Tham vọng năng lượng tái tạo của Amaccao

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc

VietTimes – Thành danh từ lĩnh vực xây lắp, kinh doanh vật liệu xây dựng, Tập đoàn Ammaccao của "đại gia" Tô Văn Năm (SN 1969) nay còn nhắm tới lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

UBND tỉnh Quảng Trị vừa có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho CTCP Điện gió Khe Sanh (Khe Sanh) thực hiện dự án Nhà máy điện gió Amaccao Quảng Trị 1 tại các xã Tân Lập, Tân Liên, Húc, Hướng Lộc và thị trấn Khe Sanh – huyện Hướng Hoá.

Dự án này có công suất 49,2 MW với 12 trụ tua bin gió, được thực hiện trên nền đất rộng 22,1 ha, tổng mức đầu tư dự kiến là 2.000 tỉ đồng, trong đó vốn góp nhà đầu tư chiếm 20%, còn lại là vốn vay.

Theo tìm hiểu của VietTimes, Khe Sanh là đơn vị thành viên của Tập đoàn Amaccao, được thành lập vào tháng 7/2020 với vốn điều lệ 400 tỉ đồng, gồm 4 cổ đông sáng lập là CTCP Tập đoàn Amaccao (nắm giữ 50% VĐL), ông Lại Duy Nam (10%), ông Ngô Văn Trình (30%) và bà Nguyễn Thị Mùi (30%).

Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Ngô Văn Trình (SN 1983). Ông Trình còn là người đại diện của Công ty TNHH Ngô Vũ Hoàng, tuy nhiên công ty này hiện không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.

Bên cạnh đó, cổ đông Nguyễn Thị Mùi (SN 1979) là người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Vonta Việt Nam và Công ty TNHH Phát triển Hoa Đào. Trong đó, Vonta Việt Nam cũng là đơn vị thành viên của Tập đoàn Amaccao.

CTCP Tập đoàn Amaccao (Amaccao Group) tiền thân là Công ty TNHH Xây dựng Amaccao E&C, được thành lập vào tháng 9/2015. Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Tô Văn Năm (SN 1969).

Tháng 4/2018, Amaccao Group tăng mạnh vốn điều lệ từ 100 tỉ đồng lên 1.200 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông thời điểm này gồm ông Tô Văn Năm (nắm giữ 90% VĐL), ông Tô Anh Minh (9%), ông Tô Văn Nhật (0,5%) và bà Tô Thị Đường (0,5%).

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, trong 4 năm trở lại đây, Amaccao Group (công ty mẹ) chỉ báo lãi duy nhất một lần vào năm 2017 với mức lãi vỏn vẹn 143 triệu đồng. Gần nhất là năm 2019, Amaccao ghi nhận doanh thu thuần đạt 79,9 tỉ đồng, lỗ thuần ở mức 1,96 tỉ đồng, trong khi năm 2018 cũng lỗ 4 tỉ đồng.

Tuy nhiên, các số liệu trên mới chỉ là các chỉ số tài chính riêng lẻ, chưa hợp nhất tất cả các đơn vị thành viên.

Theo giới thiệu trên trang chủ, Tập đoàn Amaccao hiện đang sở hữu 16 nhà máy cùng với “hệ sinh thái” lên đến 21 công ty thành viên, hoạt động trong nhiều lĩnh vực như bất động sản, thi công xây dựng, năng lượng, sản xuất kinh doanh và giáo dục. Trong đó, pháp nhân lâu đời nhất là CTCP Phát triển Đầu tư Xây dựng Việt Nam (Vinadic).

Về Vinadic, công ty này được thành lập vào tháng 11/2001, trụ sở chính đặt tại Khu công nghiệp Nguyên Khê, Đông Anh, Hà Nội.

Trong năm 2018, Vinadic đã thực hiện 2 lần tăng vốn từ 500 tỉ đồng lên 1.130 tỉ đồng, trong đó Chủ tịch HĐQT Tô Văn Năm là cổ đông lớn nhất góp hơn 1.116 tỉ đồng, tương đương với tỷ lệ sở hữu 98,78%. Cập nhật đến ngày 6/11/2019, Vinadic có vốn điều lệ 1.350 tỉ đồng.

Thời gian đầu, Vinadic chủ yếu tập trung vào hoạt động thi công và xây lắp các dự án đường giao thông, san lấp hạ tầng, thuỷ lợi và các công trình xây dựng dân dụng. Công ty này từng là đối tác thực hiện thi công tại nhiều dự án của các tập đoàn lớn như Xuân Thành Group, Conteccons hay Vingroup.

