nào mà luật quốc tế cho phép, bất chấp việc Trung Quốc tuyên bố việc tiếp cận quá gần các đảo mà Bắc Kinh đang chiếm đóng là hành động khiêu khích.
Ông Carter cũng điểm các hệ thống vũ khí mới mà Washington dự định sẽ điều tới châu Á, trong đó có tàu khu trục tàng hình Zumwalt. Đây được cho là nhằm tạo cơ sở để Mỹ triển khai lực lượng tới khu vực trong tương lai.
Tuy nhiên, phía Trung Quốc dường như không e ngại các tuyên bố của ông Carter. Đô đốc Tôn Kiến Quốc, phó tổng tham mưu trưởng Trung Quốc, vẫn tiếp tục bao biện cho hành động xây đắp đảo trái phép của nước này tại Biển Đông. Thậm chí một đại diện của Trung Quốc, Đại tá Triệu Hiểu Trác còn cho rằng "lời lẽ của ông Carter không cứng rắn" như dự đoán.
Theo Wall Street Journal, sự ngoan cố này của Trung Quốc đặt chính quyền Tổng thống Barack Obama vào thế tiến thoái lưỡng nan trong xử lý quan hệ hai nước. Hiện nay đang có một cuộc tranh luận trong giới chức Mỹ giữa những người tin rằng các hoạt động của Trung Quốc phải được kiểm soát và kiềm chế và những người lo ngại rằng một phản ứng sai của Mỹ có thể dẫn tới một cuộc đối đầu quân sự, thậm chí là một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.
Chính sách tái cân bằng tại châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ là nhằm tái bảo đảm cho các đồng minh vốn lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc. Tuy nhiên, cách tiếp cận này có thể sẽ tạo ra nguy cơ gây đối đầu với Trung Quốc và có thể phân cực khu vực, tạo ra một thế khó cho các quốc gia châu Á vốn không muốn phải chọn đứng hẳn về một bên nào.
Các quốc gia như Hàn Quốc là đồng minh quan trọng, nhận sự bảo vệ quân sự từ Mỹ, nhưng lại có mối quan hệ kinh tế thương mại chặt chẽ với Trung Quốc. Seoul và Bắc Kinh hôm 1/6 vừa ký kết thỏa thuận thương mại tự do song phương, được lãnh đạo hai nước đánh giá là "cột mốc lịch sử". "Thông qua thỏa thuận này, Trung Quốc có thể đã tìm cách nắm lấy Hàn Quốc trong khi cạnh tranh để giành sự lãnh đạo kinh tế và chính trị ở Đông Bắc Á", New York Times dẫn lời một quan chức Hàn Quốc cho biết.
Một số nhà phân tích Mỹ lập luận về một sự thoả hiệp, theo đó Mỹ sẽ nhượng bộ để Trung Quốc có thể có ảnh hưởng lớn hơn tại khu vực, và Washington sẽ rút bớt lực lượng để tạo ra một vùng đệm chiến lược giữa hai nước. Điều này đồng nghĩa với việc chấm dứt trật tự hậu Thế chiến II mà Mỹ đóng vai trò là cường quốc bá quyền.
Một số khác, trong đó có cả các nghị sỹ quốc hội, tin rằng Mỹ cuối cùng sẽ phải thể hiện sức mạnh quân sự, bất chấp nguy cơ có thể xảy ra những toan tính sai lầm từ cả hai phía. Một trong những tiếng nói mạnh mẽ từ Quốc hội Mỹ là Thượng nghị sỹ John McCain với quan điểm cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục các hoạt động gây bất ổn chừng nào nước này còn chưa thấy rằng cái giá phải trả sẽ lớn hơn lợi ích đạt được.
Ngay cả giới quân sự Mỹ hiện cũng không có một sự đồng thuận về cách tiếp cận tình hình. WSJ dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên cho biết, một số quan chức trong Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương nhận thấy sự cần thiết phải có phản ứng đối với sự hiếu chiến của Trung Quốc, trong khi một số khác tại Lầu Năm Góc lại lo ngại rằng phản ứng quá nghiêng về "cơ bắp" sẽ là một sự phản ứng ngoài ý muốn.
"Hiện không có một quan điểm thống nhất trong Bộ Quốc phòng. Tất cả đều nhất trí rằng những gì họ (Trung Quốc) đang làm là sai, nhưng vấn đề hành động như thế nào để thay đổi cách hành xử đó vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ", quan chức này nói.
Trong khi đó, Trung Quốc hiện để ngỏ khả năng thành lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại Biển Đông. Phát biểu tại hội nghị cuối tuần qua, Đô đốc Tôn Kiến Quốc cho biết nếu như Bắc Kinh cảm thấy uy hiếp tại Biển Đông đủ lớn, thì sẽ có thể thiết lập ADIZ. Trước đó, ông Âu Dương Ngọc Tĩnh, cục trưởng Cục Biên giới và các vấn đề hải dương thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cũng có phát biểu tương tự.
Các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng có thể là những quân bài trong một cuộc chơi quy mô lớn hơn sẽ diễn ra trong vài thập kỷ tới, khi Trung Quốc nỗ lực phá vỡ vành đai hệ thống liên minh của Mỹ trải dài từ Hàn Quốc tới Australia mà Bắc Kinh tin rằng nó đang trấn áp sự trỗi dậy của nước này.
Chính vì vậy, chính quyền Tổng thống Obama được cho là đang cố gắng tìm một "sự cân bằng hợp lý" để vừa có thể gia tăng sức ép nhưng vừa tránh làm tình hình căng thẳng vượt mức cần thiết nhằm đạt được các mục tiêu và ý đồ của Mỹ. Theo ông David Shear, cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam và hiện là Trợ lý phụ trách các vấn đề an ninh châu Á-Thái Bình Dương của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, thì "không một viên đạn bạc nào có thể giải quyết được vấn đề", ám chỉ những khó khăn phía trước.
Theo: VnExpress