Từ tháng 11/2015 đến nay, Vinadic được công bố trúng cả chục gói thầu xây dựng, chủ yếu tại Hà Nội. Gần nhất là Gói thầu số 1 Xây lắp thuộc Dự án Xây dựng tuyến đường gom và kè sông đào Nguyên Khê đoạn từ cầu Đôi đến đường sắt Hà Nội - Lào Cai với giá trúng thầu 139 tỉ đồng.

Trước đó, đầu tháng 10/2020, Liên danh Vinadic – CTCP Đầu tư và Xây dựng Bảo Quân – CTCP Đầu tư Xây dựng và Phát triển đô thị Thăng Long cũng trúng Gói thầu số 16G Thi công xây dựng kênh La Khê và đường giao thông 2 bên bờ kênh từ K2+188 ÷ K2+732 với giá trúng thầu 157,8 tỉ đồng.

Hồi tháng 7/2020, cũng với tư cách thành viên liên danh, Vinadic trúng 2 gói thầu gồm: Gói thầu số 7 Toàn bộ phần xây lắp và mua sắm, lắp đặt thiết bị công trình thuộc Dự án Xây dựng trường trung học cơ sở trong khu chức năng đô thị Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội (giá trúng thầu 99,5 tỉ đồng); Gói thầu số 6 Thi công xây dựng công trình (không bao gồm hạng mục cây xanh và điện chiếu sáng) thuộc Dự án Xây dựng tuyến đường từ trung tâm hành chính huyện Mê Linh đến trung tâm văn hóa thể thao huyện Mê Linh, Hà Nội (giai đoạn 1) (giá trúng thầu 145,9 tỉ đồng).

Song song với lĩnh vực xây lắp, Vinadic cũng đầu tư vào bất động sản khi triển khai loạt dự án trên địa bàn TP. Hà Nội như: Nhà ở cao tầng tại Khu đô thị phía Bắc, đường 23B, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh (quy mô 10.770 m2, tổng mức đầu tư 300 tỉ đồng); Trung tâm nguyên phụ liệu da giày Hà Nội (7.390 m2, tổng mức đầu tư 620 tỉ đồng); Khu văn phòng và nhà ở Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm (9.124 m2, tổng mức đầu tư 270 tỉ đồng); Khu công nghiệp Nguyên Khê, huyện Đông Anh (77 ha, tổng mức đầu tư 1.708 tỉ đồng); Chợ gỗ Vân Hà, huyện Đông Anh (4,8 ha, tổng mức đầu tư 250 tỉ đồng); Chợ Mun, huyện Đông Anh (1.244 ha, tổng mức đầu tư 120 tỉ đồng).

Về kết quả kinh doanh, dữ liệu của VietTimes cho thấy, trong 4 năm trở lại đây, Vinadic luôn duy trì doanh thu từ 500 – 700 tỉ đồng/năm, tuy nhiên khoản lợi nhuận thuần lại chỉ ở mức thấp. Khả quan hơn cả là năm 2019, Vinadic ghi nhận doanh thu thuần đạt 640,2 tỉ đồng, lãi thuần ở mức 5,6 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 8,7%.

Tính đến ngày 31/12/2019, quy mô tổng tài sản của Vinadic đạt 2.115 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 1.256 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 73% và 56% so với thời điểm đầu năm.

Trở lại với Amaccao, ngoài Vinadic, tập đoàn này còn một số đơn vị thành viên tiêu biểu khác có thể kể đến như Công ty TNHH Nhựa Châu Âu xanh (Euro Pipe) hay CTCP Amaccao Pile.

Trong đó, Nhựa Châu Âu xanh là công ty liên doanh chuyên sản xuất ống nhựa và phụ kiện ống nhựa tiêu chuẩn Châu Âu. Còn Amaccao Pile là đơn vị sản xuất và cung cấp cống, cọc, cấu kiện đúc sẵn, tư vấn thiết kế và thi công nền móng tại khu vực phía Bắc.

Tuy nhiên, tương tự như Vinadic, kết quả kinh doanh của 2 công ty này cũng chưa được khả quan khi chỉ khoản lãi thuần là rất nhỏ, thậm chí là lỗ dù ghi nhận doanh thu đạt hàng trăm tỉ đồng mỗi năm.

Cụ thể, năm 2019, doanh thu thuần của Nhựa Châu Âu xanh đạt 505 tỉ đồng, lãi thuần ở mức 2,39 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 0,47%. Trước đó, giai đoạn 2016 – 2018, công ty này liên tục báo lỗ từ 2 – 6 tỉ đồng mỗi năm.

Còn Amaccao Pile, năm 2019 ghi nhận doanh thu thuần đạt 670,7 tỉ đồng, lãi thuần ở mức 1,4 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 0,2%./.